Bốn thành tố bao gồm:(i) Tác quyền về nội dung (content right) - khởi đầu của chuỗi; (ii) Các dịch vụ trực tuyến (thương mại điện tử; công nghiệp game/trò chơi trực tuyến; công nghiệp giải trí như phim, nhạc... trực tuyến; công nghiệp truyền thông (báo chí, xuất bản, thông tin); (iii) Các dịch vụ hỗ trợ (dịch vụ quảng cáo, dịch vụ máy chủ, dữ liệu - hosting, dịch vụ nền tảng kết nối và thanh toán); (iv) Kết nối (dịch vụ viễn thông, băng thông di động); (v) Thiết bị cho người dùng (thiết bị phần cứng như máy tính, điện thoại và phần mềm hỗ trợ đi kèm).
Quy mô toàn cầu, cũng theo A.T.Kearney, của toàn thị trường này tăng từ 1.200 tỉ đô la Mỹ năm 2008 lên gần 3.500 tỉ đô la năm 2015 và dự kiến có thể đạt xấp xỉ 6.000 tỉ đô la vào năm 2020.
Đáng chú ý, trong năm nhóm cấu thành chuỗi giá trị Internet, nhóm dịch vụ trực tuyến là nhóm lớn nhất, chiếm hơn một nửa toàn bộ giá trị của toàn ngành và sẽ tiếp tục có mức độ tăng trưởng. Trong khi đó, nhóm sản xuất phần cứng và dịch vụ viễn thông sẽ tiếp tục suy giảm. Thực tế cho thấy, sự trỗi dậy của Google, Amazon, Facebook... là minh họa rõ nét cho xu thế này.
Dư địa và tiềm năng lớn của nhóm dịch vụ trực tuyến trong chuỗi giá trị Internet toàn cầu, về cơ bản, mở ra cơ hội tích cực cho Việt Nam - một nước có dân số trẻ và tiếp cận công nghệ nhanh, nhiều người dùng Internet (67% dân số), điện thoại thông minh (72% số người dùng thiết bị di động), và mạng xã hội (khoảng hơn 40 triệu tài khoản Facebook) - theo số liệu từ Sách trắng công nghệ thông tin 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nếu kinh doanh trong các công đoạn cuối chuỗi (phần cứng, phần mềm, viễn thông kết nối...) đòi hỏi doanh nghiệp có đầu tư lớn, chi phí cho nghiên cứu, phát triển sản phẩm cao và thường tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có bề dày truyền thống, thì nhóm dịch vụ trực tuyến như thương mại điện tử, e-travel, dịch vụ giải trí (game, nhạc, video, streaming)... đòi hỏi năng lực sáng tạo, năng động, tính nhanh nhạy... và phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.
Thúc đẩy và phát huy được hết tiềm năng của nhóm ngành này sẽ tạo động lực tốt cho toàn bộ khu vực dịch vụ (du lịch, thương mại, ngân hàng - tài chính), nông nghiệp... giúp tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động và tăng thu nhập cho người lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, để dịch vụ trực tuyến, trong đó có công nghiệp nội dung số phát triển, các trụ cột gồm thanh toán (ví điện tử, thanh toán trực tuyến, thẻ cào...); dịch vụ viễn thông và Internet (chất lượng 3G, 4G, 5G và Internet cố định); dịch vụ hỗ trợ (quảng cáo, thiết kế trang web; dịch vụ lưu trữ dữ liệu...) cần được phát triển đồng bộ, thậm chí đi trước một bước.
Các điểm nghẽn hiện nay nằm ở: (i) Chất lượng kết nối Internet (cả cố định và băng thông rộng di động) vẫn còn thấp so với khu vực, tốc độ 3G hầu như chưa đạt chuẩn công bố; (ii) Dịch vụ thanh toán chưa tiện lợi (chính sách và pháp lý cho FinTech, lẫn “thẻ cào” chưa đồng bộ, còn nhiều rủi ro cho doanh nghiệp (nếu so sánh với Trung Quốc, dịch vụ “ví điện tử” hiện nay đã vượt thanh toán tiền mặt); (iii) Các rào cản đến từ quản lý nội dung số (kiểm soát, kiểm duyệt nội dung)... tạo nhiều khó khăn, rủi ro cho doanh nghiệp cả khi khởi sự kinh doanh (xin phép mạng xã hội, trang thông tin điện tử) lẫn khi đi vào kinh doanh (trách nhiệm kiểm duyệt nội dung thông tin người dùng đăng tải).
Và quan trọng hơn cả, ở góc độ chính sách và quản trị nhà nước, sự phân tán đầu mối quản lý và thiếu một cơ quan đủ mạnh để làm chính sách và xây dựng khuôn khổ pháp lý ngành (chia rẽ và chồng chéo giữa các bộ Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước và các bộ quản lý chuyên ngành khác) khiến cho Việt Nam vẫn đang thiếu một tầm nhìn, chiến lược và chính sách nhất quán, mạnh mẽ cho kinh tế số, cho thị trường dịch vụ trực tuyến và công nghiệp nội dung số.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online
https://www.thesaigontimes.vn/285485/kinh-te-so-co-hoi-hay-thach-thuc-tuy-thuoc-vao-chinh-sach.html
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu