Thông tin này bất ngờ xuất hiện sau gần 30 năm kể từ khi loài người cấm phát thải các loại hóa chất phá hủy tầng Ozon. Chia sẻ niềm vui trên, nhà nghiên cứu Susan Solomon đến từ MIT cho biết :"Bây giờ chúng ta đã có thể tự tin nói rằng, mọi nỗ lực cứu chữa cho hành tinh đã dần có kết quả".
Trong thập niên 80 và 90 của thế kỷ 20, lỗ thủng tầng Ozon đã trở thành mối đe dọa môi trường khủng khiếp được các nhà khoa học thừa nhận. Sau nhiều thập kỷ phát thải chlorofluorocarbons (CFC) vào bầu khí quyển thông qua các loại tủ lạnh, bình xịt, máy giặt khô đời cũ, con người mới giật mình và nhận ra rằng, đây là loại hóa chất cực "độc hại" cho tầng Ozon.
Nguy hiểm hơn khi không lâu sau đó, các nhà khoa học cũng phát hiện thấy tầng Ozon tại Nam Cực ngày càng mỏng đi.
Sự suy giảm tầng Ozon là nguyên nhân chủ yếu gia tăng tình trạng ung thư da trên thế giới. Khi không còn được bảo vệ bởi tầng Ozon, tia UV có thể chiếu trực tiếp xuống bề mặt Trái Đất và gây hại cho con người.
Để giải quyết vấn đề trên, hầu hết các nước trên thế giới đã chung tay ký Nghị định thư Montreal vào năm 1987. Nghị định thư Montreal là một hiệp ước toàn cầu nghiêm cấm việc phát thải CFC và các hóa chất gây hại khác cho tầng Ozon.
Được biết, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp đo theo chiều dọc mới để quan sát lỗ hổng. Kết quả cho thấy, lỗ hổng tầng Ozon đã bắt đầu "lành" lại. Diện tích lỗ hổng dần thu hẹp 4 triệu km2 sau thời kỳ đỉnh điểm vào năm 2000. Thậm chí, diện tích này tương đương với cả nước Mỹ.
Lỗ hổng tầng Ozon từng có thời điểm mở rộng không thể kiểm soát văo năm 2015 do hiện tượng phun trào núi lửa ở Calbuco, Chile. Tuy nhiên, những nỗ lực bảo vệ môi trường không ngừng nghỉ của con người đã phần nào giúp thu hẹp lỗ hổng này một cách nhanh chóng.
Kể từ khi các nhà khoa học phát hiện lỗ thủng tầng Ozon ngày càng lớn dần vào giữa những năm 1980, họ đã bắt đầu theo dõi tầng Ozon cứ vào tháng Mười hàng năm, khi Nam Cực bắt đầu chuyển hè và nhận được nhiều nhiệt lượng hơn từ Mặt trời. Bởi lẽ khí Clo chỉ "ăn" tầng Ozon khi có điều kiện gió nhẹ và khí lạnh xuất hiện.
Tuy nhiên khi lỗ thủng tầng Ozon bắt đầu mở ra vào tháng Tám, Solomon cùng nhóm nghiên cứu đã quyết định đặt niềm tin vào tháng Chín, thời điểm nhiệt độ vẫn còn lạnh để lấy những thông số chính xác nhất. Bên cạnh đó, họ cũng phát hiện thấy lượng Clo trong khí quyển giảm khiến tỷ lệ mở rộng lỗ thủng tầng Ozon cũng chậm lại đáng kể.
"Tôi nghĩ mọi người, kể cả tôi đã quá tập trung vào tháng Mười, bởi vì đó là khi lỗ thủng tầng Ozon lớn nhất. Nhưng tháng Mười cũng là thời điểm bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những cơn gió, thuận theo thay đổi của khí tượng học. Tháng Chín là thời điểm tốt nhất để quan sát bởi lượng clo ổn định nhất trong năm. Tuy vậy thời điểm đó đã từng không được coi trọng trong quá khứ", nhà nghiên cứu Solomon cho biết.
Nếu bạn chưa biết, trái ngược với Bán cầu Bắc, bán cầu Nam đón mùa đông từ khoảng thời gian tháng 6-8. Trong khi đó, mùa hè bắt đầu từ tháng 12-2 hàng năm.
Ngoài việc giám sát nồng độ Ozon tháng Chín giai đoạn từ 2000 - 2015, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành đo lượng lưu huỳnh đioxit (SO2) thải ra từ núi lửa mỗi năm. Đây cũng là một trong những nguyên tố hóa học tác động rất lớn tới tầng Ozon. Sau đó, nhóm tiến hành so sánh kết quả với các mô hình dự đoán nồng độ Ozon dựa trên lượng clo trong bầu khí quyển mỗi năm. Thực tế, lỗ hổng tầng Ozon được thu hẹp lại chủ yếu nhờ việc giảm phát thải khí Clo trong bầu khí quyển.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science đã khẳng định, chúng ta có thể kịp thời sửa chữa sai lầm nếu chúng ta cùng nhau chung sức. Đó cũng là thông điệp được Solomon nói với trang Gizmodo mới đây:"Khi cả thế giới chung tay, chúng ta thực sự có thể giải quyết mọi vấn đề môi trường".
Theo VnReview