Kinh doanh thiết bị kích sóng di động sẽ bị xử lý mạnh

Trước thực trạng thiết bị kích sóng di động vẫn đang được rao bán tràn lan, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chỉ đạo đơn vị liên quan thuộc Bộ đẩy mạnh xử lý vấn nạn, phối hợp với Bộ Công thương để có biện pháp ngăn chặn triệt để.
Kinh doanh thiết bị kích sóng di động sẽ bị xử lý mạnh

Thiết bị kích sóng di động được biết đến là loại thiết bị vô tuyến điện hoạt động theo nguyên lý thu sóng GSM các loại băng tần tại nơi có cường độ sóng tốt rồi chuyển tiếp, khuếch đại và phát lại ở nơi có sóng yếu. 

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các loại thiết bị này nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho mạng thông tin di động. Tuy nhiên, hiện nay loại thiết bị này vẫn được kinh doanh tràn lan tại thị trường trong nước.

Khảo sát của ICTnews cho thấy, nếu so với thời điểm cách đây khoảng nửa năm, hiện tượng rao bán thiết bị kích sóng trên mạng đã có dấu hiệu giảm, nhiều nơi không còn công khai giá bán trên web nhưng một số nơi vẫn nhận đặt mua loại thiết bị này với giá từ 2 - 4 triệu đồng, tùy theo thương hiệu, băng tần, phạm vi phủ sóng…

Các loại thiết bị này đều được quảng cáo là có khả năng khuếch đại tín hiệu cho tất cả các mạng di động GSM băng tần 900Mhz /1800Mhz  của Viettel, VinaPhone, MobiFone…

Quảng cáo bán thiết bị kích sóng công khai trên mạng.

Tại Hội nghị giao ban Quản lý Nhà nước quý I/2016 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn chỉ đạo trước tình trạng thiết bị kích sóng di động được rao bán tràn lan như hiện nay, các đơn vị chức năng thuộc Bộ cần đẩy mạnh xử lý vấn nạn. Ngoài ra cần tích cực phối hợp với Bộ Công thương để có giải pháp ngăn chặn triệt để hơn.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TT&TT, chỉ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin di động, có giấy phép sử dụng băng tần, được sử dụng thiết bị phát lặp (còn gọi là thiết bị kích sóng điện thoại di động, repeater) trong hệ thống thông tin di động, để lắp đặt tại các khu vực bị hạn chế vùng phủ sóng, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin di động và không gây can nhiễu cho các mạng thông tin di động.

Các cá nhân, tổ chức khác sử dụng thiết bị phát lặp là vi phạm các quy định của Pháp luật về tần số vô tuyến điện và có thể bị xử phạt đến 30.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, theo quy định tại khoản 3, khoản 7, Điều 90 của Nghị định 174/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT và tần số vô tuyến điện.

Cũng theo Cục Tần số vô tuyến điện, năm 2015 Cục đã phát hiện và xử lý 173 vụ sử dụng thiết bị kích sóng di động trái phép gây nhiễu đối với 228 trạm gốc di động tại Hà Nội và TP.HCM.

Các chuyên gia cho rằng, để giải quyết tận gốc nguyên nhân của vấn đề đó là cần nâng cao chất lượng phủ sóng của các nhà mạng, các nhà mạng phải chủ động đầu tư nâng cấp hạ tầng.

Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cần có giải pháp phối hợp với Bộ Công thương để kiểm soát thiết bị viễn thông như thiết bị kích sóng, điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 không được phép nhập khẩu và bán trên thị trường Việt Nam.

Theo ICT News