Hơn 20.000 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam: Báo động làn sóng dịch COVID-19 mới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thời gian qua đã có hơn 20.000 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Con số này báo động nguy cơ tiếp tục lây lan dịch bệnh COVID-19 vào nước ta. 

Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh – Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Ảnh: Minh Thuý)
Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh – Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Ảnh: Minh Thuý)

Thông tin trên được Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh – Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng – cho biết tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do Bộ Y tế tổ chức vào sáng nay (24/11).

Nhiều người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam

Thông tin về việc giám sát dịch COVID-19 xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam, Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh – cho hay: Thực tế, đời sống kinh tế của một bộ phận người dân ở khu vực biên giới gặp khó khăn, nhiều người không có việc làm phải tìm kế mưu sinh. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều người nhập cảnh trái phép vào nước ta, đặc biệt, có không ít người Trung Quốc cư trú trái phép ở Việt Nam vì sợ dịch COVID-19.

Theo ông Hạnh, hầu hết những người xuất, nhập cảnh trái phép đều thông qua các trang mạng xã hội, ứng dụng Facebook, Zalo để móc nối với các đối tượng cầm đầu. Đối tượng cầm đầu sẽ thuê xe ôm, taxi đưa người nhập cảnh trái phép vào nước ta. Sau khi đạt được mục đích, người xuất, nhập cảnh trái phép sẽ thanh toán chi phí xuất, nhập cảnh qua tài khoản cá nhân.

“Thống kê của Bộ đội Biên phòng cho thấy, thời gian qua đã có tới 20.161 người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và 8.340 công dân Việt Nam đã được các nước trao trả qua cửa khẩu. ” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh nói.

Hiện, Bộ đội Biên phòng đang quản lý hơn 5.000 km đường biên giới đất liền cùng 3.000 km bờ biển với địa hình phức tạp, nhiều đường mòn, kênh rạch. Địa hình biên giới phức tạp đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng nhập cảnh trái phép. Vì thế, thời gian tới, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng sẽ siết chặt quản lý đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp xuất, nhập cảnh, không để dịch bệnh lây lan vào nước ta.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Minh Thuý)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Minh Thuý)

Trước tình trạng nhiều người xuất, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bộ Tư lệnh Biên phòng, các tỉnh biên giới phải tăng cường kiểm soát với người nhập cảnh, xử lý nghiêm các trường hợp xuất, nhập cảnh trái phép, đồng thời, tăng cường giáo dục, quản lý người dân ở biên giới, không để xảy ra tình trạng người nhập cảnh trái phép trà trộn thành người Việt Nam.

“Việc kiểm soát chặt chẽ người dân nhập cảnh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Các đơn vị phải tăng cường kiểm soát đường hàng không, đường thuỷ. Các tỉnh có đường biện giới, cảng biển phải đặc biệt lưu ý việc kiểm soát người xuất, nhập cảnh” – ông Long nhấn mạnh.

Thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, ngay trong sáng nay (24/11), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký Chỉ thị tăng cường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sắp tới trong nước sẽ diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện chính trị quan trọng nên Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch COVID-19; người đứng đầu các cơ quan, đơn vị y tế phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm chỉ đạo, hướng dẫn về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục thực hiện đánh giá theo Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Trên cơ sở đó rà soát các vấn đề không an toàn và các nguy cơ tiềm ẩn được phát hiện, xây dựng kế hoạch khắc phục, giải pháp can thiệp nhằm tăng cường năng lực phòng, chống dịch, cập nhật các tiêu chí an toàn COVID-19 đối với các cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế lên bản đồ chung sống an toàn COVID-19.

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân khai báo y tế (Ảnh: Bộ Y tế)

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân khai báo y tế (Ảnh: Bộ Y tế)

Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện phải duy trì tổ chức thực hiện nghiêm các quy trình về sàng lọc, phân loại, phân luồng; đảm bảo công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện, tuyệt đối không để lây nhiễm chéo trong bệnh viện, đặc biệt tại các khoa điều trị bệnh nhân nặng; tiếp tục đảm bảo công tác quản lý chất thải, vệ sinh môi trường,...

Cùng với đó, các bệnh viện cần tiếp tục mở rộng xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân tại khoa điều trị bệnh nhân nặng, nhân viên y tế; tăng cường tập huấn công tác xét nghiệm, điều trị, sử dụng trang thiết bị máy thở, máy lọc máu và các thiết bị khác phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.

Bệnh viện cũng phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh; yêu cầu tất cả các nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà đến thăm, chăm sóc phải cài đặt và bật ứng dụng truy vết, ứng dụng khai báo y tế nếu sử dụng điện thoại thông minh; phân luồng ưu tiên đối người đến khám.

Ngoài ra, bệnh viện cần mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký lịch khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, khám bệnh từ xa; cập nhật phác đồ điều trị, dự trữ thuốc, vật tư, thiết bị chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19; chuẩn bị cơ sở điều trị dự phòng khi dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn, khi phong tỏa bệnh viện.

Khu vực cách ly (Ảnh: Minh Thuý)

Khu vực cách ly (Ảnh: Minh Thuý)

Đối với các đơn vị y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm các quy trình về quản lý nhập cảnh, kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu; yêu cầu tất cả người nhập cảnh bắt buộc phải khai báo y tế; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh; phân loại các trường hợp cách ly theo quy định ngay tại cửa khẩu; theo dõi, cập nhật tình hình sức khỏe của người nhập cảnh hằng ngày trong thời gian cách ly, giám sát; rà soát, kiểm tra chặt chẽ giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 đối với tất các các trường hợp là chuyên gia nhập cảnh từ nước ngoài.

Ngoài ra, các đơn vị y tế dự phòng cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại cộng đồng; khoanh vùng, cách ly kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng, triển khai tốt các hoạt động y tế trong khu vực cách ly.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu c ác đơn vị y tế dự phòng chuẩn bị kế hoạch xét nghiệm trên diện rộng khi có yêu cầu về phòng, chống dịch; tổ chức tập huấn, tăng cường đội ngũ lẫy mẫu xét nghiệm, nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, đáp ứng nhanh khi có tình huống dịch bệnh xảy ra.

Các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hoặc cơ quan, đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân công quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế cần xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhập khẩu; phối hợp lấy mẫu, xét nghiệm các thực phẩm từ nguồn nhập khẩu trên địa bàn để xác định, đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh, thành phố phải tham mưu cho chính quyền địa phương chỉ đạo việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, thành phố; huy động đầu tư nguồn lực, thực hiện phương châm 4 tại chỗ khi dịch xảy ra trên địa bàn.

Cùng với đó, Sở Y tế cần tiếp tục chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh; xét nghiệm cho người nhập cảnh theo quy định, tuyệt đối không để lây nhiễm trong các cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng, đặc biệt khi thực hiện cách ly tại các cơ sở lưu trú, khách sạn hay các đơn vị cách ly ngoài quân đội; xử lý nghiêm các trường hợp khai báo y tế không trung thực, không thực hiện cách ly theo quy định; kiểm tra, giám sát, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện các biện pháp nhằm phòng, chống lây nhiễm COVID-19 từ nguồn thực phẩm nhập khẩu.

Đối với các Viện nghiên cứu, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các Viện tiếp tục rà soát, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu các biện pháp chuyên môn kỹ thuật về giám sát, đáp ứng chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình dịch và tiến bộ kỹ thuật của các nước trên thế giới; tiếp tục hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ các địa phương thực hiện các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về giám sát phát hiện, khoanh vùng dập dịch, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.

Đáng chú ý, Bộ trưởng yêu cầu các viện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19, các phương pháp xét nghiệm mới để sàng lọc, xác định virus SARS-CoV-2; tập trung hợp tác quốc tế với các quốc gia đã có kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng bệnh COVID-19.