Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni |
Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni cũng tin rằng Liên minh Châu Âu (EU) đang quá tập trung vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà phớt lờ những vấn đề quan trọng không kém đang đặt ra trước mắt, tờ Deutsche Wirtschafts Nachrichten hôm nay (31/3) đưa tin.
Ông Paolo Gentiloni cảnh báo, việc đưa lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế vào miền đông nam Ukraine sẽ không có lợi gì trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine . Ông này kêu gọi “dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt” đối với Nga.
Italia đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi lệnh cấm nhập khẩu lương thực và các mặt hàng thực phẩm khác vào Nga. Đây là đòn đáp trả của Moscow đối với loạt biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào họ vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine .
Vì thế, ông Paolo Gentiloni đã khuyên Thủ tướng Italia Matteo Renzi khôi phục lại mối quan hệ đối tác với Moscow .
Trước đó, Thủ tướng Matteo Renzi từng vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Brussels và Washington vì đã mời Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện một chuyến thăm cấp nhà nước đến Italia, tờ báo của Đức cho hay.
Kể từ hồi tháng 3 năm 2014, các nước phương Tây đã áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cáo buộc Moscow có dính líu đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Tuy nhiên, sau một thời gian, không chỉ Nga mà các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) đều đã phải ngầm “đòn đau” từ cuộc chiến trừng phạt. Chính vì thế, nội bộ EU bắt đầu mâu thuẫn, chia rẽ vì chính sách trừng phạt nhằm vào Nga – đối tác thương mại, năng lượng hàng đầu của Liên minh Châu Âu.
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Châu Âu lên tiếng phản đối biện pháp trừng phạt Nga và muốn dỡ bỏ các biện pháp đang gây tổn thương cho chính họ.
Trước những phát biểu nói trên của Ngoại trưởng Italia, Thủ tướng Hy Lạp hôm nay cũng nói rằng, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga là “con đường chẳng đi đến đâu”.
Trừng phạt Nga - con đường chẳng đi đến đâu
Hy Lạp không ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga bởi đây là “con đường không đi đến đâu”, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã phát biểu như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Itar Tass ngày hôm nay (31/3).
Trong cuộc trả lời phỏng vấn trước thềm chuyến thăm sắp tới đến thủ đô Moscow vào ngày 8/4, Thủ tướng Hy Lạp nhấn mạnh rằng, có cơ hội để đưa thương mại giữa Nga và Hy Lạp lên một tầm cao mới.
"Chúng ta có thể xây dựng một mối quan hệ hợp tác đáng kể, cho phép Hy Lạp xuất khẩu hàng nông sản sang Liên bang Nga”, ông Tsipras phát biểu.
Thủ tướng Hy Lạp thẳng thắn cho biết: "Các bạn đã thấy, trong năm qua, quan hệ giữa Nga và Hy Lạp đã bị giáng một đòn mạnh bởi các chính phủ trước đây ở đất nước chúng tôi đã không làm những gì mà họ có thể để tránh chính sách trừng phạt vô cảm nhằm vào Nga vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine”.
Theo lời Thủ tướng Tsipras, "kết quả của việc trên là lệnh cấm vận hàng nông sản, thực phẩm của Nga được áp đặt lên cả Hy Lạp và điều này đang gây tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế Hy Lạp”.
Thủ tướng Hy Lạp nhớ lại rằng, ngay sau khi lên cầm quyền, ông đã nhận được điện mừng từ Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk trong đó ông này nói rằng, ông “đánh giá cao lập trường của Hy Lạp khi ủng hộ các biện pháp trừng phạt” của phương Tây nhằm vào Nga.
"Tôi đã gọi cho ông ấy và cả cao ủy chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini để nói rằng: ‘Đừng nghĩ đó là lập trường của Hy Lạp. Tình hình đã thay đổi và giờ là một chính phủ khác lên cầm quyền ở Hy Lạp. Và bạn nên hỏi chúng tôi trước khi đưa ra các quyết định”, ông Tsipras nói thêm.
"Chúng tôi không đồng ý với các biện pháp trừng phạt. Tôi tin rằng, đây là con đường chẳng dẫn đến đâu. Tôi ủng hộ quan điểm cần phải đối thoại và tiến hành các hoạt động ngoại giao. Chúng ta nên ngồi vào bàn đàm phán và tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề lớn", Thủ tướng Hy Lạp nói. Ông này còn nói thêm rằng, cuộc chiến kinh tế là “một chính sách bế tắc”.
"Tôi ủng hộ chính sách ngoại giao. Tôi tin việc đạt được thỏa thuận ở Minsk là một thành tựu quan trọng. Tôi cho rằng mọi nỗ lực cần phải được thực hiện để ngăn chặn tình trạng leo thang căng thẳng ở Ukraine ”, ông Tsipras nói thêm.
Cũng theo Thủ tướng Hy Lạp Tsipras, trong lần đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh EU đầu tiên diễn ra từ ngày 19-20/3 ở thủ đô Brussels của Bỉ, ông này đã nói với thủ tướng và nguyên thủ của các nước thành viên EU rằng: "Hãy nói cho tôi biết bạn tưởng tượng thế nào về một cấu trúc an ninh mới ở Châu Âu? Bạn sẽ xem Nga là đối thủ hay hợp tác cùng Nga trong một tiến trình đối thoại và hiểu biết lẫn nhau?"
"Tôi không nhận được câu trả lời nào từ nhiều trong các nhà lãnh đạo đó. Theo tôi hiểu, câu trả lời là rõ ràng: Cấu trúc an ninh Châu Âu mới cũng nên bao gồm cả Nga”, Thủ tướng Tsipras nhấn mạnh.
Có thể nói, “cuộc chiến trừng phạt” mà phương Tây đang áp dụng đối với Nga không hề hiệu quả và nó có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng cho những nước áp dụng nó. Phương Tây đang phát động một cuộc chiến thương mại chống lại nhiều quốc gia, trong đó có Nga, và kết quả cuối cùng là cuộc chiến đó đang làm hại chính họ. Đây là nhận định được rất nhiều chuyên gia và giới phân tích chia sẻ.