Kể từ đầu năm nay, hơn 20 ngân hàng trung ương khắp thế giới đã nới lỏng chính sách tiền tệ, theo sau Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), các nước Nam Âu đang cần tỷ giá đồng euro thấp để giảm bớt thâm hụt thương mại và khởi động tăng trưởng. Nhưng sự suy yếu của đồng euro, được hỗ trợ bởi việc nới lỏng định lượng (QE), đang làm tăng thêm thặng dư tài khoản vãng lai của Đức vốn đã lên tới 8% GDP năm 2014. Với việc thặng dư tài khoản vãng lai cũng tăng lên tại các thành viên lớn khác của Eurozone, sự mất cân bằng chung của liên minh tiền tệ này ngày càng lớn. Tại Nhật Bản, QE là "mũi tên" thứ nhất của chính sách cải cách của Thủ tướng Shinzo Abe. Chính sách này đã khiến đồng yen giảm giá mạnh và giúp Nhật Bản xuất siêu lớn.
Sức ép lên đồng USD do việc ECB và BoJ thực hiện QE ngày càng tăng. Đồng USD cũng tăng giá so với đồng nội tệ của các nước xuất khẩu hàng hóa có nền kinh tế phát triển như Australia và Canada, và nhiều nền kinh tế mới nổi khác. Đối với các nước này, việc giá dầu và hàng hóa giảm đã gây ra sự mất giá của đồng tiền và đang giúp bảo vệ tăng trưởng kinh tế và việc làm khỏi những tác động của xuất khẩu giảm sút. Đồng USD cũng đang tăng giá tương đối so với đồng tiền của các thị trường đang nổi bị thâm hụt kép (nghĩa là cả ngân sách lẫn tài khoản vãng lai), lạm phát tăng và tăng trưởng thấp, nợ trong nước và nước ngoài lớn, và bất ổn chính trị. Ngay cả Trung Quốc cũng cho phép đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm giá một thời gian ngắn so với đồng USD, và việc tăng trưởng GDP giảm sút có thể khiến Bắc Kinh tiếp tục để đồng NDT mất giá hơn nữa.
Cho đến đầu năm nay, các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn không quá quan ngại về sự mạnh lên của đồng USD bởi vì triển vọng tăng trưởng kinh tế của Mỹ là mạnh hơn so với châu Âu và Nhật Bản. Vẫn có hy vọng rằng nhu cầu trong nước của Mỹ đủ mạnh để đảm bảo mức tăng trưởng GDP khoảng gần 3%, bất chấp việc đồng USD mạnh lên, khi giá dầu thấp hơn và việc làm tăng có thể thúc đẩy thu nhập thực tế và tiêu dùng. Chi tiêu vốn, trừ ngành năng lượng, và đầu tư dân dụng cũng có thể tăng lên khi tăng trưởng cao hơn. Nhưng tình hình hiện nay đã thay đổi. Các quan chức Mỹ đang trở nên quan tâm hơn đến vấn đề tỷ giá. Đồng USD đang tăng giá nhanh hơn nhiều so với bất cứ dự báo nào và các dữ liệu kinh tế quý I/2015 cho thấy tác động đối với xuất khẩu ròng, lạm phát và tăng trưởng là không nhỏ. Hơn nữa, nhu cầu nội địa cũng không mạnh, tăng trưởng tiêu dùng yếu, chi tiêu vốn và đầu tư dân dụng còn yếu hơn.
Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu nói đến việc đồng USD tăng giá là một yếu tố tác động đến xuất khẩu ròng, lạm phát và tăng trưởng. Chính quyền Mỹ cũng đang ngày càng chỉ trích việc các nước ở Eurozone thực thi những chính sách làm suy yếu đồng euro, trong khi tránh các chính sách như tạm thời kích thích kinh tế và tăng lương nhanh hơn để thúc đẩy nhu cầu trong nước. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế và lạm phát thấp, một phần do một đồng USD mạnh gây ra, sẽ là lý do khiến Fed không sớm từ bỏ chính sách lãi suất thấp. Điều này sẽ phần nào đảo ngược sự tăng giá gần đây của đồng USD, bảo vệ tăng trưởng và lạm phát trước rủi ro suy giảm.
Một cuộc chiến tiền tệ giữa các nước cuối cùng có thể dẫn đến một cuộc chiến thương mại. Và điều này có thể gây khó khăn cho Mỹ khi Washington đang tìm cách kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự không chắc chắn về việc liệu chính quyền của Tổng thống Barack Obama có đủ số phiếu tại Quốc hội Mỹ để phê chuẩn TPP hay không đang gia tăng bởi một dự luật được đề xuất là áp đặt thuế quan đối với những quốc gia "thao túng tiền tệ". Việc gài chính sách tiền tệ vào TPP như vậy sẽ dẫn đến việc các đối tác châu Á từ chối tham gia.
Theo: Báo Tin Tức