Kỳ họp Quốc hội lần này dự kiến diễn ra trong 24 ngày (khai mạc ngày 22/10 và bế mạc vào ngày 21/11).
Trong đó, Quốc hội dự kiến dành 1,5 ngày để xem xét quyết định nhân sự, 9,5 ngày cho các nội dung xây dựng pháp luật, 3 ngày cho chất vấn và trả lời chất vấn, và 10 ngày dành cho giám sát chuyên đề và các vấn đề khác.
Theo đó, ngay trong ngày khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội đề xuất nhân sự để bầu Chủ tịch nước.
Trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được Trung ương Đảng thống nhất tuyệt đối giới thiệu bầu cho chức danh Chủ tịch nước.
Ngày 23/10, Quốc hội sẽ tiến hành bầu để tân Chủ tịch nước tuyên thệ nhậm chức vào buổi chiều.
Trong 2 ngày 23 và 24/10, Quốc hội sẽ xem xét tờ trình của Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Trương Minh Tuấn và xem xét, phê chuẩn Bộ trưởng mới, dự kiến là quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Cũng liên quan tới vấn đề nhân sự, kỳ họp này Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Cụ thể, đó là các chức danh Phó chủ tịch nước, các lãnh đạo Quốc hội, Thủ tướng và các phó thủ tướng, 20 bộ trưởng, Tổng Kiểm toán Nhà nước, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao.
Cũng trong chương trình, kỳ họp Quốc hội lần này sẽ ra Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Đồng thời, Quốc hội sẽ thảo luận báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, và báo cáo giữa kỳ về kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020, về việc thực hiện nghị quyết về kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, và về báo cáo giữa kỳ thực hiện Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020...
Nội dung quan trọng tại kỳ họp này là dự kiến Quốc hội sẽ thông qua 9 dự án luật, trong đó đặc biệt quan trọng là Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Quốc hội cũng sẽ thảo luận, cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Liên quan tới hoạt động chất vấn, khác với những lần trước, kỳ họp Quốc hội lần này không chất vấn thành viên Chính phủ cụ thể. Mà, Quốc hội sẽ nghe và tiếp tục chất vấn trả lời của những thành viên đã trả lời chất vấn Quốc hội trong các kỳ họp trước.
Việc chất vấn sẽ diễn trong 3 ngày, bên cạnh quy định thời gian hỏi, tranh luận của mỗi đại biểu, Quốc hội cũng đề nghị thời gian trả lời chất vấn không quá 3 phút đối với chất vấn của một đại biểu, các thành viên Chính phủ có thể bổ sung ý kiến cho ý kiến của người trả lời chất vấn. ….
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu