Cam kết của Bộ trưởng Quốc phòng
Báo chí Hàn Quốc và Trung Quốc đều cho biết ngày 3/6, bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cam kết Seoul không tìm cách rút khỏi thỏa thuận hiện có về việc triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD).
Ông Han Min-koo cho biết, trong cuộc hội đàm, ông đã giải thích những tranh cãi trong nội bộ Hàn Quốc về sự thiếu minh bạch trong việc triển khai THAAD.
Ông Han Min-koo nhấn mạnh với phía Mỹ rằng, Chính phủ Hàn Quốc áp dụng các biện pháp liên quan đến THAAD đơn thuần là các biện pháp đối nội, hoàn toàn không phải thay đổi các quyết định liên quan hiện có hoặc phát đi tín hiệu khác với Mỹ.
Ông nói, Hàn Quốc sẽ giải quyết các vấn đề có liên quan dựa trên quan hệ đồng minh vững chắc Hàn - Mỹ.
Ông Han Min-koo hoàn toàn không đề cập cụ thể đến “các biện pháp Hàn Quốc áp dụng” là gì. Có phân tích cho rằng đó có thể là tiến hành đánh giá đầy đủ về ảnh hưởng môi trường của việc triển khai THAAD.
Sau cuộc hội đàm, ông Han Min-koo tiết lộ với báo chí rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bày tỏ hiểu biết đối với các biện pháp của Chính phủ Hàn Quốc áp dụng về việc nhập cảnh bí mật 4 xe phóng THAAD và cho biết tin tưởng vào các biện pháp của Hàn Quốc.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hàn - Mỹ sau vụ việc Quân đội Hàn Quốc che giấu nhập cảnh 4 xe phóng bị tiết lộ. Đây cũng là cuộc hội đàm tiếp theo sau chuyến thăm Hàn Quốc (vào đầu tháng 2/2017) của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Tân Tổng thống thực ra rất ủng hộ THAAD
Theo trang Sina (Trung Quốc) ngày 4/6, trước sự việc “che giấu” liên quan THAAD ở Hàn Quốc, ngày 30/5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Jeff Davis nhấn mạnh: “(Mỹ) sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Hàn Quốc triển khai THAAD”, “toàn bộ quá trình (triển khai THAAD) là công khai, minh bạch”. Mỹ chỉ ra vụ việc “che giấu” là kết quả của trao đổi không thông suốt giữa các cơ quan trong Chính phủ Hàn Quốc, không có liên quan với Mỹ.
Vụ bê bối này đã buộc Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói ra quan điểm thực sự ủng hộ THAAD của mình. Khi hội kiến với Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Dick Durbin, ông Moon Jae-in cho biết rõ “sẽ không thay đổi quyết định vốn có (triển khai THAAD)”. Điều này trái ngược với ấn tượng trước đây của dư luận khi nghĩ ông Moon Jae-in là người phản đối THAAD.
Tuy nhiên, trên thực tế, các phát biểu trước và sau tranh cử của ông Moon Jae-in tập trung vào việc không hài lòng với vấn đề tính chính đáng của thủ tục đưa ra quyết định triển khai THAAD.
Ông luôn giữ lập trường “mơ hồ” về triển khai THAAD. Động cơ phía sau phần nhiều cân nhắc đến tính toán về mặt ngoại giao. Vụ việc “che giấu” buộc ông phải thể hiện thái độ rõ ràng.
An ninh quốc gia là vấn đề quan trọng hàng đầu trong tính toán của ông Moon Jae-in. Trong khi đó, Mỹ là chỗ dựa quan trọng nhất về an ninh quốc gia. Mặt khác, đấu tranh chính trị nội bộ cũng buộc ông Moon Jae-in đưa ra quyết sách thực tế hơn.
Theo tờ Đa Chiều của người Hoa hải ngoại tại Mỹ ngày 3/6, việc ông Moon Jae-in đích thân cam kết tiếp nhận triển khai THAAD thực sự đã cho thấy yêu cầu của Chính phủ Trung Quốc liên quan đến triển khai THAAD đã bị từ chối.
Tại Đối thoại Shangri-La 2017, đại diện Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành phê phán cách làm của Hàn Quốc – đó là dựa vào việc triển khai quân sự tăng cường của Mỹ, gây ra “khủng hoảng quân sự” lớn hơn đối với Đông Bắc Á. Nhưng, phía Trung Quốc không điểm danh khi đưa ra phê phán này.