Theo GS. Hồ Ngọc Đại, Bộ GD&ĐT đã thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ khi tổ chức buổi gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với tác giả bộ SGK công nghệ giáo dục.
“Trong buổi gặp gỡ vào ngày mai, tôi không hy vọng có thể thuyết phục được Bộ GD&ĐT công nhận bộ SGK công nghệ giáo dục, nhưng tôi mong muốn có thể truyền tải tinh thần, tư tưởng, cách làm, thông điệp của bộ sách đến với công luận cũng như cách cư xử của Hội đồng thẩm định đối với bộ sách.” – GS. Hồ Ngọc Đại nói.
Bộ SGK công nghệ giáo dục đã thay đổi triệt để nội dung cũng như phương pháp dạy học của giáo viên và học sinh. Bộ sách là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, có thực nghiệm với 2 vấn đề cốt lõi chính: thay đổi về mặt lý thuyết và thay đổi công nghệ thực thi.
“Từ trước tới nay giáo dục chưa có công nghệ. Vì thế khi tiếp cận với SGK công nghệ giáo dục, học sinh học gì được nấy, học đâu chắc đấy.” – GS. Hồ Ngọc Đại nhấn mạnh.
Văn bản của Bộ GD&ĐT về việc mời GS. TSKH. Hồ Ngọc Đại và PGS. TS. Nguyễn Kế Hào tham dự gặp gỡ, trao đổi, đối thoại
|
Thực tế, sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục đã có ít nhất hai lần “chữa cháy” cho Bộ GD&ĐT. Lần đầu tiên là vào năm 1985, triển khai cải cách giáo dục, có hơn 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban. Lần thứ hai, là khi học sinh đọc được thì sau hè lại quên.
Chính vì vậy, SGK công nghệ giáo dục đảm bảo trẻ dù có sinh ra ở bất kỳ nơi nào trên Tổ quốc Việt Nam, dù thuộc dân tộc nào, có đi mẫu giáo hay không,… miễn là 6 tuổi đi học, học Tiếng Việt công nghệ giáo dục thì đến hết năm sẽ đọc thông viết thạo, viết đúng chính tả và không thể tái mù.
Như VietTimes đã đưa tin, trước đó, tại cuộc họp công bố quyết định phê duyệt danh mục SGK lớp 1 do Bộ GD&ĐT tổ chức (22/11), TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - cho biết, đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến phản hồi nào từ GS. Hồ Ngọc Đại – tác giả bộ SGK công nghệ giáo dục.
Theo ông Tài, sau khi nhận được bức tâm thư của PGS. TS. Nguyễn Kế Hào thay mặt cho Trung tâm Công nghệ giáo dục kiến nghị về bộ SGK công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời, đồng thời, gửi báo cáo tới Thủ tướng Chính Phủ về bộ sách này.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã nêu rõ lý do vì sao bộ SGK công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại bị loại.
Sau khi bộ SGK công nghệ giáo dục bị loại ngay từ vòng đầu thẩm định, lý do được Hội đồng thẩm định đưa ra đó là bộ sách không khớp theo yêu cầu trong Thông tư của Bộ GD&ĐT về ban hành quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK. Theo Hội đồng thẩm định, so với chương trình SGK mới, bộ SGK công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại không đạt yêu cầu về nội dung, phương pháp nên Hội đồng thẩm định đánh giá chưa đạt. Trong quá trình thẩm định, Hội đồng thẩm định không có sự phân biệt giữa SGK công nghệ giáo dục với các bộ SGK khác. |