GS. Hồ Ngọc Đại: Bộ SGK công nghệ giáo dục dùng chương trình mới theo tinh thần mới!

VietTimes -- Bộ sách giáo khoa (SGK) công nghệ giáo dục là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh, có thực nghiệm. Bộ sách dùng chương trình mới theo tinh thần mới, triết lý mới và phù hợp với trẻ em hiện đại.
GS. Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Minh Thúy
GS. Hồ Ngọc Đại. Ảnh: Minh Thúy

Thông tin trên được GS. Hồ Ngọc Đại cho biết tại buổi gặp gỡ, trao đổi, đối thoại về bộ SGK công nghệ giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (3/1).

Một công trình nghiên cứu khoa học

“Hôm nay tôi đến họp với ý định duy nhất là để xác nhận bộ SGK công nghệ giáo dục. Khi bộ sách bị loại, tôi không oán trách Hội đồng thẩm định, vì họ đã làm theo đúng trách nhiệm của mình. Bộ SGK công nghệ giáo dục là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm chỉnh, có thực nghiệm. Tôi đã bỏ ra 40 năm để xây dựng, hoàn thiện bộ sách. Trước đó, tôi đã thực nghiệm phương pháp dạy học tại Nga.” – GS. Hồ Ngọc Đại nói.

Trong giáo dục có 2 vấn đề chính cần phải giải quyết. Đó là dạy cho trẻ em cái gì và làm thế nào để trẻ có được kiến thức. Để xác định được 2 vấn đề này phải dựa vào quan điểm lịch sử, triết học trên cơ sở khoa học.

GS. Hồ Ngọc Đại trao đổi tại buổi gặp gỡ, đối thoại với Bộ GD&ĐT
GS. Hồ Ngọc Đại trao đổi tại buổi gặp gỡ, đối thoại với Bộ GD&ĐT 

GS. Hồ Ngọc Đại khẳng định: Bộ SGK công nghệ giáo dục dùng chương trình mới theo tinh thần mới, triết lý mới và phù hợp với trẻ em hiện đại.

Không chỉ vậy, công nghệ là quá trình thực thi, nếu không có công nghệ thì không có sự tiến bộ. Với bộ SGK công nghệ giáo dục, học sinh tự mình làm ra sản phẩm giáo dục chứ không phải nghe giảng, các em được là chính mình, phát huy mọi năng lực và phẩm chất của bản thân.

Tại buổi gặp mặt, PGS. TS. Nguyễn Kế Hào tiếp tục đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT rà soát lại việc thẩm định SGK nói chung, đánh giá lại chương trình thực nghiệm nói riêng, tiếp tục tổ chức đối thoại trên tinh thần cầu thị, xây dựng. Bởi bộ SGK công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại là một bộ sách tốt, tạo điều kiện phát huy khả năng của mỗi học sinh, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong quá trình dạy học, từ miền núi cho đến đồng bằng, chống tái mù.

PGS. TS. Nguyễn Kế Hào - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT)
PGS. TS. Nguyễn Kế Hào - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) 

Vừa qua, Hội đồng thẩm định SGK của Bộ GD&ĐT đã tiến hành thẩm định 6 bộ SGK, trong đó 5 bộ sách đã được đánh giá là đạt và được Bộ GD&ĐT thông qua, đồng ý sử dụng trong năm học mới. Chỉ có duy nhất bộ SGK công nghệ giáo dục bị loại. Điều này là không bình thường khiến dư luận xã hội quan tâm và nhiều người bức xúc.

Bộ SGK công nghệ giáo dục gồm sách: Tiếng Việt 1, Toán 1, Đạo đức 1. Bộ sách này không nên loại bỏ và cần xem xét về nhiều mặt.

Theo PGS. TS. Nguyễn Kế Hào, Bộ GD&ĐT nên đổi mới tư duy, vận dụng những tiêu chí trong quá trình thẩm định SGK một cách linh hoạt hơn, đảm bảo bản sắc riêng của mỗi bộ sách.  

Hội đồng thẩm định nói gì?

Sau khi lắng nghe ý kiến trao đổi của GS. Hồ Ngọc Đại và PGS. TS. Nguyễn Kế Hào, PGS. TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán - cho biết: Hội đồng thẩm định đã có quá trình làm việc nghiêm túc với thái độ công bằng, khách quan, không hề có sức ép. Do đó, quá trình thẩm định SGK là công tâm, chính xác. Vì thế, kết luận của Hội đồng thẩm định đảm bảo độ tin cậy cần thiết. Theo tôi, SGK phải viết theo chương trình. SGK mới phải viết theo chương trình mới và được quán triệt theo nội dung, tinh thần của chương trình.  

PGS. TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán
PGS. TS. Trần Kiều – Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn Toán

Về bộ SGK công nghệ giáo dục, trong hầu hết các phần, sách Toán công nghệ giáo dục đều lấy từ các lớp trên nên rất khó đối với học sinh, khiến khung cấu trúc của chương trình môn toán bị đảo lộn. Không chỉ vậy, SGK Toán công nghệ giáo dục có tới 160 lỗi.

Theo GS. Trần Đình Sử, môn Tiếng Việt không phải là một môn khoa học, mà là môn học giúp học sinh đọc hiểu bài văn. Ý niệm của GS. Đại trong SGK Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục là không chính xác.

GS. Trần Đình Sử
GS. Trần Đình Sử

Mặc khác, do GS. Hồ Ngọc Đại không viết sách theo chương trình mới GDPT 2018, nên mặc dù rất hay nhưng đến thời điểm hiện tại là không phù hợp. Vì thế, bộ SGK công nghệ giáo dục phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chương trình GDPT 2018,\H thì mới có thể được Hội đồng thẩm định thông qua.

GS. Mai Ngọc Chừ - Đại diện Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt - cho hay: GS. Hồ Ngọc Đại nên sửa bộ sách đúng theo chương trình GDPT năm 2018. Tôi mong muốn GS. Hồ Ngọc Đại có thể chỉnh sửa lại SGK công nghệ giáo dục để sang năm có thêm một bộ SGK mới, đáp ứng yêu cầu một chương trình nhiều SGK.

GS. Mai Ngọc Chừ - Đại diện Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt
GS. Mai Ngọc Chừ - Đại diện Hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt

Trao đổi về bộ SGK công nghệ giáo dục, PGS. TS. Lê Anh Vinh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – chia sẻ: Thực tế, nhiều ý kiến cho rằng SGK công nghệ giáo dục khó dạy, khó dùng là không đúng.

Bởi khi được học SGK công nghệ giáo dục, học sinh không tái mù, có thể đọc thông viết thạo. Về cách thiết kế tổ chức dạy học, bộ SGK công nghệ giáo dục không chỉ giúp việc tổ chức dạy học trở nên chủ động, tích cực, mà còn lan tỏa thông điệp vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Đó là: Thầy thiết kế, trò thi công, mỗi ngày đi học là một ngày vui,…

PGS. TS. Lê Anh Vinh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
PGS. TS. Lê Anh Vinh – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Theo PGS. TS. Lê Anh Vinh, bộ SGK lớp 1 có thể điều chỉnh để trực quan hơn đối với học trò. Nếu có sự điều chỉnh thì cuốn sách sẽ tốt hơn bởi bộ sách đã được nhiều phụ huynh học sinh đón nhận.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến

Sau khi lắng nghe những ý kiến trao đổi thẳng thắn giữa tác giả bộ SGK công nghệ giáo dục và Hội đồng thẩm định SGK, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trong quá trình thẩm định SGK, Hội đồng đã làm việc rất nghiêm túc, minh bạch, khách quan và có góp ý để lựa chọn được những bộ sách tốt.

Bộ GD&ĐT đã thống nhất tinh thần tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện xã hội hóa SGK theo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK GDPT để huy động mọi nguồn lực trong xã hội tham gia viết sách.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ

Việc thẩm định SGK nhằm công bố cho xã hội bộ sách đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí. Các bộ sách phải lấy chương trình làm gốc để giúp giáo viên có hướng đi đúng trong dạy và học. Nếu Bộ GD&ĐT có các thẩm định khác với bộ SGK công nghệ giáo dục thì sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các bộ sách.

Toàn cảnh buổi gặp gỡ, trao đổi, đối thoại
Toàn cảnh buổi gặp gỡ, trao đổi, đối thoại 

Theo tôi, các tác giả, Chủ tịch hội đồng đã có khuyến nghị với GS. Đại nên điều chỉnh cuốn sách để phù hợp hơn với học sinh. Bộ GD&ĐT khuyến khích bộ sách chỉnh sử và thực hiện theo chương trình GDPT 2018.

Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến để báo cáo Chính phủ. Các thành viên Hội đồng thẩm định đều mong muốn bộ SGK công nghệ giáo dục có sự điều chỉnh phù hợp.

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Kế Hào cho hay: Ý kiến của Thứ trưởng chưa thực sự thỏa đáng. Chương trình công nghệ giáo dục không phải là chương trình cải cách năm 1991, cũng không phải là chương trình năm 2002, mà là chương trình phù hợp với quan điểm hiện nay. Lãnh đạo Bộ cần đổi mới tư duy và xem lại những quy định của Bộ. Tôi sẽ tiếp tục có ý kiến lên cấp trên để trao đổi về bộ SGK công nghệ giáo dục.