Bill Gates: Từ “con mọt sách” đến tỉ phú thiện nguyện vĩ đại nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong một phần tư thế kỉ qua, Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft, luôn được xướng danh người giàu nhất thế giới.
Bill Gates, tỉ phú giàu nhất thế giới trong suốt hơn 2 thập kỉ vừa qua. (Ảnh: Getty)
Bill Gates, tỉ phú giàu nhất thế giới trong suốt hơn 2 thập kỉ vừa qua. (Ảnh: Getty)

>> Jeff Bezos đã xây dựng đế chế bán lẻ Amazon như thế nào?


Và trong hơn một thập kỉ qua, ông cùng vợ là những nhà thiện nguyện lớn nhất thế giới. Họ làm việc chủ yếu thông qua quỹ Bill và Melinda Gates. Nhờ những hoạt động này, Bill Gates trở thành nhân vật nổi tiếng và được ngưỡng mộ nhất trên thế giới hiện nay.

Câu chuyện của Bill Gates đã quá nổi tiếng nhưng vẫn tiếp tục hấp dẫn độc giả: Bill là một “con mọt sách” ngành máy tính và phần mềm, người đã bỏ học Harvard vào năm 1975 để cùng với Paul Allen thành lập một công ty cung cấp phần mềm cho các máy tính mà mọi người về sau sẽ sở hữu.

Trí thông minh kiệt xuất, sự tận tâm và đam mê công việc, cùng với khiếu kinh doanh nhạy bén đã giúp ông dẫn dắt quá trình biến Microsoft thành công ty phần mềm quan trọng nhất thế giới, với giá trị thị trường trên 1 ngàn tỉ đô la và sự hiện diện ở hầu hết các máy tính cá nhân.

Giờ đây, Bill áp dụng những kĩ năng đó vào sứ mệnh thiện nguyện: ông đang dẫn dắt các nỗ lực cải thiện sức khỏe cho những nước kém phát triển nhất – mối quan tâm đã dẫn ông đến những cảnh báo mang tính tiên tri về các đại dịch – cũng như cải thiện hệ thống giáo dục phổ thông ở Mỹ.

Bill cùng với Melinda và Warren Buffet cũng khởi động sáng kiến Giving Pledge (Cam kết Cho đi) dành cho những cá nhân giàu có nhất. (Cam kết Cho đi là một cam kết của những cá nhân có tài sản ròng tối thiểu 1 tỉ đô la, theo đó, họ sẽ đóng góp thiện nguyện ít nhất một nửa tài sản khi còn sống hoặc sau khi mất.)

Mặc dù có chỉ số IQ cao ngất ngưởng, nhưng khi Bill còn trẻ, không ai có thể dự đoán được cuộc đời ông sẽ trở nên phi thường như vậy. Ai có thể đoán được,  sự trỗi dậy của máy tính cá nhân và phần mềm là sự kiến tạo một trong những công ty thành công nhất thế giới, hay sự tích lũy tài sản cá nhân vượt quá mọi sự hình dung kể từ thời của John Rockefeller?

Không một ai, kể cả Bill, thấy trước được điều đó. Vậy thì làm thế nào mà tất cả những điều này lại xảy ra cùng lúc như vậy? Sự thành công không có đối thủ của ông ấy bắt nguồn từ sự kết hợp hoàn hảo của tầm nhìn, trí tuệ, nỗ lực và sự tập trung. Nhiều cá nhân có một hay hai tố chất kể trên, nhưng rất hiếm người có cả bốn thứ đó.

Vậy trong bốn nhân tố kể trên, đâu là nhân tố quan trọng nhất? Trong trường hợp của Bill, đó là tầm nhìn xa rằng máy tính cá nhân sẽ có mặt ở khắp nơi và tất cả đều cần có phần mềm. Bill đã thấy rằng chính phần mềm mới có giá trị hơn phần cứng.

Rõ ràng, Bill là một cá nhân xuất chúng, người đã thành công ở bất kì công việc  nào đòi hỏi sức mạnh trí tuệ, sự chăm chỉ và tập trung. Những gì chúng ta biết là Bill Gates, ít nhất trong hơn một phần tư thế kỉ vừa qua, là một trong những cá nhân đáng tôn trọng nhất trên thế giới và là chủ đề của những mối quan tâm bất tận.

Tỉ phú David Rubenstein trò chuyện với Tỉ phú Bill Gates, người sáng lập Microsoft. (Ảnh: Getty)
Tỉ phú David Rubenstein trò chuyện với Tỉ phú Bill Gates, người sáng lập Microsoft. (Ảnh: Getty)

David Rubenstein gặp Bill lần đầu tiên khi ông đến văn phòng của David ở Washington ngày 11/3/2010, để nói về hoạt động thiện nguyện và sáng kiến sẽ sớm được công bố “Giving Pledge” (Cam kết Hiến tặng).

Có Bill Gates đến văn phòng của bạn, ăn một cái bánh burger phô mai đơn giản có thể thu hút sự chú ý của cả văn phòng.

Bill không phải là một người tìm kiếm sự nổi tiếng; và ông không có hứng thú nói về việc làm thế nào ông đạt được những gì ông đã có. Nhưng ông cũng đã cung cấp cho chúng ta một số thông tin trong cuộc phỏng vấn dưới đây hồi tháng 6/2016 tại văn phòng riêng của ông ở Seattle.

Lén đột nhập vào Đại học Washington để học máy tính

David Rubenstein (DR): Ông xây dựng một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới – một trong những công ty vĩ đại nhất thế giới. Và giờ thì ông đang xây dựng và vận hành một quỹ thiện nguyện lớn. Ông so sánh như thế nào về thách thức xây dựng Microsoft và thách thức điều hành Quỹ Bill và Melinda? Cái nào khó hơn và cái nào dễ chịu hơn?

Bill Gates (BG): Cả hai công việc đều có điểm chung: đó là ý tưởng mà bạn thấy mới mẻ, thực sự gắn bó với nó, xây dựng một đội ngũ vận hành nó, gặp một vài khó khăn và thành công.

Công việc ở Microsoft diễn ra khi tôi còn rất trẻ. Tôi đã bắt đầu nó khi tôi mới 17 tuổi, và đó là mối quan tâm hàng đầu của tôi cho đến khi tôi 53 tuổi, khi tôi quyết định chuyển sang làm việc toàn thời gian cho Quỹ. Giai đoạn đầu tiên với Microsoft, tôi khá điên cuồng. Tôi chưa lập gia đình, không có con cái. Tôi không tin vào kì nghỉ cuối tuần cho đến khi tôi 30. Tôi cũng chẳng tin vào sự cần thiết của các kì nghỉ.

Đối với tôi, cảm giác viết code và thức trắng đêm thật mãn nguyện. Trong suốt quãng đời 20 và 30 tuổi của tôi, Microsoft là một điều tuyệt vời. Tôi đã không có được nền tảng kiến thức rộng giúp tôi đảm nhận vai trò của mình ở Quỹ. Đó là một sự chuẩn bị tốt.

Sau đó, tôi gặp Melinda, làm đám cưới và có con, tôi bắt đầu nhìn thế giới một cách rộng hơn, và suy nghĩ về việc tài sản mình làm ra nên đi về đâu. Đối với quãng đời này, niềm vui mà tôi nhận được – vẫn gặp gỡ các nhà khoa học, mặc dù không chỉ bàn về phần mềm, mà là về sinh học và nhiều thứ khác – điều đó vẫn hoàn hảo.

Tôi sẽ nói rằng cả hai vai trò đều khó khăn như nhau. Bạn luôn biết rằng bạn có thể làm tốt hơn, rằng bạn nên học hỏi nhiều hơn, xây dựng đội ngũ và nghĩ về những việc theo một cách tốt hơn. Bạn nhìn thấy những kết quả tích cực, nhưng bạn luôn muốn làm tốt hơn nữa.

- Hãy nói về Microsoft một lát. Ông bắt đầu nó khi còn đang học trung học. Thời đó có nhiều người biết về máy tính không?

Đó là một thời kì khá đặc biệt, bởi vì hồi tôi còn trẻ, máy tính cực kì đắt đỏ. Bạn tôi Paul Allen và tôi thường lén đột nhập vào Đại học Washington, nơi họ có những máy tính không dùng đến vào ban đêm. Chúng tôi bị hấp dẫn bởi những gì máy tính có thể làm được, nhưng thời đó rất ít người được tiếp xúc với chúng. Chúng tôi khá là may mắn vì được làm điều đó.

Tiếp đến là sự ra đời của ý tưởng đưa máy tính lên một con chip mà Intel sẽ làm. Điều đó khiến cho máy tính trở nên rẻ hơn gấp triệu lần so với những chiếc máy mà chúng tôi đang dùng, nhờ vậy chúng mạnh mẽ hơn và dễ tiếp cận đến mọi người hơn ở cấp độ cá nhân.

Tiếp đó là ý tưởng rằng, ok, điều đó sẽ rất khác – phần mềm mà bạn cần, cách thức mà ngành công nghiệp này sẽ vận hành. Chúng tôi vô cùng may mắn khi có mặt ở đó khi điều này xảy ra.

Paul nhìn vào đống chip và nói với tôi: “Điều này thật kì diệu. Tại sao những người khác không thấy chứ?”. Bởi vì chúng tôi còn trẻ, và bởi vì chúng tôi nhìn nhận mọi thứ từ góc nhìn của phần mềm máy tính nên chúng tôi có thể theo đuổi nó theo một cách khác so với những người khác.

Bill Gates thời trẻ được mô tả là một chàng trai cực kì thông minh, mọt sách, có phần hơi lập dị với đam mê khác thường với máy tính.
Bill Gates thời trẻ được mô tả là một chàng trai cực kì thông minh, mọt sách, có phần hơi lập dị với đam mê khác thường với máy tính.

- Lúc đó gia đình ông nghĩ gì?

Từ hồi còn nhỏ, cha mẹ tôi đã luôn khích lệ tôi đọc và đọc to lên. Họ cũng gửi tôi đi học trường tư dù học phí là cả một khoản chi tiêu lớn đối với họ. Nhờ thế, tôi đã có một nền tảng giáo dục tốt.

Họ biết rằng tôi bị ám ảnh với máy tính, rằng tôi sẽ bỏ qua các môn thể thao, rằng tôi sẽ thức xuyên đêm, rằng tôi sẽ ra khỏi nhà vào ban đêm để làm việc trên máy tính. Tôi đã bị xem là khá lập dị.

Khoảnh khắc trọng đại đối với tôi là khi tôi nói với họ rằng thay vì đi học tiếp năm thứ hai đại học, tôi muốn làm việc cho một công ty viết phần mềm. TRW có một dự án điện tử hóa mạng lưới rất thú vị mà tôi muốn làm việc.

Cha mẹ tôi đã cư xử tuyệt vời khi cho phép điều đó trở thành sở thích của tôi. Đến khi phải rời Harvard, mặc dù tôi đã có thể quay lại đó, họ có hơi lo lắng một chút. Nhưng khi đó, tôi tự trang trải mọi thứ, và họ dõi theo tôi xem những gì đã xảy ra.

- Có bao giờ ông nghĩ rằng đời mình có thể tốt hơn nếu ông có tấm bằng tốt nghiệp Harvard?

Tôi là một người bỏ học kì cục, bởi vì tôi vẫn theo học các lớp đại học vào mọi lúc. Tôi yêu thích các khóc học của Learning Company. Tôi yêu thích việc là một sinh viên.

Ở Harvard luôn có những người thông minh ở xung quanh bạn. Tôi cảm thấy thật không may khi tôi đã không thể ở đó, nhưng tôi không nghĩ tôi bỏ lỡ bất kỳ kiến thức nào, bởi vì bất kì thứ gì tôi cần phải học, tôi vẫn luôn ở trong tâm thế học hỏi.

- Nếu ông không bỏ học – nếu đó không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc đời ông – cuộc cách mạng máy tính diễn ra, và ông sẽ bỏ lỡ nó, và Microsoft sẽ không trở thành như bây giờ?

Vào lúc đó, tôi chắc chắn đã nghĩ như vậy. Tôi nghĩ: “Nào chàng trai, hiển nhiên là phần mềm đó sẽ trở nên quan trọng. Nếu tôi không viết phần mềm đó bây giờ và đi trước mọi người, chúng ta sẽ không trở nên đặc biệt.”

Đó là một cảm giác thôi thúc kì diệu. Và như thực tế sau này cho thấy, nếu chúng tôi chỉ cần ra mắt chậm một năm, tôi không chắc là phần mềm của chúng tôi sẽ tạo ra khác biệt lớn đến thế.

Bởi vì ngành công nghiệp này đã khởi động khá chậm chạp. Những gì chúng tôi đã nghĩ trở nên quá rõ ràng – các con chip phải tốt hơn, máy tính cá nhân bản đầu tiên không hoạt động hiệu quả. Chúng tôi đã không có ổ cứng, cũng chẳng có các đồ thị. Ý tưởng chung rằng chúng tôi luôn phải đi thật nhanh là rất quan trọng, mặc dù một năm sau điều đó vẫn ổn.

- Vào những ngày mới khởi nghiệp, ông chỉ là một chàng trai bỏ học đại học. Liệu ông có gặp khó khăn khi thuyết phục mọi người làm việc với mình?

Điều đó có hai mặt. Đối với một số người, tuổi trẻ và sự lập dị có thể khiến họ ngần ngại “liệu chúng ta có nên tin cậy mấy chàng trai này? Chúng ta chưa từng nhìn thấy thứ này trước kia.”

Nhưng những người nhìn vào mã code mà chúng tôi đã viết, thấy những gì chúng tôi đã đạt được và lắng nghe niềm tin mãnh liệt của chúng tôi vào tầm quan trọng của phần mềm và cách mà chúng tôi triển khai công việc cho họ một cách nhanh chóng, họ trở nên vô cùng hào hứng. Đôi khi, họ mong đợi chúng tôi có thể làm được  nhiều hơn khả năng chúng tôi có thể.

Đúng là chúng tôi đã phải đấu tranh để được thừa nhận. Tôi không thể thuê xe vì thế tôi phải đi làm bằng taxi, bởi vì tôi quá trẻ. Một số người khắt khe với chúng tôi. Nhưng rồi khi chúng tôi đạt được một số thành công nhất định, mọi người bị thu hút bởi niềm tin sâu sắc của chúng tôi vào sức mạnh của phần mềm.

- Ông quyết định đưa công ty lên sàn vào…

Năm 1986

- Vào thời điểm đó, ông đã là một tỉ phú?

Gần như vậy. Trong vòng một năm sau khi lên sàn, trang bìa của tạp chí Fortune có viết rằng: “Thương vụ đó đã làm giàu thêm cho Bill Gates 350 triệu đô la.”

- Lúc đó ông bao nhiêu tuổi?

 30 tuổi

- Ông có rất nhiều tiền ở tuổi còn trẻ. Lúc đó ông có khi nào nghĩ, “Tôi sẽ sống phô trương hơn, mua một cái xe sang, mua du thuyền, máy bay?” Hay ông chỉ đơn giản là không quan tâm về điều đó?

Tôi có mua một thứ có thể được xem là hơi phô trương. Ô tô mà tôi sở hữa là một chiếc Porche 911.  Đó là một chiếc ô tô đã qua sử dụng nhưng đi rất thích. Thỉnh thoảng, khi tôi muốn suy nghĩ vào ban đêm, tôi ra ngoài và phóng xe vòng quanh với tốc độ cao. Thật may mắn là tôi đã không gây nguy hiểm cho bản thân khi làm vậy.

Bỏ 20 tỉ đô la lập quỹ thiện nguyện lớn nhất thế giới

-Vào thời điểm nào thì ông thấy rằng, “Tôi đã làm ra nhiều tiền. Tôi không cần phải làm điều này thêm nữa. Tôi muốn làm một việc gì đó khác với cuộc đời tôi”?

Năm 1995 là năm trọng đại khi chúng tôi cho ra mắt Windows 95 và phần mềm này hoạt động rất tốt. Chúng tôi đã luôn có độ sâu lớn nhất về mặt kĩ thuật và gần như là lớn nhất. Chúng tôi đã nổi lên như một công ty thành công.

Vì vậy, tôi bắt đầu nghĩ, “Ồ, có rất nhiều giá trị ở đây, tại Microsoft. Các nhà thiện nguyện khác thì làm gì?" Trong suốt thập niên 90, tôi luôn nghĩ về điều này. Mẹ tôi qua đời cùng năm mà tôi lập gia đình, năm 1994. Bố tôi tình nguyện giúp chúng tôi suy nghĩ về mảng thiện nguyện.

Đến năm 2000, tôi quyết định: “Được rồi, hãy thực sự làm việc này thôi”. Chính là năm 2000 khi tôi bỏ 20 tỉ đô la vào Quỹ và nó trở thành quỹ thiện nguyện lớn nhất vào thời điểm đó.

Tỉ phú Bill Gates và vợ, bà Melinda Gates đang điều hành một trong những quỹ thiện nguyện lớn nhất thế giới, bắt đầu từ khoản tiền 20 tỉ đô la của ông Gates. (Ảnh: Getty )
Tỉ phú Bill Gates và vợ, bà Melinda Gates đang điều hành một trong những quỹ thiện nguyện lớn nhất thế giới, bắt đầu từ khoản tiền 20 tỉ đô la của ông Gates. (Ảnh: Getty )

- Ban đầu, ông bỏ vào Quỹ 20 tỉ đô la và giờ đây Quỹ có nguồn ngân sách lớn hơn thế nhiều lần. Số tiền đến Quỹ chủ yếu từ tiền ông kiếm được với Microsoft. Nhưng rồi một  ngày Warren Buffet gọi ông và nói: “Tôi sẽ đưa cho ông hầu hết tài sản của tôi.” Ông có ngạc nhiên không?

Đó hoàn toàn là một sự ngạc nhiên, bởi vì Warren là nhà đầu tư xuất sắc nhất, và ông ấy đã xây dựng nên công ty phi thường này. Tôi rất may mắn được làm bạn với ông ấy từ năm 1991. Chúng tôi rất thân thiết với nhau và Warren thường cho tôi lời khuyên về mọi thứ tôi làm. Tôi học hỏi được rất nhiều từ ông ấy.

Tài sản của ông ấy được dự định dành cho Quỹ Buffet mà vợ ông điều hành. Nhưng rồi bà ấy không may qua đời, nên ông quyết định thay đổi kế hoạch ban đầu. Trước sự ngạc nhiên của tôi, ông ấy đã quyết định hiến tặng 80% tài sản cho Quỹ của tôi.

Đó là một vinh dự và trách nhiệm lớn lao. Nó khiến chúng tôi đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn, vượt lên trên những gì chúng tôi đáng ra đã làm nếu không có món quà hào phóng nhất mọi thời đại này.

- Ông đã là người giàu nhất thế giới trong suốt hơn hai mươi năm. Điều đó là một gánh nặng hay niềm vui thích? Mọi người lúc nào cũng tìm đến ông, họ xin tiền, hoặc họ mong đợi ông mua các thứ cho họ. Cảm giác ra sao khi là người giàu nhất trên thế giới? Ông có mệt mỏi vì nó không?

Thật may mắn là mọi người biết rằng tài sản của tôi được dành cho quỹ thiện nguyện, vì vậy họ có các ý tưởng trùng hợp với những lĩnh vực mà quỹ theo đuổi – chiến đấu chống lại các căn bệnh lây nhiễm, cải thiện chất lượng giáo dục. Vì thế, thật thú vị khi được nói chuyện với những người đó.

Tôi nghĩ nổi tiếng mang lại nhiều lợi ích. Tôi có thể ra ngoài, gặp gỡ nhiều  người thú vị, chia sẻ quan điểm của bản thân và gây sự chú ý rộng rãi. Khi tôi ra ngoài với lũ trẻ thì có thể có chút xíu bất tiện, theo nghĩa là bạn sẽ không có được sự riêng tư như bạn mong muốn.

Nhưng nhìn chung, thành công của tôi cho phép tôi làm được nhiều điều hơn, xây dựng các quan hệ đối tác và gặp gỡ đúng người./.

Kỳ tới: Warren Buffet và con đường thành nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại