Làm gì để con em nhà nghèo được học tập trực tuyến?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc học tập từ các cấp phổ thông đến Đại học đã buộc phải chuyển sang trực tuyến. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện sắm thiết bị học tập cho con trẻ.
Chương trình "Máy tính cũ - Tri thức mới" (ảnh: báo Khám Phá)
Chương trình "Máy tính cũ - Tri thức mới" (ảnh: báo Khám Phá)

Cứ mỗi đứa con lại phải có riêng một máy tính

Trong năm học 2020 - 2021, khi việc giãn cách vì Covid-19 chưa tới mức cao điểm, nhiều bậc cha mẹ đã phải đầu tư máy tính và Internet cho con em mình. Đã vậy, do lịch học của các con trùng giờ nhau nên họ phải đầu tư cho mỗi con một máy tính riêng để chúng không tranh giành lẫn nhau.

Nói về chi phí, rẻ nhất với máy tính để bàn cũng phải tầm 5 triệu đồng. Còn máy tính xách tay thì có thể đắt hơn. Và cũng phải nói đến chi phí kết nối Internet khoảng 200.000 đồng/tháng. Đương nhiên, đó là những khoản đầu tư không rẻ cho các bậc phụ huynh bình dân.

Máy tính cũ, tri thức mới

Ngay cả với tầng lớp sinh viên, tuy máy tính với họ là rất cần thiết cho học tập nhưng cũng không thiếu những sinh viên nghèo vẫn chưa thể có máy tính riêng. Chính vì vậy, ở nhiều nơi đã có sáng kiến “máy tính cũ, tri thức mới” nhằm quyên góp máy cũ cho các đối tượng sinh viên nghèo từ nhiều năm nay.

Đương nhiên, máy tính cũ quyên góp được ở đây không có nghĩa là tất cả đều có thể chạy được ngay mà còn phải có thêm chi phí sửa chữa, nâng cấp. Như thế, nếu không có ai tài trợ chi phí này thì chính các đối tượng thụ hưởng buộc phải chi trả với chi phí bình quân khoảng 500.000 đồng/máy tính.

Dẫu sao thì với đối tượng sinh viên, “giấc mơ có thật đó” cần phải quyết tâm để mà đạt được, rồi thì chuyện bỏ thêm chi phí cho sửa chữa, nâng cấp máy tính cũng là một việc tất yếu phải làm. Song nếu nói đến những đối tượng học sinh phổ thông, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thì món đồ xa xỉ này cũng chưa đến được với các em, bởi chương trình “máy tính cũ, tri thức mới” vẫn chỉ diễn ra ở khu vực thành thị và về cơ bản mới chỉ nhắm đến đối tượng sinh viên.

Nên chăng, các chương trình “máy tính cũ, tri thức mới” cần được vận động tổ chức không chỉ ở thành thị mà phải làm sao đến được cả với nông thôn cùng vùng sâu, vùng xa. Chỉ có làm được như vậy thì con nhà nghèo mới có thể tham gia học tập trực tuyến và nếu như làm được việc đó trên diện rộng thì công cuộc giáo dục trực tuyến trong hoàn cảnh bắt buộc vì Covid-19 mới có cơ sở thành công.

Rất mong các tổ chức đã và đang triển khai chương trình “máy tính cũ, tri thức mới” có thêm những hoạt động hướng tới đối tượng con nhà nghèo trên một bình diện lớn hơn tới cả các đối tượng ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Những chương trình này sẽ không chỉ là quyên góp máy tính đã qua sử dụng mà cần cả việc quyên góp tài chính cho việc sửa chữa, nâng cấp những máy tính quyên góp được.