Theo ông Cường, để phòng chống dịch COVID-19, nhiều biện pháp tuyền truyền, các cấp độ tuyền truyền đã được huy động vào cuộc, từ báo đài, mạng xã hội, tin nhắn SMS đến cả loa phường – vốn là hình thức tuyên truyền đã nhiều lần được cân nhắc tiếp tục sử dụng hay loại bỏ.
“Ngày xưa, khi còn làm báo, tôi phản đối loa phường lắm. Nhưng khi chuyển sang lĩnh vực tuyên truyền cho ngành Y tế, tiếp xúc với các cán bộ y tế cơ sở thì mới thấy không thể bỏ được loa phường. Loa phường rất quan trọng trong việc tuyên truyền cho người dân trong làng, trong xã, trong xóm. Loa phát thanh ở các địa phương mỗi ngày đều nhắc người dân về cách phòng tránh dịch bệnh” - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng bày tỏ.
Cùng với đó, ông Cường cũng cho biết, nhiều biện pháp tuyên truyền hiện đại đã được huy động để phối hợp tuyên truyền chống dịch COVID-19. Mỗi ngày, có 150 triệu thuê bao di động trên toàn quốc được cập nhật thông tin dịch qua tin nhắn SMS từ Bộ Y tế. Đây là sự phối hợp rất hiệu quả, quyết liệt của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cùng các doanh nghiệp viễn thông.
Ngay ngày sau nghỉ Tết Canh Tý, Viettel xác lập tổng đài giải đáp thông tin dịch COVID-19 với 80 điện thoại viên, nhận và giải đáp thông tin từ 15.000 cuộc gọi mỗi ngày. Bộ Y tế phụ trách việc soạn thảo câu hỏi, câu trả lời mẫu để các tổng đài viên có thông tin giải đáp chính xác cho người dân.
Trên “mặt trận” mạng xã hội, Zalo, ứng dụng Sức khỏe Việt Nam, DTT cũng đã thành lập cổng điện tử về dịch bệnh, nhằm giải đáp thông tin, để người dân hiểu để nhận diện và hạn chế phát tán tin giả.
“Điều này thể hiện nỗ lực lớn trong việc giải tỏa thông tin cho công chúng về dịch bệnh. Và bằng nhiều biện pháp, chúng tôi đã kết nối với người dân ở mọi miền tổ quốc với bệnh viện, kết nối với các cơ sở y tế gần họ nhất để được khám, được tư vấn”, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Thi đua khen thưởng của Bộ Y tế cho biết.