Chánh thanh tra tuyên bố “dẹp nạn” chép tranh trái phép

VietTimes – Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM vừa có văn bản số 158/TTS trả lời câu hỏi của VietTimes về nạn chép tranh, vi phạm bản quyền tác giả tràn lan.
Tranh "Chiều thu bên ô Quan Chưởng” của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị nhiều phòng tranh sao chép
Tranh "Chiều thu bên ô Quan Chưởng” của họa sĩ Lâm Đức Mạnh bị nhiều phòng tranh sao chép

Chánh thanh tra Sở VHTT TP.HCM - ông Châu Quốc Dũng - thừa lệnh của ông Huỳnh Thanh Nhân - Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, vừa có văn bản trả lời VietTimes về vấn nạn chép tranh, vi phạm bản quyền tác giả tràn lan trên địa bàn thành phố.

Trả lời câu hỏi cơ quan Thanh tra Sở VHTT TP.HCM sẽ làm gì trước tình trạng nạn “đạo” tranh, nhái, chép trái phép ngày càng phát triển như hiện nay? Ông Châu Quốc Dũng cho biết: “Căn cứ điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bố sung năm 2009 quy định hành vi xâm phạm quyền tác giả và Khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định chủ thể quyền SHTT có quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền SHTT của mình.

Theo đó, quy định biện pháp yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT phải chấm dứt hành vi xâm phạm; Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Hiện nay, trên khắp cả nước, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội có rất nhiều vi phạm đang diễn ra trong lĩnh vực mỹ thuật, cụ thể là có rất nhiều phòng tranh sao chép công khai tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ, dẫn đến rối loạn thị trường, gây tâm lý bức xúc trong cộng đồng người sáng tạo.

Họa sĩ Lâm Đức Mạnh sau khi phát hiện trang web tranhsondau.net (Hà Nội) lấy hình ảnh bức “Chiều thu bên ô Quan Chưởng” để rao bán, thì người đại diện cho trang web nói trên đã liên lạc và gửi văn bản xin lỗi họa sĩ.

Tuy nhiên, họa sĩ Lâm Đức Mạnh phát hiện thêm Sato Art (856 Tạ Quang Bửu, TP.HCM) cũng rao bán bức “Chiều thu bên ô Quan Chưởng” của anh. Lỗi vi phạm vẫn y như cũ, chiếc cột đèn được “thế chỗ” bởi cái biển cấm ô tô trong bức tranh chưa hoàn thiện mà họa sĩ từng post lên trang Viet Art Space, dẫn tới hành vi sao chép trái phép của nhiều cơ sở.

Liên lạc tới Sato Art, VietTimes được biết hiện tại cửa hàng đã tháo gỡ các quảng bá bán bức tranh này, do đã nhận được cảnh báo từ họa sĩ Lâm Đức Mạnh. Tuy nhiên, Sato Art cho rằng họ không trực tiếp chép bức “Chiều thu bên ô Quan Chưởng”, mà chụp hình bức tranh này từ xưởng tranh của phòng tranh Nam Phương (21A Trần Phú) rồi đưa lên để quảng bá, bán hàng.  

Một phòng tranh khác nữa mới đây bị nhiều họa sĩ lên tiếng tố cáo vi phạm là Triệu Gia Art (119 Lê Văn Khương, quận 12, TP.HCM). Họa sĩ Đặng Tiến, Nguyễn Khắc Tài, Đặng Thị Thọ và Quyên Nguyễn cùng cho biết đã bị Triệu Gia Art vi phạm bản quyền.

Trao đổi với VietTimes, các họa sĩ cho biết sau khi bị “tố”, Triệu Gia Art đã xin lỗi và bỏ tác phẩm của các họa sĩ nói trên ra khỏi danh mục quảng bá bán hàng.

Họa sĩ, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định tố cáo Gallery Nam Long (380 Lê Văn Lương, phường Phước Kiêng, huyện Nhà Bè, TPHCM) đã sao chép trái phép nhiều tác phẩm của anh.

Văn bản số 158/TTS, chánh thanh tra Sở VHTT TP.HCM trả lời câu hỏi của VietTimes về nạn chép tranh, vi phạm bản quyền tác giả tràn lan
Văn bản số 158/TTS, chánh thanh tra Sở VHTT TP.HCM trả lời câu hỏi của VietTimes về nạn chép tranh, vi phạm bản quyền tác giả tràn lan

Ông Châu Quốc Dũng cho biết thêm: “Trong thời gian qua, Sở VHTT TP.HCM chưa nhận được đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bản quyền SHTT về tác phẩm mỹ thuật của chủ thể quyền. Thanh tra Sở VHTT sẽ xem xét, xử lý đối với các vi phạm quyền tác giả nói chung và tác phẩm mỹ thuật nói riêng theo quy định của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan khi nhận được đơn yêu cầu xử lý hành vi vi phạm về quyền tác giả tác phẩm mỹ thuật theo quy định của pháp luật”.