Với e-FlashCard, người dùng chỉ cần lắc cổ tay để học từ vựng. Ảnh: NVCC |
Chiếc thẻ điện tử e-FlashCard là thành quả sau 40 tiếng đồng hồ làm việc miệt mài của 6 bạn trẻ đang học tập và làm việc trong ngành công nghệ thông tin là: Nguyễn Anh Dũng, Võ Thành Đạt, Đặng Công Tân, Đoàn Ánh, Ngô Thiện Đức và Nguyễn Thị Vân Quỳnh tại cuộc thi Mobile Hackathon 2017.
“Ý tưởng về e-FlashCard ra đời từ việc luyện học thi tiếng Nhật của mình. Khi học tiếng Nhật, người học phải tra hàng chục chữ Kanji (Hán tự - PV) trong bài đọc hiểu bằng cách viết tay từng nét từ đó trên ứng dụng ở từ điển ở điện thoại, điều này rất tốn thời gian và công sức của người học. Chính vì vậy mà mình nghĩ đến một ứng dụng có thể giúp tra cứu tất cả các từ vựng một cách nhanh nhất”, bạn Nguyễn Anh Dũng, trưởng nhóm, cho biết.
Cấu trúc của e-FlashCard gồm 1 thẻ điện tử flashcard tích hợp trên điện thoại (phần mềm) và 1 thiết bị điện tử đeo tay (phần cứng). Trong đó, phần cứng của thiết bị là bo mạch chủ được thiết kế để mở rộng tính năng của mạch máy tính nhúng Raspberry Pi Zero. Phần cứng này gồm gồm mạch nguồn sạc, mạch khuếch đại âm thanh, mạch vi điều khiển và cảm biến gia tốc góc. Còn phần mềm của thiết bị được xây dựng trên nền tảng hệ điều hành Linux, và viết bằng ngôn ngữ lập trình java và python.
Để sử dụng thiết bị, người sử dụng chỉ cần cầm thẻ điện tử lên, lắc tay qua phải để xem từ tiếp theo hoặc lắc qua trái để xem từ trước đó, ngửa thẻ nhẹ về trước để hiện nghĩa của từ, úp thẻ về phía mình để giấu nghĩa dịch và phiên âm của từ đó đi.
Giao diện của e-FlashCard trên điện thoại. Ảnh: NVCC
Khi thiết bị hoạt động, cảm biến gia tốc góc sẽ đo góc nghiêng quanh 2 trục quay của cử động cổ tay cầm, rồi truyền tín hiệu về ứng dụng trên nền tảng java để thực hiện các chức năng nói trên.
Bộ sản phẩm e-FlashCard được hy vọng sẽ cải thiện phương pháp học thẻ từ vựng bằng giấy truyền thống, giúp người học tiếp thu các loại ngôn ngữ khác nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả, giúp tăng tốc quá trình học từ mới.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu, do thời gian hoàn thành sản phẩm chỉ có 2 ngày nên thiết bị vẫn còn nhiều điểm phải cải thiện như: cần tích hợp thêm tính năng phát âm và hình ảnh gợi nhớ từ vựng khi học, cải thiện kích thước của thẻ điện tử và nâng cấp server lưu dữ liệu.
“Trước mắt, nhóm em dự định sẽ hoàn thiện ứng dụng e-FlashCard chạy trên hệ điều hành iOS và Android để cộng đồng học ngoại ngữ có thể sớm được sử dụng. Sau đó sẽ cải thiện sản phẩm chuyên dụng e-FlashCard, phát triển thêm ý tưởng các sản phẩm iOT Flashcard khác để ứng dụng trong việc dạy học”, Dũng cho hay.
Tại cuộc thi Mobile Hackathon 2017, ý tưởng về chiếc thẻ điện tử e-FlashCard đã giành giải Toàn diện - Giải thưởng cao nhất của cuộc thi.
Chia sẻ về hành trình của dự án tại tại cuộc thi Mobile Hackathon 2017, Dũng cho biết: “Khó khăn nhất đối với nhóm khi thực hiện dự án tại cuộc thi Mobile Hackathon 2017 chính là áp lực về thời gian, chỉ có 40 giờ đồng hồ để các thành viên hoàn thành sản phẩm, trong đó phải lập trình liên tục không ngủ để sản phẩm hoạt động được. Nhờ sự góp ý từ các cố vấn của cuộc thi là anh Nguyễn Trình và anh Phạm Cao Khôi và sự hỗ trợ từ bạn Võ Như Phương Thảo - người đồng hành của nhóm tại cuộc thi mà sản phẩm cuối cùng đã được hoàn thiện”.
Tại cuộc thi Mobile Hackathon 2017, ý tưởng về chiếc thẻ điện tử e-FlashCard đã giành giải Toàn diện - Giải thưởng cao nhất của cuộc thi. Đây là cuộc thi do cộng đồng Google Developer Miền Trung (GDG MienTrung) phối hợp với Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng tổ chức, trong đó mỗi sản phẩm dự thi được yêu cầu phải áp dụng ít nhất một công nghệ của Google để vận hành.