Khi Warren Buffett “tìm thấy một đam mê”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong suốt sự nghiệp kéo dài gần 70 năm, Warren Buffett đã tạo dựng khối tài sản cho các nhà đầu tư (bao gồm bản thân ông) lớn hơn bất kì một nhà quản lý tài chính nào trong lịch sử.
Tỉ phú David Rubenstein hỏi chuyện huyền thoại đầu tư xuất sắc nhất mọi thời, tỉ phú Warren Buffett. Ảnh: Getty
Tỉ phú David Rubenstein hỏi chuyện huyền thoại đầu tư xuất sắc nhất mọi thời, tỉ phú Warren Buffett. Ảnh: Getty

>> Tỉ phú tỉ đô hỏi chuyện những tỉ phú tỉ đô khác: "Không có đường tắt đến thành công!"

Warren Buffett được cả thế giới công nhận như một nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại.

Giờ đây, ở tuổi 90, ông vẫn mạnh khỏe và tiếp tục cùng với công cụ đầu tư chính của mình, Quỹ Berkshire Hathaway, tận hưởng giá trị thị trường hơn 500 tỷ USD. Ông cũng là người giàu thứ 3 thế giới với khối tài sản ròng trị giá 90 tỉ đô la.

Ngay từ khi còn trẻ, Warren Buffett đã đam mê kinh doanh và đầu tư tới mức ám ảnh. Sau vài năm học ở Trường Kinh doanh Columbia – ông bị Trường Kinh doanh Harvard từ chối - ông làm việc tại New York vài năm rồi trở về quê nhà Omaha.

Tại đây, ông gây dựng nên một sự nghiệp đầu tư lẫy lừng và được ngưỡng mộ nhất trên thế giới theo một cách thức độc đáo: với một nhóm nhân viên nhỏ, không có máy tính cơ quan, không hề sử dụng các cố vấn ngân hàng đầu tư; đưa ra các quyết định nhanh chóng về giao dịch; và tập trung vào những ngành công nghiệp lõi với giá trị đầu tư thấp.

Ông yêu thích các câu cách ngôn đơn giản, không hứng thú với những vật dụng xa hoa – ông vẫn ở trong ngôi nhà mua từ năm 1958.

Warren Buffett luôn thể hiện sự khiêm tốn và khiếu hài hước theo kiểu tự châm biếm bản thân, cùng với thói quen ăn uống thiếu lành mạnh nhưng có vẻ chẳng hề ảnh hưởng gì đến bộ não sắc bén ở tuổi 90 của ông.

Gần đây nhất, ông trở thành một trong những nhà thiện nguyện lớn nhất thế giới khi đồng ý trao tặng khối tài sản 75 tỉ đô la cho Quỹ Bill và Melinda Gates.

"Hãy tìm kiếm công việc khiến bạn thực sự hứng thú. Tìm thấy một đam mê" là lời khuyên của Warren Buffett cho những nhà đầu tư trẻ muốn nối bước ông. Ảnh: Getty
"Hãy tìm kiếm công việc khiến bạn thực sự hứng thú. Tìm thấy một đam mê" là lời khuyên của Warren Buffett cho những nhà đầu tư trẻ muốn nối bước ông. Ảnh: Getty

Trong số những nhà đầu tư có nhiều fan hâm mộ háo hức muốn học hỏi các bí kíp, không ai có thể cạnh tranh được với Warren Buffett.

Hàng chục ngàn người đổ về tham dự cuộc họp thường niên của Berkshire Hathaway để lắng nghe; trong sáu tiếng hoặc dài hơn, những quan sát mới nhất của ông. (Vào năm 2020, hoạt động này được thực hiện trực tuyến).

Hàng loạt cuốn sách và các phân tích hoạt động đầu tư của ông đã được viết ra và luôn được đón nhận một cách nồng nhiệt bởi lượng người hâm mộ ông trên toàn cầu.

Từ hoàn cảnh tài chính khiêm tốn

David Rubenstein gặp Warren Buffett nhiều năm về trước, từ trước khi ông trở nên nổi tiếng đến thế. Rubenstein biết nhiều hơn về Buffett nhờ các cuộc họp của nhóm Cam kết Hiến tặng (Giving Pledge) cũng như các cuộc tụ họp của giới thiện nguyện và đầu tư. Đã phỏng vấn Warren nhiều lần nhưng với David Rubenstein, lần phỏng vấn nào cũng đem lại cho ông cảm giác thoải mái và trải nghiệm học hỏi đáng giá.

Trong cuộc phỏng vấn lược trích dưới đây, được thực hiện vào năm 2016, tỉ phú Warren Buffett đã chia sẻ về quá trình vươn lên từ một hoàn cảnh tài chính khiêm tốn đến lãnh đạo đầu tư toàn cầu.

Ông cho rằng thành công và năng lực lãnh đạo của mình bắt nguồn từ đam mê đối với những gì ông đã theo đuổi cả đời – tìm kiếm các cơ hội để đầu tư vào các công ty ở mức giá mà trong tương lai sẽ tăng lên và nhờ đó thu về lợi nhuận hấp dẫn.

Warren luôn trung thành với đam mê ban đầu đó – mua cổ phiếu hoặc các công ty ở mức giá thấp hơn giá trị thực chất và tương lai của chúng. Sau đó, trừ một vài ngoại lệ, không bao giờ bán chúng, nhờ thế tránh được các chi phí giao dịch và thuế lợi tức.

Những lúc rảnh rỗi, ông thích chơi bài bridge, hiến tặng tài sản và hậu thuẫn cho các mục tiêu thiện nguyện của gia đình.

Nhưng dường như không thứ gì có thể khiến Warren hào hứng hơn khi đọc những báo cáo công ty thường niên, tìm ra một khoản đầu tư phải chăng và bổ sung thương vụ đó vào danh mục đầu tư của Berkshire Hathaway.

Bất chấp tuổi tác của Warren, các nhà đầu tư hơn cả hài lòng khi ông vẫn dẫn dắt Berkshire Hathaway. Một nhà đầu tư mua cổ phiếu của công ty vào năm 1965 sẽ thấy giá trị cổ phiếu của mình tăng 20 ngàn lần vào năm 2019.

David Rubenstein (DR): Khi quay về quê nhà Omaha, ông đã thành lập một công ty liên danh ở đó. Ông đã huy động vốn bằng cách nào? Những người ở Omaha có biết ông không? Hay họ quen biết cha ông?

- Warren Buffet (WB): Khi tôi trở về quê, tôi có trong tay 175 ngàn đô la. Tôi đã nghĩ rằng đó là tất cả những gì tôi cần để sống nốt quãng đời còn lại. Tôi có thể lo lắng cho mọi thứ. Tôi thực sự đã lên kế hoạch quay lại trường học. Tôi nghĩ về việc đi học trường luật.

Tôi lấy một vài lớp học ở Đại học Omaha. Tôi không có ý niệm gì về việc thành lập một liên danh cả. Nhưng sau khi tôi quay về, vài tháng sau, một vài thành viên trong gia đình tôi nói, “Chúng ta nên đầu tư như thế nào? Chúng ta nên làm gì?”

Tôi nói, “Tôi sẽ không quay lại nghề môi giới chứng khoán đâu, nhưng tôi đã từng làm việc cho một liên danh ở New York. Tôi sẽ thành lập một liên danh tương tự nếu mọi người muốn vậy.”

Nhưng sự thực là tôi đã không hề có dự định này khi tôi quay trở về.

Ông Warren Buffett thời trẻ với một trong những đối tác trong các liên danh ở Omaha. Ảnh: Omaha Herald
Ông Warren Buffett thời trẻ với một trong những đối tác trong các liên danh ở Omaha. Ảnh: Omaha Herald

Hãy nghĩ ông sẽ thành công đến thế nào nếu trở thành một luật sư.

- Đúng vậy. Tôi vẫn hối tiếc về điều đó.

Ông thực sự huy động được bao nhiêu tiền trong liên danh đầu tiên này?

- Một đêm đầu tháng Năm 1956, chúng tôi gặp nhau. Có bảy người ngoài tôi, và họ bỏ ra góp 105 ngàn đô la. Tôi bỏ vào 100 đô. Như vậy, chúng tôi khởi nghiệp với 105,100 đô. Tôi đưa cho họ một tờ giấy nhỏ gọi là những quy tắc nền tảng.

Tôi nói, “Nếu các ông thấy chúng ta hợp nhau, nếu chúng ta cùng quan điểm và các ông đọc những điều này và đồng ý với chúng thì hãy tham gia liên danh. Các ông không cần phải đọc bản thỏa thuận liên danh, nhưng các ông cần phải đồng ý với các quy tắc nền tảng.

Những người đã góp 105,000 đô ngày đó, giờ đây chúng có giá trị là bao nhiêu?

- Rất nhiều.

Nhưng cuối cùng thì ông đã đóng liên danh này bởi vì ông không tìm được thêm các công ty hay cổ phiếu đủ rẻ để mua?

- Những gì đã xảy ra là giữa tháng 5 năm 1956 và tháng 1 năm 1962, tôi đã mở thêm mười liên danh khác. Tôi đã mắc một sai lầm. Một ai đó, bạn của tôi, đọc được trên báo thông cáo về liên danh đầu tiên của tôi và gọi, “Cái gì thế này?”. Và anh ta tham gia cùng tôi.

Vì vậy, tôi bắt đầu thành lập các liên danh riêng rẽ này. Tôi không có thư kí, không có kế toán, không có bất kì thứ gì cả. Mỗi khi tôi mua một cổ phiếu, tôi sẽ phân chia chúng ra thành 11 tấm vé. Tôi viết 11 cái séc. Tôi giữ 11 hộp tài liệu, để cất trữ 11 khoản hoàn thuế.

Ồ?

- Và tôi làm tất cả những việc đó một mình. Tôi tự mình đi phân phát tất cả những cổ phiếu đó bởi vì tôi sợ rằng đó là tiền của người khác. Vì thế, tôi ra ngân hàng và chuyển khoản ngay lập tức.

Cuối cùng, tôi trở nên khôn ngoan hơn và vào tháng 1 năm 1962, tôi sát nhập tất cả các liên danh trước vào một với tên gọi là Liên danh Buffett. Tôi điều hành nó đến tận cuối năm 1969, thời điểm tôi giải thể nó.

Ông giải thể liên danh đó, nhưng rồi năm 1969 ông cũng thành lập một liên danh mới?

- Không, vào lúc đó, chúng tôi có khoảng 105 triệu đô trong liên danh. Khoảng 70 triệu là tiền mặt chờ được phân chia. Số dư nằm ở ba cổ phiếu, chủ yếu là Berkshire Hathaway, mà tôi đã phân chia thành các phần bằng nhau cho tất cả mọi người.

Và rồi ông mua thêm nhiều cổ phiếu thông qua công ty Berkshire Hathaway?

- Cổ phiếu và các công ty.

Bài học “điếu xì gà hút dở”

Berkshire Hathaway là tên của một nhà máy dệt bị phá sản. Tại sao ông lại lấy tên một công ty dệt bị phá sản làm tên công ty mình?

- Bởi vì tôi đã đưa ra một quyết định ngu ngốc, và tệ hại. Tôi đã mua một lượng kha khá cổ phiếu trong Berkshire Hathaway. Họ có tiền sử về các nhà máy bị đóng cửa, và họ đang dùng tiền để mua vào cổ phiếu.

Đó là khoản đầu tư kiểu “điếu xì gà hút dở” khi bạn kiếm được vài hơi thuốc miễn phí.

(Ý tưởng cơ bản của phương pháp này là nếu công ty mà bạn mua bị đóng cửa hoặc giải thể thì bạn vẫn có lời sau khi đã bán tất cả tài sản ngắn hạn để trả nợ. Phần tài sản dài hạn hoàn toàn chưa tính đến. Triết lý của phương pháp này chính là “mua công ty xấu với giá cực rẻ”.)

Tôi mua khoảng gần 10% cổ phiếu của công ty này. Họ bán một số nhà máy. Vị CEO hỏi, “Ông sẽ định giá cổ phiếu của ông ở mức nào?”. Tôi nói, “mười một đô rưỡi.” Ông ta nói, “Tốt thôi.” Và rồi ông ta gửi cho tôi thư đề nghị với mức giá 11 đô 3/8.

Điều đó khiến tôi rất bực mình nên tôi quyết định mua quyền kiểm soát cả công ty, một quyết định thật tệ hại.

Warren Buffett: Đừng"đầu tư kiểu “điếu xì gà hút dở” khi bạn kiếm được vài hơi thuốc miễn phí". Ảnh: Getty
Warren Buffett: Đừng"đầu tư kiểu “điếu xì gà hút dở” khi bạn kiếm được vài hơi thuốc miễn phí". Ảnh: Getty

Điều đó xảy ra 50 năm trước. Nếu ai đó là nhà đầu tư cùng ông vào thời điểm ông mua Berkshire Hathaway, thì trong vòng 50 năm qua, họ sẽ nhận được lợi tức khoảng 19 đến 20 phần trăm mỗi năm?

- Đúng, vào khoảng đó.

Không một ai trong lịch sử đầu tư từng làm được điều đó trong một thời gian dài như vậy. Vì sao ông có khả năng làm được điều này? Có phải vì ông nghiên cứu công ty đó kĩ hơn bất kỳ ai khác? Vì ông tuân thủ các nguyên tắc của mình? Hay ông thông minh hơn những người khác?

- Chúng tôi mua những công ty mà chúng tôi nghĩ là có mô hình kinh doanh tốt ở mức giá phải chăng, và chúng tôi có những nhân sự giỏi để điều hành chúng. Nhưng ở Berkshire, chúng tôi cũng mua những chứng khoán có khả năng thanh khoản tốt.

Tuy nhiên, theo thời gian, chúng tôi chuyển dần trọng tâm từ những chứng khoán thanh khoản cao sang mua các công ty.

Ông có các báo cáo thường niên của các công ty và ông đọc chúng. Rồi giống như những người khác đọc tiểu thuyết, ông đọc các báo cáo thường niên của các công ty.

- Đúng vậy.

Rồi ông tính toán giá trị của chúng trong đầu?

- Chính xác.

Ông có sử dụng máy tính để giúp tính toán không?

- Không. Nếu bạn cần phải tính một thứ gì đó đến đơn vị thập phân thứ tư thì hãy quên nó đi.

Huyền thoại đầu tư Warren Buffett thích đọc các báo cáo thường niên của các công ty như người bình thường đọc tiểu thuyết. Ảnh: AP
Huyền thoại đầu tư Warren Buffett thích đọc các báo cáo thường niên của các công ty như người bình thường đọc tiểu thuyết. Ảnh: AP

Thế bây giờ ông có dùng máy tính không?

- Tôi dùng nó để chơi bài bridge và để tìm kiếm thông tin. Tôi không có máy tính ở văn phòng nhưng có một chiếc ở nhà.

Nếu ai đó muốn tìm thấy ông, họ nên tìm ông trên điện thoại thông minh hay điện thoại di động?

- Không, một chiếc điện thoại thông minh quá thông minh đối với tôi (Năm 2020, Warren Buffet tuyên bố rằng giờ ông đã có một chiếc iPhone.)

Và một chiếc máy tính mà ông hiếm khi sử dụng?

- Một trong những câu hỏi đánh đố mà Bill Gates và tôi phải trả lời khi nói chuyện với một nhóm khán giả là: “Ai ở trên máy tính lâu hơn, trừ thời gian đọc email?”. Câu trả lời là: “Có lẽ chính là tôi”, bởi vì tôi dành 12 giờ một tuần để chơi bài bridge trên máy tính và tôi cũng sử dụng nó để tìm kiếm thông tin.

Tình bạn đặc biệt với Bill Gates

Ông nhắc đến Bill Gates. Làm thế nào mà ông biết Bill Gates vì rõ ràng ông không phải là đối tác hay bạn bè của anh ta, lại nhiều hơn anh ta hai mươi lăm tuổi?

- Tháng 7 năm 1991 tôi ghé qua Seattle thăm một người bạn. Cô ấy biết bố mẹ Gates nên gọi cho bà Mary Gates và bà ấy mời chúng tôi qua nhà chơi. Rồi Mary cố gắng lôi kéo Bill tham gia cuộc gặp với chúng tôi.

Tôi nhớ khi đó Bill nói rằng: “Tôi sẽ không xuống đó để gặp mấy người môi giới chứng khoán đâu.”

Mary thuộc tuýp người cứng rắn. Bà ấy khăng khăng ép Bill đi xuống. Họ bắt đầu thương lượng về thời gian. Bà ấy nói: “Bốn giờ”. Bill nói: “Một giờ thôi.” Cả hai giằng co một lúc rồi Bill đi xuống. Khi chúng tôi gặp nhau, chúng tôi trò chuyện liên tục 11 tiếng không ngừng nghỉ. Chúng tôi thực sự tâm đầu ý hợp với nhau.

Nhưng ông không bao giờ mua cổ phiếu của Bill Gates?

- Tôi có mua vài trăm cổ phiếu chỉ để dõi theo những gì mà chàng trai trẻ này đang làm.

Tình bạn đặc biệt và sâu sắc hàng thập kỉ giữa Warren Buffett và Bill Gates, hai tỉ phú số 2 và số 3 thế giới. Ảnh: Getty
Tình bạn đặc biệt và sâu sắc hàng thập kỉ giữa Warren Buffett và Bill Gates, hai tỉ phú số 2 và số 3 thế giới. Ảnh: Getty

Ngày nay, ông được tất cả những ai quan tâm đến kinh doanh ngưỡng mộ bởi thành tựu đầu tư rực rỡ, bởi công ty mà ông đã gây dựng, bởi sự chính trực và tính hài hước của ông. Điều gì ông mong muốn sẽ là di sản để lại của mình?

- Tôi muốn trở thành người đàn ông nhiều tuổi nhất từng sống. Tôi thích dạy học. Tôi đã là một giáo viên tốt và hàng năm có rất nhiều sinh viên đại học đến đây. Tôi yêu thích việc dạy học.

Còn điều gì ông muốn làm mà chưa làm hay không?

- Anh biết đấy, nếu có điều gì mà tôi muốn làm, tôi sẽ làm. Tiền bạc không hữu dụng đối với tôi. Thời gian mới là thứ hữu ích đối với tôi.

Như tiền bạc, xét theo khía cạnh để có thể chi trả cho các chuyến du lịch, sở hữu thêm vài ngôi nhà, hay mua một chiếc du thuyền, thì hoàn toàn không có giá trị đối với tôi. Nhưng tiền bạc rất hữu ích cho những người khác.

Đó là lý do ra đời The Giving Pledge (Cam kết Hiến tặng, sáng kiến do Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng, kêu gọi các tỉ phú đô la cam kết quyên góp khoảng một nửa tài sản cho các hoạt động từ thiện, trong suốt cuộc đời. Riêng Warren Buffet đã cam kết cho đi 75 tỉ đô la, gần như toàn bộ tài sản của ông).

Nếu có một lời khuyên nào cho một nhà đầu tư trẻ muốn theo bước ông thì ông sẽ nói gì?

- Hãy tìm kiếm một công việc mà bạn thực sự muốn có nó nếu bạn không cần một công việc để kiếm sống. Bạn chỉ sống có một lần. Bạn không muốn mơ màng lướt qua cuộc đời này.

Cho dù khi bạn làm ra x hay 120 phần trăm của x thì trong hầu hết các trường hợp, số tiền đó cũng không quan trọng bằng việc bạn cưới đúng người và tìm ra thứ mà bạn muốn làm khi bạn không cần đến tiền.

Tôi đã có được công việc đó trong suốt hơn 50 năm. Tôi đã rất may mắn vì khi còn trẻ đã tìm thấy thứ mà khiến tôi trở thành con người như bây giờ.

Nhưng đừng vội ràng buộc mình vào một điều gì khi bạn có thể tránh được nó, đừng lo lắng về việc phải kiếm nhiều tiền nhất có thể tuần này hay tháng sau.

Khi tôi được mời làm việc cho Ben Graham, tôi nói, “Tôi sẽ làm việc không công”. Hãy tìm kiếm công việc khiến bạn thực sự hứng thú. Tìm thấy một đam mê.