Từ Mỹ cho tới Campuchia, thậm chí ở Israel, Ireland và Singapore, nhiều cư dân mạng dường như nhầm lẫn giữa virus corona chủng mới với nhãn hiệu bia Corona của Mexico.
Theo Google Trends – trang đánh giá về xu hướng tìm kiếm trên Google – từ khóa “corona beer virus” xuất hiện vào ngày 9/1/2020, trùng ngày mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo về hàng loạt trường hợp mắc bệnh giống viêm phổi ở Vũ Hán, tình Hồ Bắc, Trung Quốc, gây nên do một chủng virus corona chưa được làm rõ.
Chủng virus gây nên bệnh dịch lan rộng hiện nay là một chủng mới được đặt tên chính thức là coronavirus 2019 (2019n-CoV). Dòng coronavirus này bao gồm cả Sars-CoV, chủng virus từng gây ra Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), và Mers-CoV, chủng virus gây ra Hội chứng đường hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2012.
Trong khi đó, “Corona beer” được lấy tên từ chiếc vương miện đặt tại Nhà thờ Đức Bà Guadalupe ở thị trấn Puerto Vallarta, Mexico. Loại bia này lần đầu tiên được nấu vào năm 1925, 4 thập kỷ trước khi chủng virus corona được thế giới phát hiện.
Hiện nay, theo Google Trends, từ khóa tìm kiếm “corona beer virus” rất phổ biến ở Campuchia, tiếp đến là Slovenia, Singapore, New Zealand và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Từ khóa “beer virus” thì rất phổ biến ở Singapore, Latvia, Slovenia, Australia và Canada.
Hiện chưa rõ các từ khóa trên trở nên phổ biến là do sự thiếu hiểu biết hay đùa cợt. Tuy nhiên, rất nhiều meme đã xuất hiện trên mạng với chủ đề virus corona, trong đó có một meme có hình một chiếc tủ lạnh chứa đầy chai bia hiệu Corona. Một meme khác có hình một chai bia Corona đang “đối đầu” với một “băng nhóm” chai bia Heineken…đeo khẩu trang.
Một meme đùa giỡn về virus corona/bia corona đang phổ biến trên mạng xã hội (Ảnh: Facebook)
|
Tính đến thời điểm hiện tại, chủng virus corona mới đã lây nhiễm cho 9.692 người trên toàn thế giới, số người chết lên tới 213 người. Phần lớn các ca nhiễm và tử vong là ở Trung Quốc.
Nắm bắt được xu hướng trên mạng, một quán bar ở New Zealand mới đây cố kiếm thêm chút lợi nhuận bằng cách giảm giá bia Corona “hàng ngày miễn là khi dịch bệnh còn tồn tại”. Quán bar này đăng tải trên Facebook hình ảnh 2 người đàn ông trong bộ y phục, đeo khẩu trang và đang cầm bia Corona trên tay.
Nhiều cư dân mạng cho rằng đợt dịch hiện nay không phải thứ có thể đem ra đùa giỡn. Một người bình luận như sau: “Trong lúc New Zealand vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi dịch bênh, có nhiều người đang phải hứng chịu và thực sự xấu hổ nếu như đem cái chết của họ ra làm chiến dịch tiếp thị”.
Một quán bar ở New Zealand lợi dụng dịch bệnh để tiếp thị bia corona (Ảnh: Facebook)
|
Hãng phân phối bia Corona ở New Zealand đã chính thức lên tiếng đề nghị chấm dứt kiểu tiếp thị này.
Ở Singapore, các quán bar nằm ở quận trung tâm cho hay họ cũng không kiếm thêm được chút lợi nhuận nào nhờ bán bia Corona.
Jessie Chew, chuyên viên tiếp thị lĩnh vực ẩm thực và đồ uống, cho hay bà không bao giờ khuyên khách hàng tận dụng dịch bệnh để kiếm tiền. “Có một thực tế rằng, hành động đó sẽ gây ra sự hiểu lầm tai nạn về một vấn đề nghiêm trọng. Và nói thật là việc gắn một loại bia với một chủng virus không phải một chiến lược tiếp thị thông minh” – bà Chew nói.
Tuy nhiên, bà Chew cho rằng những meme xuất hiện trên mạng có thể chỉ là một cách hài hước mà người ta áp dụng để đối phó với dịch bệnh – miễn là người dân coi những meme trên chỉ mang tính châm biếm.
Cố vấn tiếp thị Pat Law nói rằng các nhãn hiệu đương nhiên sẽ quan tâm tới các chủ đề mang tính xu hướng, nhưng họ cần phải lưu ý về nội dung. “Có một nguyên tắc rất đơn giản: Hãy tránh xa các nội dung liên quan tới sức khỏe; bởi nó là một vấn đề nghiêm túc và nên được tôn trọng” – ông Law nói.
Đây không phải lần đầu tiên mà tên một dịch bệnh và một sản phẩm tiêu dùng trùng nhau. Trong giai đoạn khủng hoảng AIDS những năm 1980, một sản phẩm kẹo có tên Ayds (đọc giống như AIDS) đã bị giảm tới 50% doanh số bán.
Hiện nay còn xuất hiện nhiều thông tin sai lệch về virus corona chủng mới mà WHO đã nêu rất rõ, trong đó có nhiều lời đồn cho rằng virus này có thể lây sang thú cưng như mèo hay chó (đến nay chưa từng được chứng minh) và bệnh có thể được chữa trị bằng thuốc kháng sinh (trong khi thuốc kháng sinh chỉ có thể trị vi khuẩn chứ không phải virus).