Mắc bẫy lừa đảo "tuyển cộng tác viên làm việc online", nạn nhân mất 1,4 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Bất chấp cảnh báo của các cơ quan chức năng, nhiều người vẫn mắc bẫy lừa đảo "tuyển cộng tác viên làm việc online", bị kẻ xấu chiếm đoạt hàng tỉ đồng.

Nạn nhân mới đây nhất là chị M (SN 1983; trú tại Hà Đông, Hà Nội). Theo chị M., ngày 19/2/2024, chị lên mạng xã hội và được tuyển làm cộng tác viên bán hàng online cho một nhãn hàng thời trang.

Chị được hướng dẫn làm nhiệm vụ tăng tương tác cho nhãn hàng để được hưởng hoa hồng và đã nạp 1,4 tỷ đồng nhưng không rút được cả tiền gốc và hoa hồng. Biết mình bị lừa, chị đã đến Công an phường Trung Văn trình báo.

Hiện, Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đang điều tra, xác minh vụ lừa đảo trên.

Theo Công an Hà Nội, "mồi nhử" mà các đối tượng đưa ra rất hấp dẫn, như với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng lãi cao. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng, đến đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền. Nhiều người, nhất là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ, hiện ở nhà không có việc làm, sinh viên có nhu cầu làm thêm, bán hàng online để kiếm thêm thu nhập đã sập bẫy của các đối tượng.

bbb-9551.jpg
Nhiều người đã bị các đối tượng lừa đảo bằng việc tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng để chiếm đoạt tài sản

Trước đó, chị N.T.H (sinh năm 1998) ở quận Hà Đông (Hà Nội) cũng bị mất gần 300 triệu đồng do nhận làm cộng tác viên chạy quảng cáo, thanh toán các đơn hàng cho một sàn TMĐT.

Yêu cầu công việc rất đơn giản và phù hợp đó là không cần kinh nghiệm, chỉ cần có điện thoại và thẻ ATM. Chị H được giao bán hàng online, nhận và thanh toán các đơn hàng để hưởng tiền hoa hồng. Với 5 đơn hàng đầu tiên, chị được số tiền hơn 1,1 triệu đồng tiền hoa hồng cùng số tiền gốc ứng ra để nhận hàng giao cho khách. Do ham lợi nhuận, chị H tiếp tục bị các đối tượng lừa đảo với tổng số tiền ứng ra để nhận đơn hàng lên đến gần 300 triệu đồng thì chị H không thể liên lạc được với các đối tượng.

Tương tự, chị V.T.L (sinh năm 2000) ở TP Hưng Yên (Hưng Yên) được hướng dẫn làm cộng tác viên thanh toán các đơn hàng, hưởng tiền hoa hồng cho mỗi đơn hàng 10% - 15%. Thấy công việc không yêu cầu kinh nghiệm, thu nhập cao nên chị L. đã tham gia và thanh toán nhiều đơn hàng.

Thời gian đầu, chị L nhận được tiền hoa hồng theo đúng cam kết của công ty. Tuy nhiên, khi tổng số tiền ứng ra để nhận hàng theo đơn và hoa hồng lên đến hơn 500 triệu đồng thì chị L không liên lạc được với "công ty" đã tuyển chị làm cộng tác viên nữa.

Vì thế, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), hiện nay, hình thức lừa đảo phổ biến nhất vẫn là lừa tuyển cộng tác viên "việc nhẹ lương cao". Các đối tượng thường giả mạo các trang sàn TMĐT như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân.

Để giúp người dân tránh bị lừa đảo, mất tiền, Bộ Công an đã cảnh báo về phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tiền qua mạng: Hiện nay, tội phạm lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok...), bỏ tiền tạm ứng, thanh toán qua tài khoản các đơn hàng ít tiền để đặt hàng, sau đó nhận lại tiền tạm ứng và tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng.

Đến các lần tiếp theo, thanh toán đơn hàng với lượng tiền lớn thì bị chiếm đoạt đồng thời nhận được yêu cầu nộp thêm tiền để hệ thống xử lý lỗi và hoàn trả nhưng không được hoàn trả.

Vì thế, Bộ Công an đề nghị người dân cảnh giác, không tham gia hoạt động nêu trên; khi phát hiện thì báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết.

Dấu hiệu nhận diện và biện pháp phòng tránh lừa đảo tuyển cộng tác viên online:
Để người dân nhận biết được thủ đoạn tinh vi của tội phạm này, Cục An toàn thông tin đã chỉ ra các dấu hiệu nhận biết:

Yêu cầu tạm ứng tiền: Nếu bạn được yêu cầu nộp một khoản tiền tạm ứng trước khi bắt đầu công việc, hãy cảnh giác. Lừa đảo thường sử dụng chiêu này để chiếm đoạt số tiền của bạn mà không cung cấp công việc thực tế.

Yêu cầu thông tin tài khoản cá nhân: Lừa đảo có thể yêu cầu bạn cung cấp thông tin tài khoản cá nhân, bao gồm số thẻ tín dụng hoặc thông tin ngân hàng, với lý do để thực hiện thanh toán hoặc tạo tài khoản.

Quảng cáo công việc quá hấp dẫn và dễ dàng: Lừa đảo thường hứa hẹn công việc có thu nhập cao và dễ dàng, mà không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm đặc biệt.

Kiểm tra trang thanh toán đơn hàng: Kiểm tra xem trang thanh toán đơn hàng có đủ các biểu tượng bảo mật như khóa SSL hay "https://" trước URL không. Nếu trang không có các biểu tượng này, đó có thể là dấu hiệu của một trang web giả mạo và thông tin của bạn có thể bị đánh cắp.

Kiểm tra thông tin về công ty và người tuyển dụng: Nếu không có thông tin rõ ràng hoặc không có thông tin liên hệ, đó có thể là dấu hiệu của một hoạt động lừa đảo.

Đọc kĩ hợp đồng và các thỏa thuận liên quan: Cần yêu cầu và đọc kỹ hợp đồng hoặc thỏa thuận liên quan. Nếu không có hợp đồng hoặc thỏa thuận rõ ràng, bạn có thể gặp rủi ro bị lừa đảo.