Sau lệnh cấm toàn diện của Mỹ, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi trấn an các nhà đầu tư vào cuối tuần qua rằng Huawei “đã chuẩn bị sẵn sàng” cho kịch bản xấu nhất.
Mặc dù bị cắt nguồn cung ứng linh kiện từ các công ty Mỹ như Qualcomm, Intel hay Micron; nhưng “đà tăng trưởng [của Huawei] chỉ chậm lại đôi chút” nhờ sở hữu HiSilicon, công ty con chịu trách nhiệm thiết kế vi xử lý tích hợp (SoC) Kirin và chip modem Balong cho các mẫu smartphone cao cấp.
Ngoài ra, Chủ tịch HiSilicon Teresa He Tingbo cũng tự tin tuyên bố sẽ “tự lực” vượt qua khó khăn. “Chúng tôi [HiSilicon] thực sự đã thấy sự cố này từ cách đây nhiều năm và đã chuẩn bị kế hoạch dự phòng”, ông He Tingbo cho biết trong bức thư ngỏ gửi tới nhân viên.
Mặc dù lãnh đạo của Huawei và HiSilicon không thừa nhận, nhưng thật khó để tin rằng lệnh cấm của Mỹ không phải vấn đề lớn đối với Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.
Tuần qua, Bộ Thương mại Mỹ đã bổ sung 68 chi nhánh Huawei trên 26 quốc gia vào “danh sách đen” hạn chế xuất khẩu. Theo đó, tất cả đối tác Mỹ của Huawei sẽ phải được chính phủ cấp phép nếu muốn tiếp tục giao dịch với công ty Trung Quốc.
Đối với Mỹ, Huawei được coi như hiểm họa an ninh quốc gia. Chính quyền Trump lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng smartphone và thiết bị viễn thông cho mục đích do thám người dùng và các công ty Mỹ.
Ngược lại, Huawei vẫn cương quyết phủ nhận cáo buộc trên. Thậm chí, Chủ tịch luân phiên Huawei Liang Hua đã chủ động đề xuất ký kết thỏa thuận “không gián điệp” với bất kỳ quốc gia nào.
Mạnh nhưng chưa thể "tự lực" hoàn toàn
Giám đốc điều hành mảng điện tử tiêu dùng Huawei, ông Richard Yu giới thiệu chip modem Balong 5000 hỗ trợ đồng thời 2G, 3G, 4G và 5G. Ảnh: Forbes
|
Thống kê trong năm 2018 cho thấy Huawei đã chi tổng cộng 11 tỷ USD để mua vật tư từ các nhà sản xuất linh kiện bán dẫn Mỹ như Qualcomm, Intel và Micron. Các chuyên gia của Reuters nhận định hiện chưa có nhà cung cấp nào ở Đại lục đủ khả năng thay thế các công ty Mỹ trong ít nhất vài năm tới.
“Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu HiSilicon có thể tự làm được điều đó [SoC và chip modem] mà không cần tới bất kỳ nhà cung cấp nào ở Mỹ”, nhà phân tích Linda Sui (Strategy Analytics) nói.
Bên cạnh đó, nhà phân tích Mike Demler (Linley Group) tin rằng HiSilicon đang thiết kế các con chip dựa trên phần mềm của công ty Mỹ như Cadence Design System và Synopsys. Hai phần mềm này cho phép HiSilicon có thể thử nghiệm trên mô hình ảo trước khi đưa vào sản xuất, qua đó quá trình phát triển rút ngắn nhiều tháng .
Để sản xuất thiết bị mới, Huawei vẫn sẽ cần tới linh kiện và các thành phần từ Mỹ, chưa kể công ty vừa bị Google chấm dứt quan hệ đối tác.
Trên “phiên bản tiếp theo” (Android Q), thiết bị Huawei sẽ không được quyền truy cập Google Play Store và Google Play Services, 2 dịch vụ tối quan trọng mở ra thế giới hàng tỷ ứng dụng Android, bao gồm những ứng dụng phổ biến như Gmail và Google Maps.
Kể từ tháng 8/2018, một nguồn tin rò rỉ cho biết Huawei đang phát triển hệ điều hành thay thế Android, để đề phòng sự cố xảy ra. Trong khoảng thời gian hoàn thiện hệ điều hành mới, công ty có thể sẽ buộc phải sử dụng một phiên bản Android biến thể.
Một phiên bản Android thiếu hệ sinh thái dịch vụ Google rất khó được người dùng chấp nhận, đặc biệt tại Châu Âu. Ảnh: Ars Technica
|
Hậu quả tức thời của lệnh cấm khiến các chuyên gia nghi ngờ khả năng Huawei lật đổ sự thống trị của Samsung trên thị trường smartphone toàn cầu vào cuối năm 2019. Hiện tại, cả Huawei và Honnor vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực tới nghiệp vụ smartphone, việc Huawei bị đưa vào Danh sách Đối tượng (Entity List) sẽ tiếp tục tác động đến mảng sản xuất thiết bị viễn thông, khi mà công ty Trung Quốc vẫn sử dụng công nghệ truyền dẫn tín hiệu có nguồn gốc Mỹ, từ các công ty như NeoPhotonics, Lumentum và Finisar.
Tới nay, chưa thể khẳng định lệnh trừng phạt nhằm vào Huawei vì lý do an ninh, hay thực tế là đòn bẩy trong cuộc đám phán thương mại với Trung Quốc trong tương lai. Tuy nhiên, Washington chắc chắn sẽ yêu cầu Bắc Kinh nhượng bộ, nếu muốn vòng kìm kẹp đối với Huawei được nới lỏng.
Theo Phone Arena