“Con đã về nhà – Ký họa cách ly dịch Covid” ghi lại bằng hình ảnh của những người con xa đất nước đang học tập, sinh sống ở nước ngoài. Khi dịch Covid bùng phát, những con người ấy đã đứng trước băn khoăn: Ở lại hay trở về? Tự phòng dịch hay là tin tưởng hoàn toàn vào sự chỉ đạo của chính phủ? Và sau những băn khoăn đó họ đã trở về, gác việc riêng, tự giác nghiêm túc thực hiện cách ly. Để rồi, sau 14 ngày cách ly, họ nhận ra: “Sau bao nhiêu khát vọng bay nhảy của tuổi trẻ, những biến cố cuộc sống giúp chúng con càng thêm yêu và trân quý sự thiêng liêng, ấm áp của hai tiếng “gia đình”, “quê hương”, “Tổ quốc” và sự biết ơn dành cho những người đã yêu thương chúng con vô điều kiện.” – Nguyễn Tăng Quang tự sự.
Cuốn sách in 4 màu, song ngữ (Việt – Anh) là tập hợp các ký họa của Nguyễn Tăng Quang, như một cuốn nhật ký của những người từng sống trong khu cách ly khi mới từ nước ngoài trở về Việt Nam.
Ngoài các bức tranh đã được đăng trên mạng xã hội, thu hút hơn 40.000 lượt like của độc giả, Nguyễn Tăng Quang còn lựa chọn vẽ thêm một số khoảnh khắc gây xúc động mạnh trên mạng xã hội có sức lan tỏa và động viên to lớn làm nên sức mạnh Việt Nam đẩy lùi dịch Covid-19.
Cuốn sách cũng lựa chọn một số bài viết chia sẻ của du học sinh trở về Việt Nam từ nước ngoài khi dịch Covid-19 bùng phát. Những hình ảnh và chia sẻ mà chúng ta có thể gặp đâu đó ở tất cả các khu cách ly ở Việt Nam, đã được lan tỏa và thu hút sự quan tâm của cộng đồng và cộng hưởng sự lạc quan tích cực, tin tưởng vào sự đồng sức, đồng lòng của toàn xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19.
Bộ tranh của du học sinh Nguyễn Tăng Quang đã ghi lại những "lát cắt" lịch sử
|
“Bộ tranh chân thực của Nguyễn Tăng Quang đã ghi lại những "lát cắt" lịch sử. Cuốn sách cũng ghi nhận sự đóng góp tận tụy, quả cảm của các bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch, sự hy sinh không quản khó khăn vất vả của của bộ đội, công an, của rất nhiều những người làm nhiệm vụ "vô danh" khác..." – Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ bày tỏ.
"Nhà xuất bản mong muốn thông qua cuốn sách có thể lan tỏa cảm hứng sống tích cực từ các bạn trẻ, đặc biệt của các bạn du học sinh tới cộng đồng. Đó cũng chính là tinh thần biết ơn, sự nhận thức trách nhiệm với cộng đồng xã hội” – Giám đốc NXB Phụ nữ đánh giá.
Dự kiến cuối tháng 5 thì “Con đã về nhà – Ký họa cách ly dịch Covid” có thể xuất hiện trên quầy. Nhà xuất bản Phụ nữ kết hợp với quỹ TYM sẽ tổ chức chiến dịch bán sách gây quỹ hỗ trợ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn sau dịch Covid-19.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và quỹ TYM đặt mục tiêu ban đầu sẽ bán 1.000 cuốn sách để gây quỹ trong vòng 3 tháng (từ 7/5 đến 7/8), mỗi cuốn sách bán ra với giá 80.000 đồng, sẽ có 50.000 đồng được góp vào Quỹ Hỗ trợ phụ nữ yếu thế chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch Covid -19, do quỹ TYM (Tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập) đề xuất.
Những bức vẽ ý nghĩa truyền tải thông điệp yêu thương tới cộng đồng
|
Cuốn sách ý nghĩa được gấp rút lên kế hoạch ra đời vào thời điểm chúng ta vừa cùng nhau trải qua những ngày sinh tử của đại dịch COVID-19 hoành hành tàn phá khắp thế giới, khiến trên 3 triệu người nhiễm bệnh và gần 300.000 người mãi mãi không trở về, sụp đổ nền kinh tế thế giới với khoảng gần 25 triệu việc làm đã biến mất trên toàn cầu...
Bên cạnh việc quyết liệt ngăn chặn tốc độ lây lan của dịch, nhanh chóng xác minh nguồn lây để phong tỏa, dập dịch thì chính quyền, các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương đều tuân thủ nghiêm quyết sách của Chính phủ là đối xử nhân văn, đầy tinh thần trách nhiệm với bệnh nhân và những người được cách ly, giám sát sức khỏe cho dù họ là người Việt hay người nước ngoài.
Chúng ta đã rất sốc, rất lo sợ, rất buồn đau... Và rồi, đại dịch cho chúng ta hiểu: sinh mệnh con người là trân quý nhất! Đại dịch khủng khiếp rồi sẽ qua đi, điều đọng lại khiến chúng ta nhớ mãi là chúng ta đã yêu thương, cùng mạnh mẽ hành động để chiến thắng đại dịch!
Những hình ảnh đẹp về các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch
|
Bìa cuốn sách "Con đã về nhà"
|
Cuốn sách sẽ được bán để gây quỹ ủng hộ phụ nữ bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (Ảnh: NXBPN)
|