Thông tin này được đề cập khi hãng công bố các đơn hàng có tổng trị giá 12 tỷ USD để mua máy bay mới từ Boeing và Airbus.
Lufthansa hiện đang biên chế 14 chiếc A380. Số máy bay A380 của hãng sẽ giảm xuống 8 chiếc sau khi thương vụ bán lại máy bay diễn ra trong vài năm tới.
“Lufthansa vẫn tiếp tục theo dõi khả năng sinh lời của các đường bay trên khắp thế giới. Do đó, tập đoàn quyết định giảm số lượng máy bay A380 trong đội bay từ 14 xuống 8 chiếc vì lý do kinh tế. Cấu trục mạng bay và đội bay đường dài, được tối ưu hóa theo chiến lược cụ thể, sẽ giúp hãng linh hoạt hơn trong khi tăng cường sự hiệu quả và tính cạnh tranh”, thông báo của hãng cho hay.
Dây chuyền sản xuất A380 của Airbus cũng sẽ bị đóng cửa vào năm 2021 do nhiều đơn hàng bị hủy và không có đơn hàng mới. Những loại máy bay mới hoạt động hiệu quả đã thu hút khách hàng hơn, khiến A380 trở nên ế ẩm.
Rất nhiều hãng bay đã xác nhận họ sẽ thay thế những chiếc A380 bằng các máy bay thân rộng 2 động cơ mới như A350. Hãng hàng không sở hữu nhiều A380 nhất, Emirates, gần đây đã chuyển toàn bộ đơn hàng A380 chưa nhận bàn giao sang A350. Tháng trước, Qantas cũng đã hủy đơn hàng A380 của họ với Airbus.
Simple Flying đã liên hệ với Lufthansa về thương vụ bán lại A380. Người phát ngôn của hãng cho hay họ rất yêu thích chiếc A380 và cả phi hành đoàn lẫn hành khách đều thích mẫu máy bay này.
Tuy nhiên, theo kế hoạch kinh doanh, điều quan trọng là hãng cần nâng khả năng sinh lời trong mạng bay của mình. Điều này bao gồm tối ưu hóa đội bay với điều kiện thị trường. Với mẫu A380, hãng cho hay “chỉ có khả năng sinh lời trên các chặng bay có nhu cầu cao”.
A380 là một trong những dòng máy bay khó lấp đầy khách. Khi đầy khách, đây là một trong những dòng máy bay tiết kiệm nhất trên thị trường. Tuy nhiên việc khó có thể có đủ khách bay là điều khiến vận hành A380 trở nên khó sinh lời.
Việc chuyển sang các dòng máy bay nhỏ hơn, hiệu quả hơn như A350 hay 787 sẽ giúp giảm chi phí vận hành khoảng 20%.
Tuy nhiên, ông Carsten Spohr, CEO của Lufthansa, cho rằng đây không phải là nguyên nhân duy nhất khiến hãng phải bán lại A380 cho Airbus.
“Ngoài việc tiết kiệm chi phí khi vận hành A350 hay 737, việc giảm đáng kể khí thải CO2 khi vận hành các dòng máy bay đường dài mới là một yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn đầu tư của hãng”, ông Spohr cho hay.
Trong khi quyết định bán lại A380 cho Airbus có thể xem là dễ hiểu. Điều khó hiểu là vì sao Airbus lại mua lại số máy bay này. Nhiều giả thuyết được đưa ra là hãng sẽ bán lại cho một hãng hàng không khác, cải biến những chiếc A380 này thành máy bay chở hàng hay chỉ đơn giản là rã máy bay lấy linh kiện, chi tiết.
Hiện trên thị trường có hai doanh nghiệp đang có nhu cầu mua lại A380 cũ là Hi FLy và British Airways nên có khả năng Airbus mua lại A380 để giao tới những khách hàng tiềm năng này.
Lufthansa từ chối bình luận về việc liệu thương vụ này có nằm trong hợp đồng mua A350 giữa hãng và Airbus. Về phần Airbus, hãng đưa ra phản hồi sau: “Airbus hỗ trợ và khuyến khích phát triển thị trường mua bán A380 cũ. Chúng tôi từ chối bình luận về các thông tin khác”.