Ban Quản lý khu công nghệ cao Hoà Lạc vừa có báo cáo về nhu cầu vốn bổ sung cho dự án gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Theo báo cáo, tính đến thời điểm tháng 3/2017, khu công nghệ cao Hoà Lạc có 79 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 61.343 tỷ đồng trên tổng diện tích 347,5 ha, thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu - triển khai, đào tạo thương mại dịch vụ và hạ tầng xã hội.
Trong khi đó, tổng nhu cầu vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 15.620 tỷ đồng, trong đó vốn giải phóng mặt bằng và tái định cư khoảng 5.940 tỷ, vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 9.679 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến hết năm 2016, ngân sách mới chi được 7.333 tỷ đồng, trong đó vốn giải phóng mặt bằng và tái định cư là 3.031 tỷ đồng.
Số vốn còn lại cần bố trí là 8.286 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn nước ngoài là 4.138 tỷ, vốn trong nước là 4.148 tỷ đồng.
Ban Quản lý khu công nghệ cao Hoà Lạc cho biết đã rà soát các khu vực cần ưu tiên giải phóng mặt bằng và làm việc với UBND thành phố Hà Nội để đề nghị thành phố xem xét ứng vốn cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, theo chỉ đạo của Thủ tướng tại ngày 22/3/2017.
Tuy nhiên, Hà Nội đã cho biết “không có điều kiện để ứng tiền bồi thường giải phóng mặt bằng”, tại Thông báo số 273 ngày 13/4/2017.
Do đó, Ban Quản lý khu công nghệ cao Hoà Lạc đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, cân đối các nguồn vốn, bố trí vốn cho dự án.
Trước mắt, Ban Quản lý khu công nghệ cao đề nghị bổ sung vốn còn thiếu cho dự án ODA theo tiến độ và hiệp định vay, sau đó đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét cân đối các nguồn vốn để tập trung bố trí 2.067 tỷ đồng.
Được thành lập từ năm 1998, khu công nghệ cao Hoà Lạc được kỳ vọng trở thành “thung lũng Sillicon” của Việt Nam với định hướng trở thành một đô thị sinh thái thông minh, là nơi tập trung, liên kết các hoạt động đào tạo nhân lực, nghiên cứu và phát triển cũng như cung ứng dịch vụ công nghệ cao nhằm rút ngắn khoảng cách về trình độ khoa học và công nghệ giữa Việt Nam với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, 20 năm qua, khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa thể giải phóng xong mặt bằng (còn 243 ha trong tổng số 1.586 ha được quy hoạch).