Theo nguồn tin của VietTimes, bộ SGK công nghệ giáo dục gửi lên Hội đồng thẩm định SGK đã có sự chỉnh sửa, bổ sung đúng theo chương trình giáo dục giáo dục phổ thông 2018.
Cụ thể mỗi cuốn sách đều đáp ứng tính “đúng và “đủ” của chương trình – làm theo quy trình biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo về mặt nội dung cũng như kết quả cần đạt về năng lực, phẩm chất của học sinh.
Bộ SGK công nghệ giáo dục đã chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định. Ảnh: Minh Thúy
|
Bản thuyết minh SGK Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục cho thấy, mục đích biên soạn sách nhằm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TƯ của Ban chấp hành Trung ương Đảng về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.
Bản thuyết minh SGK Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục. Ảnh: Minh Thúy
|
SGK Tiếng việt 1 công nghệ giáo dục không chỉ hiện thực hóa chương trình giáo dục phổ thông mới theo tinh thần Thông tư ban hành chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT mà còn tham gia đóng góp cho công cuộc đổi mới chương trình và SGK hiện hành.
Đối tượng sử dụng là học sinh đến tuổi vào lớp 1 tại các trường tiểu học trên cả nước; giáo viên, các nhà quản lý bậc phổ thông; giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên các trường sư phạm; phụ huynh học sinh có con học lớp 1 và các phụ huynh quan tâm.
Với 4 cuốn: Tiếng Việt 1, tập 1, Âm – Chữ - Công nghệ giáo dục; Tiếng Việt 1, tập 2 – Vần – Công nghệ giáo dục; Tiếng Việt 1, tập 3 – Luyện tập tổng hợp và Tiếng Việt 1, tập 4 – Tự học, SGK Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục giúp hình thành chân dung người học với đầy đủ các phẩm chất, năng lực chung cũng như các năng lực cơ bản (năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học) ngay từ lớp 1.
Cận cảnh 3 cuốn sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục tập 1,2,3 với màu sắc, hình ảnh bắt mắt. Ảnh: Minh Thúy
|
Mỗi tuần, học sinh học 12 tiết Tiếng Việt, trong đó có 10 tiết học theo 1 trong 3 cuốn sách đầu, 2 tiết học theo cuốn sách tự chọn. Tổng số tiết học là 420 tiết.
SGK Toán 1 công nghệ giáo dục gồm 2 cuốn: Toán tập 1 và Toán tập 2. Cùng với đó là cuốn Đạo đức 1 công nghệ giáo dục.
Sách Toán 1 công nghệ giáo dục. Ảnh: Minh Thúy
|
Sách Đạo đức 1 công nghệ giáo dục. Ảnh: Minh Thúy
|
Hé lộ một số trang bản thảo sách Đạo đức 1 công nghệ giáo dục. Ảnh: Minh Thúy
|
Trao đổi với PV VietTimes, GS. Hồ Ngọc Đại cho hay: Bộ SGK công nghệ giáo dục đã thay đổi triệt để nội dung, cũng như phương pháp dạy học của giáo viên và học sinh. Bộ sách là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, có thực nghiệm với 2 vấn đề cốt lõi chính: thay đổi về mặt lý thuyết và thay đổi công nghệ thực thi.
GS. Hồ Ngọc Đại - "Cha đẻ" của bộ SGK công nghệ giáo dục. Ảnh: Minh Thúy
|
“Từ trước tới nay giáo dục chưa có công nghệ. Vì thế khi tiếp cận với SGK công nghệ giáo dục, học sinh học gì được nấy, học đâu chắc đấy.” – GS. Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Như VietTimes đã đưa tin, sau khi lắng nghe ý kiến trao đổi của GS. Hồ Ngọc Đại và PGS. TS. Nguyễn Kế Hào tại buổi đối thoại do Bộ GD&ĐT tổ chức, PGS. TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán - cho biết: Hội đồng thẩm định đã có quá trình làm việc nghiêm túc với thái độ công bằng, khách quan, không hề có sức ép. Do đó, quá trình thẩm định SGK là công tâm, chính xác. Vì thế, kết luận của Hội đồng thẩm định đảm bảo độ tin cậy cần thiết. SGK mới phải viết theo chương trình mới và được quán triệt theo nội dung, tinh thần của chương trình.
PGS. TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán. Ảnh: Minh Thúy
|
Theo GS. Trần Đình Sử, môn Tiếng Việt không phải là một môn khoa học, mà là môn học giúp học sinh đọc, hiểu bài văn. Ý niệm của GS. Hồ Ngọc Đại trong SGK Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục là không chính xác.
GS. Trần Đình Sử. Ảnh: Minh Thúy
|
Mặc khác, do GS. Hồ Ngọc Đại không viết sách theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên mặc dù rất hay nhưng đến thời điểm hiện tại là không phù hợp. Vì thế, bộ SGK công nghệ giáo dục phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, thì mới có thể được Hội đồng thẩm định thông qua.