Ngay khi Công đoàn Việt Nam vừa công bố các tác phẩm đoạt giải cuộc thi “Sáng tác tranh cổ động chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam”, thì trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bức tranh được cho là “bản chính” đã bị tác giả của các tác phẩm đoạt giải “xào xáo” mang dự thi.
Thật buồn vì Giải Đặc biệt của tác giả Đỗ Đình Tuyền, giảng viên trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, đã bị cộng đồng mạng “tố” đã sao chép từ nhiều tác phẩm khác nhau. Giải Ba và nhiều giải Khuyến khích của cuộc thi này đều bị “tố” dính nghi án “đạo”, nhái.
Thể lệ cuộc thi quy định rõ, các tác phẩm chưa từng tham gia dự thi ở bất cứ cuộc thi nào trong nước và quốc tế trước khi gửi tham gia cuộc thi.
Giải đặc biệt của tác giả Đỗ Đình Tuyền – Khoa Tạo dáng công nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội bị tố sao chép từ nhiều tác phẩm khác nhau
|
Trong 14 tác phẩm đoạt giải khuyến khích, cư dân mạng “tố” có đến 4 tác phẩm bị nghi “đạo” tranh. Ba tác phẩm đoạt Giải 3 thì có đến 2 tác phẩm bị cư dân mạng tố “đạo”, nhái.
Không chỉ các tác phẩm đoạt giải bị “tố” đạo nhái, nhiều tác phẩm dự thi khác cũng có chung số phận trở thành "trò cười" khi bản gốc được tìm ra, đối chiếu so sánh và chia sẻ trên rất nhiều trang mạng xã hội.
Tác phẩm đoạt Giải 3 của tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Trưởng khoa Nhạc, Họa, Thể dục (Trường Cao đẳng Hải Dương) bị cộng đồng đặt cạnh tác phẩm gốc
|
Đáng buồn là nhiều tác phẩm đoạt giải bị tố “đạo” tranh lại thuộc về chính đơn vị đăng cải tổ chức - Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Sự việc trên không những gây bức xúc dư luận, nghi ngờ về trình độ thẩm định tranh của Ban Giám khảo cuộc thi, mà còn dấy lên nghi ngờ liệu có sự “tiếp tay” nào nhằm qua mặt Ban Tổ chức hay không?
Theo các họa sĩ nhận định, nhiều “bản sao” đã đảo tranh, có bản lấy chi tiết, lấy bố cục, thậm chí có bức lấy nguyên cả “bản chính” đặt vào tác phẩm của mình, mà không tốn chút chất xám sáng tạo nào. Có điều khi copy, người cầm cọ còn để lại những lỗi khá ngớ ngẩn, kiểu như đổi chiếc mũ vải thành chiếc mũ sắt của người công nhân nhưng vẫn để lại cái dây vải trên cổ nhân vật?
Giải Khuyến khích gây tranh cãi vì sao chép y nguyên chỉ đổi chiếc mũ nhưng còn lại cái dây mũ vải chưa xóa?
|
Tác phẩm nhận giải khuyến khích và bức tranh "chị em song sinh" đã công bố trước đó
|
Giải Khuyến khích sao chép y nguyên bố cục bản gốc
|
Giải khuyến khích của tác giả Lê An Tư – Nguyễn Diệu Linh thuộc Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
|
Đứng trước sự việc đang nóng lên trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, khi phóng viên liên lạc tới Ban Tổ chức và đơn vị đăng cai cuộc thi đều không nhận được sự hồi đáp nào mà chỉ là thái độ trốn tránh.
Ông Thanh Bình – Trợ lý Ban Giám hiệu trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội chỉ hẹn phóng viên sẽ liên lạc lại sau vì Ban Giám hiệu đang bận chấm thi đại học. Còn bà Hoàng Anh (người phụ trách cuộc thi, thuộc Công đoàn Giáo dục) lập tức từ chối trả lời với lý do bận họp không biết lúc nào mới xong rồi cúp máy.