Kênh YouTube 2 triệu lượt theo dõi của Khá “Bảnh” đã bị xóa

VietTimes – Từ trưa nay (3/4), kênh YouTube Khá Bảnh thường thu hút đến 2 triệu người theo dõi của Ngô Bá Khá đã bị xóa. Theo đó, toàn bộ hơn 400 video trên kênh Khá Bảnh không thể truy cập được. Theo thông tin từ YouTube, tài khoản này đã bị chấm dứt do vi phạm Điều khoản dịch vụ của YouTube.
Ngô Bá Khá tại cơ quan điều tra.
Ngô Bá Khá tại cơ quan điều tra.

Trước đó, Lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trong ngày 2/4, Cục đã chính thức gửi yêu cầu tới nhà cung cấp dịch vụ YouTube đề nghị khóa, hạ kênh YouTube của Khá Bảnh vì có chứa những nội dung gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng xã hội. Chỉ sau 12 giờ đồng hồ từ khi nhận được yêu cầu, Google đã khóa kênh YouTube này.

Được biết, vào ngày 1/4, Công an tỉnh Bắc Ninh đã bắt Khá cùng 4 người để điều tra hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Trong đêm 1/4, cảnh sát đã khám nhà Khá ở thị xã Từ Sơn, thu "một số giấy tờ liên quan hoạt động vay mượn tín dụng đen và lô đề". Khá khai có sử dụng ma túy và qua xét nghiệm phát hiện anh ta có phản ứng dương tính với chất cấm này.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đánh giá kênh của Khá "Bảnh" có nội dung khiến dư luận bức xúc, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội, đặc biệt là giới trẻ. "Chúng tôi đề nghị YouTube khóa ngay kênh này, không khai thác quảng cáo trên những video đã đăng tải vì cổ xúy lối sống không lành mạnh. Hơn nữa, Khá 'Bảnh' đã vi phạm pháp luật, bị công an khởi tố và bắt giữ", ông Lâm nói và cho hay việc khóa kênh có thể được thực hiện sau một ngày từ khi đề nghị được gửi đi. 

Kênh YouTube 2 triệu lượt theo dõi của Khá Bảnh không còn hiện hữu.
Kênh YouTube 2 triệu lượt theo dõi của Khá Bảnh không còn hiện hữu.

Khá được biết tới với biệt danh Khá Bảnh, đăng nhiều video có lời lẽ tục tĩu, giang hồ trên YouTube với gần 2 triệu người đăng ký theo dõi. Khá khai bắt đầu làm "video vui vẻ" trên YouTube từ năm 2017, do có lượng người xem cao nên được trả 7.000-8.000 USD một tháng, có khi đến gần 20.000 USD.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều qua (2/4), Thủ tướng đã có ý kiến rất gắt gao đối với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) liên quan đến quản lý mã độc, thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật, phản cảm, tục tĩu. Những trường hợp như thế này không thể chấp nhận được trong một xã hội lành mạnh.