Trong phát biểu tại buổi làm việc đầu tiên của Tổ công tác giúp việc Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử kể từ khi nhiệm vụ thường trực Tổ công tác được chuyển từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ TT&TT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
“Chúng ta cần xây dựng Chính phủ điện tử tốt và dẫn đầu. Điều này sẽ mang lại cơ hội cho doanh nghiệp CNTT phát triển, phục vụ cho Việt Nam và từ Việt Nam đi ra nước ngoài”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ các công nghệ nền tảng, chủ chốt trong Chính phủ điện tử mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm chủ được, đó là: mật mã, nền tảng chia sẻ dữ liệu, điện toán đám mây và an toàn, an ninh mạng.
Trong đó, với nền tảng điện toán đám mây (Cloud Computing), theo Bộ trưởng, cần phải xem điện toán đám mây là hạ tầng của hạ tầng, do đó trong phát triển Chính phủ điện tử, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải làm chủ hạ tầng quan trọng này.
Bộ trưởng cũng đã giao trách nhiệm cho Cục An toàn thông tin xác định những doanh nghiệp Việt Nam có khả năng làm được điện toán đám mây cho Chính phủ điện tử.
Thông tin vào ngày 5/4/2020, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông, Bộ TT&TT cho biết, trong khoảng 4 – 5 tháng vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục đã nghiên cứu, soạn thảo tài liệu “Hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử”, đồng thời xúc tiến việc thành lập Liên minh các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển nền tảng điện toán đám mây của Việt Nam.
Ngày 3/4 vừa qua, Bộ TT&TT đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử”.
Tài liệu hướng dẫn này đưa ra các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá, lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây. Căn cứ vào các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật này, cơ quan, tổ chức nhà nước có cơ sở để đánh giá, lựa chọn giải pháp hoặc thuê dịch vụ điện toán đám mâyphục vụ phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.
Bộ TT&TT nêu rõ, đối tượng áp dụng hành tài liệu “Hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử/chính quyền điện tử” là các cơ quan, tổ chức nhà nước xây dựng, triển khai giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử; doanh nghiệp cung cấp giải pháp, dịch vụ nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử.
Bộ TT&TT cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức khác tham khảo xây dựng, triển khai giải pháp nền tảng điện toán đám mây. Bản mềm tài liệu hướng dẫn, các cơ quan, tổ chức có thể tải về từ Cổng thông tin điện tử của Bộ TT&TT (mic.gov.vn) hoặc xem tại đây.
Trong quá trình thực hiện, trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, cơ quan tổ chức có thể đề nghị Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) hướng dẫn, phối hợp và hỗ trợ. Chi tiết liên hệ với Cục An toàn thông tin theo số điện thoại 02432096789 hoặc email GV_cloud@mic.gov.vn.
Nói về ý nghĩa của việc ban hành tài liệu hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho nền tảng điện toán đám mây.
Trong đó, khuyến khích doanh nghiệp công nghệ Việt Nam làm chủ công nghệ và phát triển nền tảng điện toán đám mây Việt Nam, không phụ thuộc vào công nghệ lõi của nước ngoài. Đây cũng là định hướng để phát triển nền tảng điện toán đám mây cho Chính phủ điện tử và Chính quyền điện tử các cấp.
“Nền tảng điện toán đám mây được coi là hạ tầng viễn thông thế hệ mới trong vòng 5 – 10 năm tới. Với việc quy định cụ thể nhiều tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật bao gồm các tính năng của nền tảng điện toán đám mây hiện đại nhất và đảm bảo an toàn thông tin nhất, Bộ TT&TT đặt ra yêu cầu nền tảng điện toán đám mây Việt Nam phải đạt mức tương đương với các nền tảng điện toán đám mây thương mại khác có thể sử dụng tại Việt Nam”, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết.