IS đang bắt hàng ngàn người làm con tin ở Iraq

Hàng ngàn thường dân Iraq thuộc khoảng 1.200-1.700 gia đình đang bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bắt làm con tin bên trong TP Ramadi thuộc tỉnh Anbar với mục đích sử dụng họ làm lá chắn sống trong khi các lực lượng Iraq hôm 8-12 tái chiếm 60% thành phố này.
Lực lượng an ninh Iraq giao tranh với các tay súng IS ở ngoại ô Ramadi hồi tháng 6-2015 Ảnh: REUTERS
Lực lượng an ninh Iraq giao tranh với các tay súng IS ở ngoại ô Ramadi hồi tháng 6-2015 Ảnh: REUTERS

Các lực lượng Iraq đã bao vây Ramadi từ tháng 11, cắt đứt tuyến hậu cần cuối cùng lẫn tiếp viện của IS vào đây. Cuộc sống của người dân Ramadi cũng vì thế mà thiếu thốn hơn nhiều. Tiếp xúc với phóng viên Reuters, những cư dân may mắn trốn thoát kể điều kiện sống trong thành phố trở nên cực kỳ tệ hại sau khi bị IS chiếm đóng hồi tháng 5 năm ngoái. 

“Phiến quân IS có thái độ hằn thù và ngờ vực hơn. Chúng tôi cảm thấy như sống trong cái cũi kín mít” - Abu Ahmed, một cư dân Ramadi, bày tỏ. Từ tuần trước, chính phủ Iraq hối thúc người dân rời Ramadi nhưng IS đã dựng thêm chốt kiểm soát để chặn lại. Thân nhân của những người bỏ trốn bị bắt lại đều có nguy cơ mất mạng.

Liên tục bị tấn công ở Iraq và Syria nhưng IS không ngừng tuyển mộ chiến binh mới từ nước ngoài. Gần đây, chúng công bố bài hát bằng tiếng Quan Thoại trên website Jihadology với nội dung kêu gọi các tín đồ đạo Hồi ở Trung Quốc cầm lấy vũ khí, hy sinh thân mình trên chiến trường. 

Theo báo Irish Times (Ireland), hiện có khoảng 300 công dân Trung Quốc chiến đấu trong hàng ngũ của IS. Ông Chu Vĩnh Bưu, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Á thuộc Trường ĐH Lan Châu, xác nhận với Thời báo Hoàn cầu rằng IS xem Trung Quốc là một trong những kẻ thù chính bởi Bắc Kinh không chỉ mạnh tay trấn áp “khủng bố” ở khu tự trị Tân Cương mà còn kêu gọi hợp tác quốc tế chống IS.

Ngoài ra, trong số lính đánh thuê cho IS có ít nhất 600 người đến từ Đông Nam Á, chủ yếu là các nước Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines, theo báo cáo của Công ty Tư vấn Chiến lược quốc tế Soufan Group (Mỹ). Ban đầu, những người này muốn đến Syria chiến đấu hơn là được huấn luyện để quay về quê nhà thánh chiến. 

Tuy nhiên, bản báo cáo cho hay vụ khủng bố liên hoàn ở Paris - Pháp hôm 13-11 cho thấy xu hướng ngược lại đang nổi lên. Đặc biệt, có 4.700 người đến từ Nga và các quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang đầu quân cho IS ở Syria và Iraq. Trong số đó, 2.400 người có hộ chiếu Nga trong khi cách đây nửa năm, con số này chỉ là 800.

Một diễn biến khác, tại cuộc họp của các phe phái đối lập và nổi dậy Syria ở Ả Rập Saudi ngày 9-12, nhóm Hồi giáo Ahrar al-Sham hùng mạnh (có liên hệ với al-Qaeda) tuyên bố Tổng thống Bashar al-Assad phải đối mặt với công lý và các thể chế áp bức ở Syria phải bị triệt hạ. Nỗ lực thống nhất lực lượng đối lập Syria cũng có thể là chủ đề chính tại hội nghị về tiến trình hòa bình Syria, dự kiến diễn ra ở New York  - Mỹ vào ngày 18-12 tới.

Theo NLĐ