Các phòng thí nghiệm chính là nơi khai sinh ra bệnh dịch?
Theo nhà văn Viết Linh – một trong các tác giả văn học hàng đầu Việt Nam về thể loại khoa học giả tưởng, không loại trừ việc dịch bệnh Corona ở Trung Quốc hiện nay chính là một cuộc chiến tranh sinh học mà rất có thể một siêu cường khác là tác nhân gây ra. Và với cuộc chiến mà vũ khí là công nghệ sinh học, người ta có thể gây ra những thiệt hại rất lớn cho một quốc gia nào đó mà không cần phải dùng đến súng đạn.
Còn theo một chuyên gia di truyền học (đề nghị không nêu tên), trong những nghiên cứu của giới công nghệ sinh học, rất có thể có những loại virus mang mầm bệnh mới đã và sẽ hình thành trong những phòng thí nghiệm của họ. Tuy nhiên, để diệt trừ được thì ngay cả “cha đẻ” của những virus đó không phải ai cũng có thể xử lý được.
Vẫn theo chuyên gia nói trên, sự phát tán của virus mang mầm bệnh mới cũng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên. Đơn cử như với dịch Corona thì căn bệnh này sẽ không có đất phát triển ở điều kiện khí hậu nóng nực. Song thực tế, các virus cũng có thể phải “kiềng mặt” với một số kiểu gene có khả năng kháng bệnh. Chuyện này đã được một bộ phim khoa học giả tưởng đề cập đến là trong tâm bão của bệnh dịch ở nước Anh mà vẫn có những người trong cùng một gia đình hoàn toàn không bị nhiễm bệnh do có mẫu gene di truyền kháng dịch.
Một cảnh trong phim khoa học giả tưởng về đề tài bệnh dịch
|
Song cũng cần phải nói thêm đến tác dụng của truyền thông với dịch bệnh. Và có lẽ trong một xã hội thông tin như hiện nay với không chỉ vô số tờ báo mạng mà cả với những mạng xã hội như Facebook, Twitter… là nơi mà bất kỳ thành viên nào cũng có thể chia sẻ ý kiến của mình thì vô hình trung những hệ lụy dư luận là rất lớn. Đương nhiên, với tư tưởng “phòng bệnh hơn chữa bệnh” thì những mặt hàng như khẩu trang, nước rửa tay… cứ thế mà lên giá vì cung không đáp ứng được cầu.
Khoa học giả tưởng và chiến lược quốc gia
Tại Việt Nam, mặc dù những tiểu thuyết và phim truyện về khoa học giả tưởng hoàn toàn không xa lạ với công chúng nhưng với các cơ quan có trách nhiệm của Nhà nước thì dường như vẫn còn là điều tương đối xa lạ. Bằng chứng là ở Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thì lĩnh vực này cũng chưa hề được ai nghiên cứu.
Còn với Viện Chiến lược và Chính sách Khoa học Công nghệ (Bộ Khoa học Công nghệ) thì các chuyên gia ở đây cũng chưa giành sự quan tâm cho nó. Tuy nhiên, theo TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì khoa học giả tưởng phải là vấn đề được nghiên cứu chung của cả khoa học công nghệ và văn hóa nghệ thuật. Hiệu quả đạt được theo TS Bùi Hoài Sơn không chỉ là phát triển được thể loại nghệ thuật này ở Việt Nam mà còn góp phần dự báo trước được những tương lai khoa học cho đất nước.
Nhà văn Viết Linh thì đề cập thêm là ở các nước phát triển, dòng chảy về khoa học giả tưởng cũng rất mạnh mẽ và thậm chí lĩnh vực này còn là không thể thiếu trong chiến lược quốc gia về khoa học công nghệ.
Ông cũng cho biết là các thành tựu khoa học luôn ở vào thế được sử dụng cả cho 2 mặt tích cực và tiêu cực. Về mặt tích cực thì có lẽ không cần bàn. Nhưng hẳn sẽ có những thế lực muốn sử dụng thành tựu khoa học cho mục đích đen tối. Bởi thế, thành tựu của những phòng thí nghiệm sinh học hóa thành vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng là thực tế rất có thể xảy ra. Chỉ có điều gần như chắc chắn là chính các tác nhân gây ra nó sẽ không thừa nhận việc làm của mình.
Vậy thì Việt Nam cần phải hành động gì một cách chiến lược trước những thực tế không chỉ với riêng các bệnh dịch? Chắc chắn, đó không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành y tế và nếu có ai đó giúp các cơ quan nghiên cứu chiến lược về văn học nghệ thuật và khoa học công nghệ ngồi lại với nhau thì câu chuyện được bàn sẽ rất hấp dẫn. Đương nhiên, khoa học giả tưởng là không thể thiếu với cả văn hóa nghệ thuật và khoa học công nghệ đúng như mong muốn của chính các tiểu thuyết gia trong lĩnh vực này như mong muốn của những người như nhà văn Viết Linh.
Đại sứ Trung Quốc: ‘Thật điên rồ’ khi tin virus corona là vũ khí sinh học Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài CBS (Mỹ), ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, bác bỏ tin đồn cho rằng virus corona Vũ Hán có nguồn gốc từ một chương trình vũ khí sinh học. Theo Đài CBS, ông Thôi Thiên Khải tuyên bố mọi giả thuyết cho rằng virus corona Vũ Hán liên quan tới nghiên cứu vũ khí sinh học là "hoàn toàn điên rồ". Ông Thôi cũng cảnh báo những thông tin cáo buộc kiểu này có thể làm dấy lên tư tưởng phân biệt chủng tộc và bài ngoại. "Tôi nghĩ đúng là còn rất nhiều điều vẫn chưa biết và các nhà khoa học của chúng ta - các nhà khoa học Trung Quốc, các nhà khoa học Mỹ và các nhà khoa học của các nước khác - vẫn đang nỗ lực hết mình để hiểu hơn về chủng virus này", ông Thôi Thiên Khải phát biểu trong chương trình Face the Nation của Đài CBS ngày 9-2. "Nhưng sẽ thật tai hại, sẽ rất nguy hiểm khi xới lên những ngờ vực, tin đồn rồi lan truyền trong mọi người. Thứ nhất, nó sẽ tạo ra nỗi kinh hoàng. Thứ hai, nó sẽ thổi bùng sự kỳ thị chủng tộc, tâm lý bài ngoại, tất cả những cái đó sẽ gây hại rất lớn cho những nỗ lực chung trong cuộc chiến chống virus của chúng ta", ông Thôi Thiên Khải nói. Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ rõ ràng đang phản biện mạnh mẽ với một giả thuyết do thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, ông Tom Cotton của bang Arkansas, hồi tháng trước tweet rằng tại Vũ Hán (thành phố tâm dịch corona chủng mới), có "phòng thí nghiệm kiểm soát tối đa, an toàn sinh học cấp 4 duy nhất của Trung Quốc chuyên làm việc với những mầm bệnh chết chóc nhất của thế giới, trong đó có coronavirus". Thượng nghị sĩ Cotton cũng đã chỉ trích gay gắt cách xử lý dịch bệnh của Trung Quốc trong suốt nhiều tuần. Ông Thôi Thiên Khải cho rằng sự cáo buộc đó là "hoàn toàn điên rồ". Ông nói thêm mặc dù hiện tại chính phủ Trung Quốc vẫn chưa biết nguồn gốc virus corona chủng mới phát sinh từ đâu, song nghiên cứu ban đầu cho thấy nó đến từ các loài vật. "Dĩ nhiên, vẫn luôn có đủ loại phỏng đoán và tin đồn - ông Thôi nói - Cũng có cả những người đang nói các virus này đến từ một số phòng thí nghiệm quân sự, nhưng không phải của Trung Quốc, mà có thể ở Mỹ. Làm sao chúng ta có thể tin tất cả những thứ điên rồ này đây?", ông tiếp. Theo Tuổi Trẻ Online |