Liên Hợp Quốc xem xét việc cấm robot sát thủ

Liên Hợp Quốc sẽ thảo luận về việc cấm hoặc đặt luật cho các thiết bị chiến tranh tự động. Nhiều chuyên gia nghi ngờ họ không thể loại bỏ loại hình vũ khí mới này.
Các vũ khí hiện tại chưa được phép tự ra quyết định tấn công. Ảnh: US Navy.
Các vũ khí hiện tại chưa được phép tự ra quyết định tấn công. Ảnh: US Navy.

Robot sát thủ và việc hợp pháp hóa chúng sẽ là đề tài được các quốc gia bàn luận năm sau tại Liên Hợp Quốc. Quyết định trên đã được thông qua vào thứ sáu (16/12) bởi một hội đồng có sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc.

Các vũ khí được nhắc đến, dưới tên "các hệ thống vũ khí sát thương tự động", bao gồm robot có thể tự tìm và ra quyết định tiêu diệt đối tượng tự động, không cần sự cho phép của con người.

65 tổ chức phi lợi nhuận đã tổ chức "Chiến dịch ngăn chặn Robot sát thủ" trong suốt 3 năm qua để kêu gọi việc cấm hoàn toàn loại vũ khí này.

Quyết định của Liên Hiệp Quốc mở đầu cho cuộc tranh luận lần đầu tiên trong lịch sử của các chính phủ về vấn đề trên, gồm cả vài quốc gia đã tốn hàng tỷ USD để phát triển những vũ khí tương tự.

Quyết định được đưa ra trước Hội đồng Liên Hợp Quốc về Vũ khí truyền thống (CCW), đơn vị nắm quyền cấm hoặc hợp pháp hóa việc sử dụng những vũ khí mới hoặc cực kỳ nguy hiểm. Trong quá khứ, họ đã qua quyết định cấm mìn mặt đất, bom Napalm, và laser gây mù.

Sau khi được cung cấp bản mẫu, các quốc gia sẽ lập một nhóm chuyên gia để tranh luận về cách quản lý robot sát thủ.

"Quyền lực được đặt vào tay các chính phủ", Mary Wareham, giám đốc Phân nhánh Tổ chức Theo dõi nhân quyền và người tham gia Chiến dịch ngăn chặn robot sát thủ, nói với BuzzFeed News, "cho đến hiện tại, các chuyên gia mới đang thuyết trình và chính phủ đặt câu hỏi".

Đầu tháng này, 9 thành viên Quốc hội Mỹ, dẫn đầu với dân biểu Hạ viện James McGovern đã đệ một lá thư đến Bộ trưởng An ninh Quốc phòng Mỹ, ủng hộ việc tiếp tục bàn luận với các chuyên gia, và khuyên các đại biểu ủng hộ cuộc gặp 4 tuần trong năm sau.

"Khi công nghệ quân sự tiếp tục phát triển, chúng ta cần nhìn thẳng vào các nguy cơ đi kèm", McGovern nói.

Liên Hợp Quốc xem xét việc cấm robot sát thủ ảnh 2
Không dễ đi đến quyết định cấm hoàn toàn các vũ khí tự động. Ảnh:US Navy.

Các chuyên gia cũng đồng ý rằng chiến dịch này đã khiến mọi người chú ý hơn vào công nghệ vũ khí tương lai. 5 năm trước, không ai quan tâm đến chủ đề này, hiện tại, nó là đề tài nóng trong các hội nghị.

Tuy vậy, họ cũng tin rằng sẽ rất khó khăn để đạt thỏa thuận cấm hoàn toàn loại vũ khí trên. Đến nay, chỉ 19 nước kêu gọi lệnh cấm. Trong khi đó, Mỹ, Trung Quốc, Nga, những quốc gia đã dành hàng tỷ USD phát triển các vũ khí trên chưa lên tiếng.

Liên Hợp Quốc xem xét việc cấm robot sát thủ ảnh 3
Trong thời gian tranh cãi, nhiều nước vẫn tiếp tục chạy đua vũ trang tự động. Ảnh:US Navy.

Bản thân Mỹ đã nỗ lực tạo ra các xe tải và trực thăng tự lái, cũng như những binh đoàn drone có thể tự xác định đường bay.

Thay vào đó, cách tiếp cận tốt hơn là thiết luật chặt chẽ về cách sử dụng các loại vũ khí này, bởi về cơ bản chúng khác với tất cả những vũ khí từng xuất hiện trong lịch sử.

"Các hệ thống vũ khí phân biệt tốt và chính xác hơn, cần phải được đặt dưới quy chuẩn đạo đức. Việc bắn giết, dù do máy móc hay con người thực hiện, đều gây hậu quả như nhau", một chuyên gia kết luận

Theo Zing.vn