Khát vọng và hành trình điện toán đám mây của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước bối cảnh thị trường điện toán đám mây trong nước và thế giới bắt đầu bùng nổ, Việt Nam đã có sự chuẩn bị ban đầu để khuyến khích việc sử dụng đám mây trong khu vực công và khối doanh nghiệp.
Việt Nam đang trên con đường hiện thực hoá khát vọng “lên mây”.
Việt Nam đang trên con đường hiện thực hoá khát vọng “lên mây”.

Thị trường hiện tại và tiềm năng phát triển của điện toán đám mây

Nghiên cứu của Gartner chỉ ra rằng chi tiêu của người sử dụng cuối đối với dịch vụ đám mây công cộng trên toàn thế giới vào năm 2020 là 257,5 tỷ USD. Con số này vào năm 2022 dự báo có thể tăng khoảng 40%, đạt 362,2 tỷ USD.

Tại Việt Nam, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC), thị trường điện toán đám mây của Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 3.200 tỷ đồng (tương đương 133 triệu USD).

Về mức độ quan tâm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đến việc ứng dụng điện toán đám mây, nghiên cứu của Viettel IDC cho thấy, cách đây 2 - 3 năm, chỉ có 20% doanh nghiệp quan tâm đến việc ứng dụng điện toán đám mây vào hệ thống công nghệ thông tin của họ. Song, đến nay con số này đã lên đến hơn 50%. Điều này cho thấy mức độ quan tâm và khả năng chuyển đổi của nhóm doanh nghiệp này là rất nhanh. Mức độ quan tâm của các doanh nghiệp lớn thậm chí còn cao hơn, ở mức 60% - 80%. Đối với cơ quan nhà nước thì tỷ lệ này dao động trong khoảng 40% đến 50%.

Có thể thấy, thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đã bắt đầu bùng nổ.

Mục tiêu và hành động

Nhận biết và hiểu được vai trò và tầm quan trọng của điện toán đám mây trong quá trình chuyển đổi số, Việt Nam đã có những sự chuẩn bị ban đầu để khuyến khích việc sử dụng đám mây không những trong hoạt động của các doanh nghiệp mà còn trong hoạt động của các cơ quan khu vực công.

Cụ thể, nhiệm vụ “tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương theo hướng kết hợp mô hình tập trung và mô hình phân tán dựa trên công nghệ điện toán đám mây” là một trong những nhiệm vụ được đề ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ nhằm xây dựng nền tảng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Ngoài ra, ngày 03/04/2020, Bộ Thông tin và truyền thông đã ban hành công văn điều hành số 1145/BTTTT-CATTT về việc hướng dẫn bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử. Văn bản này đã đưa ra 85 tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật tối thiểu cho cơ sở hạ tầng điện toán đám mây và 69 tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật an toàn thông tin cho hạ tầng điện toán đám mây.

Những bước đi này cho thấy Việt Nam đang cố gắng thúc đẩy việc làm chủ công nghệ điện toán đám mây, đặc biệt là trong các cơ quan, doanh nghiệp khu vực công. Các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật trên trở thành cơ sở giúp các cơ quan, tổ chức nhà nước có thể đánh giá và lựa chọn những nhà cung cấp dịch vụ đám mây an toàn và phù hợp nhất với nhu cầu và mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử.

Thực tiễn mức độ sẵn sàng ứng dụng điện toán đám mây tại Việt Nam

Theo báo cáo về “Chỉ số sẵn sàng ứng dụng điện toán đám mây 2020” của Hiệp hội điện toán đám mây Châu Á, nhìn chung, khả năng sẵn sàng ứng dụng điện toán đám mây của các quốc gia trong khu vực các nước APAC, trong đó có Việt Nam, đang tăng lên. Tuy nhiên, tốc độ của tiến trình đang này bị đình trệ do nhiều nước đang phải tập trung vào vấn đề phục hồi kinh tế sau khủng hoảng từ đại dịch COVID-19. Đặc biệt, các thị trường mới nổi trong APAC có nguy cơ mất khả năng phục hồi kinh tế từ Covid-19 nếu như không tận dụng các công nghệ ‘đi tắt đón đầu’ đầy hứa hẹn.

Đối với Việt Nam, cũng theo báo cáo này, điểm đánh giá mức độ sẵn sàng của Việt Nam để sử dụng, khai thác điện toán đám mây là 46.2/100, đứng thứ 14 trên tổng số 14 quốc gia trong nhóm APAC được nêu trong đánh giá. Thậm chí, so với sáu nước không thuộc nhóm APAC, điểm đánh giá của Việt Nam cũng là thấp nhất. Điều cần chú ý là xếp hạng của Việt Nam vẫn duy trì ở thứ hạng 14 kể từ năm 2016 cho đến nay.

Điểm đánh giá CRI 2018-2020.
Điểm đánh giá CRI 2018-2020.

Đánh giá của Hiệp hội điện toán đám mây Châu Á dựa trên 4 nhóm tiêu chí chính bao gồm: (1) Cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, (2) đảm bảo an ninh đám mây, (3) Các quy định có liên quan, và (4) Quản trị điện toán đám mây. Trong đó:

(1) Cơ sở hạ tầng đám mây được đánh giá trên 3 thông số: “Kết nối quốc tế”, “Chất lượng băng thông rộng”, và “Lưới điện, Chính sách Xanh và Tính bền vững”;

(2) Đảm bảo an ninh đám mây được đánh giá trên 2 thông số là “Rủi ro trung tâm dữ liệu” và “An ninh mạng”;

(3) Các quy định có liên quan bao gồm các thông số “Quyền riêng tư”, “Môi trường pháp lý quốc gia” và “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ”;

(4) Quản trị điện toán đám mây được đánh giá trên 2 thông số là “mức độ thuận lợi cho việc kinh doanh” và vấn đề “tự do thông tin”.

Điểm được xếp hạng cao của Việt Nam trong số các tiêu chí trên là khả năng kết nối quốc tế (2.9/10 – đứng thứ 7). Đối với các thông số khác, Việt Nam phần lớn thuộc nhóm 3 nước có thứ hạng thấp nhất. Dẫu vậy, các thông số về chất lượng băng thông và năng lượng bền vững của Việt Nam đã có tăng điểm so với các năm 2016 và 2018. Tuy nhiên, so sánh với các quốc gia trong khu vực APAP, Việt Nam vẫn cần có những bước đi hiệu quả hơn nữa.

Thứ hạng của Việt Nam.

Thứ hạng của Việt Nam.

Không chỉ báo cáo của ACCA, đánh giá của thẻ điểm Điện toán đám mây toàn cầu BSA-2018 cũng cho rằng mức độ sẵn sàng áp dụng điện toán đám mây ở Việt Nam là chưa cao.

Thẻ điểm Điện toán đám mây toàn cầu BSA 2018 cũng xếp hạng mức độ sẵn sàng của các quốc gia trong việc chấp nhận và phát triển các dịch vụ điện toán đám mây, sử dụng một phương pháp mới để phản ánh chính xác về những chính sách giúp điện toán đám mây đạt được sự tăng trưởng, trong đó chú trọng hơn vào luật định của các quốc gia về bảo mật dữ liệu, an ninh cũng như hạ tầng băng thông rộng.

Các tiêu chí của thẻ điểm Điện toán đám mây gồm: Bảo mật dữ liệu, an ninh, tội phạm công nghệ cao, quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn và đồng bộ hóa quốc tế, thúc đẩy tự do thương mại (mỗi tiêu chí chiếm trọng số 12,5%), mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin và triển khai băng thông rộng (chiếm trọng số 25%). Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam ở vị trí cuối bảng (36,4%) với trọng số không đều giữa các tiêu chí như so với các quốc gia top đầu. Cụ thể hơn, tiêu chí mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin và triển khai băng thông rộng có tỉ trọng lớn nhất (8,6%) cho thấy Việt Nam có nền tảng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũng như các điều kiện về thị trường tương đối tốt để triển khai điện toán đám mây.

Tuy nhiên chính sách thúc đẩy thương mại tự do, bảo mật dữ liệu và an ninh của Việt Nam có mức điểm rất thấp: thúc đẩy thương mại tự do chỉ đạt 0,5%/12% và an ninh chỉ đạt 1,0%/12,5%, gây cản trở đến việc phát triển điện toán đám mây trên toàn quốc. Chẳng hạn, thương mại tự do chưa được thúc đẩy mạnh là yếu tố cản trở việc tiếp cận dịch vụ điện toán đám mây từ các nhà cung cấp nước ngoài trong khi dịch vụ công nghệ trong nước chưa kịp đáp ứng yêu cầu trên toàn quốc.

Thẻ điểm Điện toán đám mây toàn cầu BSA 2018.

Thẻ điểm Điện toán đám mây toàn cầu BSA 2018.

Có thể thấy, mặc dù Chính phủ đã và đang có nhiều chính sách và hành động nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đối số nói chung và quá trình áp dụng điện toán đám mây nói riêng nhưng chưa tạo ra hiệu quả và tác động mạnh mẽ.

Việt Nam và hành trang trên con đường hiện thực hoá khát vọng “lên mây”

Để hiện thực hoá những tiềm năng mà công nghệ điện toán đám mây đem lại và hạn chế những vấn đề còn tồn tại nêu trên, Việt Nam cần tiếp tục có những sự chuẩn bị kỹ lưỡng ở cả cấp độ chính sách - pháp luật và thực tiễn thi hành. Một số sự chuẩn bị cần thiết có thể kể đến như:

Thứ nhất, Việt Nam cần sớm ban hành Chiến lược dữ liệu quốc gia làm nền tảng xây dựng Chiến lược điện đoán đám mây chính phủ cũng như triển khai ứng dụng các công nghệ kĩ thuật số mới trong tương lại nhằm phản ứng nhanh với những thay đổi trên thế giới, tận dụng công nghệ để phát triển và chuyển đổi số, thực hiện mục tiêu Chính phủ kiến tạo. Đồng thời, nghiên cứu triển khai ứng dụng đám mây chung hoặc đám mây chính phủ trong quản trị dữ liệu.

Thứ hai, dựa trên cơ sở chiến lược chung về dữ liệu; một chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể hơn cho việc dịch chuyển các dịch chuyển các dịch vụ số lên ‘đám mây’ cần được xây dựng để tạo khung hành động thống nhất cho các bộ ngành, các địa phương và tổ chức thuộc khu vực công. Chính sách ưu tiên điện toán đám mây như mô hình Phillipines đang triển khai là một mô hình tốt cho Việt Nam tham khảo.

Thứ ba, về ngắn hạn, Việt Nam cũng cần đánh giá các loại hình dịch vụ công trực tuyến, các cấu thành ưu tiên trong hệ thống dịch vụ đô thị thông minh hiện nay để di chuyển lên đám mây dùng chung hoặc đám mây Chính phủ. Xác định thứ tự ưu tiên và lộ trình triển khai sẽ giúp tăng hiệu quả của đầu tư ngân sách cho dịch chuyển lên đám mây nhờ tiết kiệm được chi phí đầu tư.

Thứ tư, về mặt cơ chế tài chính, đối tác công tư trong việc xây dựng hạ tầng đám mây là ưu tiên cần được cân nhắc. Cần có hướng dẫn cụ thể đối với cơ quan Nhà nước khi vận dụng điện toán đám mây (hợp đồng đối tác công – tư hoặc thuê ngoài) trên cơ sở cân đối, phân bổ ngân sách, tránh đầu tư tràn lan, không trọng tâm dẫn đến không những không cắt giảm chi phi mà còn chồng chéo giữa công nghệ lưu trữ mới và cũ.

Hiện nay một số công tư công nghệ trong nước cũng đã bắt đầu xây dựng hệ thống dịch vụ Cloud; tuy nhiên tiến trình thuê hoặc mua sắm công với dịch vụ Cloud nên là tiến trình cạnh tranh, bình đẳng và minh bạch, mở cửa cho cả đối tác trong và ngoài nước trên cơ sở cân nhắc các tiêu chí chính về an toàn của công nghệ; tính hiệu quả; chi phí và giá thành.

Thứ năm, hầu hết các nền kinh tế APAC đều đang xem xét làn sóng công nghệ thế hệ sẽ mở ra một loạt cơ hội kinh doanh mới ví dụ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), mạng 5G. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Thậm chí, đây còn là cơ hội để Việt Nam ‘đi tắt đón đầu’ trước các nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số biện pháp hạn chế khiến dữ liệu khó di chuyển tự do và an toàn, ví dụ như các biện pháp bản địa hóa dữ liệu (yêu cầu về cư trú của dữ liệu nhằm giới hạn dữ liệu trong biên giới của một quốc gia). Trong bối cảnh đó, các chính sách và quy định cho phép dòng chảy dữ liệu tự do và an toàn qua các biên giới là điều cần thiết cho sự tăng trưởng và mở rộng của các doanh nghiệp và nền kinh tế kỹ thuật số, cũng như phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Do vậy, cần có một chính sách cân bằng được việc bảo vệ thông tin cá nhân, quyền riêng tư với việc lưu chuyển thông tin xuyên biên giới.