Gam màu sáng được duy trì
Các chỉ số kinh tế vĩ mô công bố trong tháng 7 tiếp tục cho thấy một tín hiệu tốt về đà hồi phục kinh tế. Hầu hết các chỉ số cơ bản thể hiện động lực của nền kinh tế đều duy trì được xu hướng đi lên trong sáu tháng đầu năm. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 7 tăng 11,3% so với cùng kỳ, cao hơn không nhiều so với mức tăng 11,1% của tháng 6 nhưng vượt xa mức tăng 7,5% của tháng 5.
Sự cải thiện của chỉ số IIP trong tháng 7 có sự đóng góp lớn của ngành khai khoáng khi chỉ số sản xuất của ngành này tăng mạnh: 13,8% so với cùng kỳ; cao hơn nhiều mức tăng 8,2% của tháng 6.
Đứng thứ hai về mức tăng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 10,5%, tuy nhiên đây vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất về giá trị sản xuất nên vẫn đóng góp phần lớn vào mức tăng chung (khoảng 7 điểm phần trăm).
Về phía cầu, động lực chính đến từ tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tư nhân. Doanh số bán lẻ trong bảy tháng đầu năm ngoái đạt mức tăng 11,4%, cao hơn 1,5% so với mức tăng của cùng kỳ năm nay nhưng nếu loại bỏ yếu tố giá thì trên thực tế mức tiêu dùng bảy tháng đầu năm 2015 (tăng 8,3%) lại cao hơn 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ (tăng 6,3%). Mặt bằng giá cả hàng hóa được duy trì ở mức ổn định là một trong những nguyên nhân thúc đẩy người dân tăng chi tiêu.
Ngoài tiêu dùng, đầu tư từ khu vực tư nhân (thể hiện một phần qua tăng trưởng tín dụng) cũng là một điểm sáng của nền kinh tế. Hiện nay, trong cơ cấu tổng vốn đầu tư toàn xã hội (chiếm khoảng 31% GDP), vốn từ khu vực nhà nước chiếm khoảng 38,7%; vốn khu vực ngoài nhà nước chiếm 36,6% và vốn khu vực FDI chiếm 24,7%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng về đầu tư vốn của khu vực tư nhân là cao nhất trong sáu tháng đầu năm (tăng 11,4%).
Số liệu về tăng trưởng tín dụng cũng thể hiện rõ điều này (tính đến ngày 20-7 đã tăng 7,32%, gấp 1,96 lần so với mức 3,72% của tháng 7-2014).
Điều đáng mừng là kinh tế phục hồi tốt trong bối cảnh lạm phát đang có mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (mới tăng 0,9% so với cùng kỳ). Điều này giúp thu nhập và sức mua của người dân không bị lạm phát “bào mòn”. Những tín hiệu mới đây về diễn biến giá dầu thô WTI trên thị trường thế giới (sụt giảm mạnh và có thể quay lại mức đáy quanh 42-43 đô la Mỹ/thùng) có thể là nhân tố giúp duy trì mặt bằng giá cả hàng hóa tiếp tục ở mức ổn định trong các tháng tới.
Thách thức vẫn còn
Dù tình hình kinh tế vĩ mô đang tốt lên nhưng không khỏa lấp được hết những thách thức trong cả ngắn và trung hạn mà Chính phủ đang phải đối mặt.
Thứ nhất, tình hình nhập siêu vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cải thiện. Số liệu sơ bộ cho thấy xuất khẩu trong tháng 7 tiếp tục mức tăng khá “ì ạch”, chỉ tăng 1,2% so với tháng 6 và tính chung bảy tháng đầu năm thì xuất khẩu mới chỉ tăng 9,5% so với năm trước. Đáng lưu ý, xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản chủ chốt giảm cả về lượng và kim ngạch như: cà phê giảm 33,2% về lượng và giảm 33% về giá trị; gạo giảm tương ứng 3,5% và 8,7%; thủy sản giảm 15%...
Trong khi đó, nhập khẩu tiếp tục mở rộng với mức tăng 16,4% so với năm trước. Do đặc thù kinh tế Việt Nam chưa tự chủ được phần lớn các loại nguyên vật liệu là đầu vào cho sản xuất và một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo như sản xuất điện thoại, dệt may, da giày... còn mang nặng tính gia công, nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu của các công ty đa quốc gia nên khi kinh tế trong nước hồi phục sẽ kéo theo nhập khẩu tăng tốc. Tuy nhiên, một số mặt hàng xa xỉ không khuyến khích nhập khẩu, điển hình là ô tô có mức tăng lên tới 87,9% (ô tô nguyên chiếc tăng 154,4%), đạt 3,4 tỉ đô la Mỹ cũng góp phần khiến nhập siêu doãng rộng (ước đạt 3,4 tỉ đô la Mỹ).
Nhập siêu gia tăng chắc chắn ít nhiều gây áp lực lên tỷ giá. Mặc dù giá đô la Mỹ một tháng trở lại đây khá bình ổn và NHNN cũng vừa tái khẳng định cam kết “neo” tỷ giá không quá 2% nhưng những cơn sóng mang tính thời điểm khi các yếu tố cùng hội tụ hoàn toàn có thể gây thách thức cho nhà điều hành. Cho dù giữ được cam kết nhưng có thể cũng phải tiêu hao không ít nguồn lực.
Thứ hai, bội chi ngân sách tiếp tục gây khó khăn cho Chính phủ trong điều hành. Thu cho dù tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ nhưng vẫn không đủ bù đắp chi. Cùng lúc đó, hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ gặp không ít khó khăn do lãi suất không hấp dẫn, nhưng phần nhiều do cơ cấu kỳ hạn (chỉ phát hành kỳ hạn trên năm năm) không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Nỗi lo thiếu hụt tiền chi tiêu đã khiến Bộ Tài chính sử dụng đến các giải pháp mang tính tình thế như phát hành tín phiếu kho bạc kỳ hạn dưới một năm, đề xuất vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỉ đồng, phát hành riêng lẻ trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm.
Áp lực bội chi tác động đến mặt bằng lãi suất theo hướng tăng dần và ngân sách không có tiền chi cho đầu tư phát triển trong năm nay (vì phần lớn nguồn thu hiện chỉ đủ cho chi thường xuyên) là thách thức ngắn hạn cho Chính phủ nhưng về trung hạn nó sẽ khiến cho tỷ lệ nợ công tăng cao (hiện đã sắp chạm trần 65% GDP mà Quốc hội đề ra). Câu chuyện bội chi và nợ công chắc chắn là rủi ro không thể xem nhẹ trong tương lai gần đối với Việt Nam.
Ô tô “cứu” số thu xuất nhập khẩu
Trong sáu tháng đầu năm, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu là 48.843 chiếc, trị giá 1,36 tỉ đô la Mỹ. So với cùng kỳ năm ngoái, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu tăng 92,2% về số lượng và 158,9% về trị giá.
Số lượng xe này đã đóng góp cho ngân sách (thông qua thuế nhập khẩu) sáu tháng 16.253 tỉ đồng, tăng 7.635 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2014.
Theo Tổng cục Hải quan, nguồn thu tăng từ ô tô nhập khẩu nguyên chiếc, một trong những mặt hàng có số thuế lớn là một yếu tố giúp số thu tính đến hết 30-6 đạt 125.617 tỉ đồng, tăng 5,16% so với cùng kỳ năm 2014.
• Theo số liệu của Bộ Tài chính, số thu từ dầu thô sáu tháng đầu năm đạt 35.900 tỉ đồng, giảm 34,5% so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 18.910 tỉ đồng). Còn so với dự toán sáu tháng, số thu từ dầu thô đã giảm 38,6% (tương đương 22.565 tỉ đồng). Sở dĩ như vậy là do giá dầu thô bình quân trong sáu tháng chỉ đạt mức 60 đô la Mỹ/thùng, thấp hơn 40 đô la Mỹ/thùng so với dự toán.
Theo TBKTSG