Hạn chế mắc bệnh, giảm tử vong từ lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nhiều bệnh không lây nhiễm đang gia tăng cả về số mắc và tử vong. Thuốc lá là tác nhân gây ung thư, bệnh tim mạch, đái tháo đường, COPD… nên có thể phòng, tránh được bằng việc không sử dụng thuốc lá.

VT_ Trang.jpg
Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, phụ trách Ban Kiểm soát Quỹ PCTHTL

Sáng nay, 8/11, Bộ Y tế và Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đã tổ chức “Toạ đàm khoa học về các giải pháp lồng ghép hoạt động PCTHTL và các hoạt động nâng cao sức khoẻ” .

Chủ trì hội thảo, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT), phụ trách Ban Kiểm soát Quỹ PCTHTL của Bộ Y tế - chia sẻ: Với công tác PCTHTL, 10 năm qua, Việt Nam đã giảm được đáng kể tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Thực tế cho thấy, việc lồng ghép với các bệnh không lây nhiễm sẽ hiệu quả hơn trong PCTHTL bằng việc phòng bệnh từ xa, sàng lọc bệnh, điều trị sớm. Hàn Quốc, Đài Loan cũng đều trích quỹ PCTHTL để sàng lọc bệnh không lây nhiễm.

Vì thế, việc tổ chức hội thảo về lồng ghép hoạt động PCTHTL và các hoạt động nâng cao sức khoẻ nhằm xây dựng cơ chế tài chính bền vững để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và PCTHTL hiệu quả.

ThS. Lại Minh Châu – Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam - khẳng định sự cần thiết của việc lồng ghép các hoạt động can thiệp đến các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm bao gồm rượu bia, thuốc lá vv… Điều này sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực, do nhiều bệnh không lây nhiễm có chung yếu tố nguy cơ, đối tượng tác động và cách tiếp cận, nhằm kiểm soát việc tiêu thụ chúng.

Theo ThS. Lại Minh Châu, Việt Nam đang phải đối mặt với những gánh nặng lớn liên quan đến bệnh không lây nhiễm và việc phòng, chống sẽ hạn chế mắc bệnh, tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải bệnh viện. Việc lồng ghép sẽ tăng tính hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính bền vững cho các chương trình can thiệp.

TS. Nguyễn Thị Hồng Diễm - Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hô hấp mạn tính, rối loạn tâm thần vv… đang ngày càng gia tăng. Thuốc lá là tác nhân gây ung thư cho người hút và người hút thụ động; gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, COPD…

Đáng nói là 80% bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường týp 2 và 40% ung thư có thể phòng được bằng dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực thường xuyên, đặc biệt là không sử dụng thuốc lá, rượu bia.

VT_ Đại biểu.jpg
Nhiều đại biểu đã có các báo cáo chi tiết, phân tích về vấn đề lồng ghép công tác PCTHTL với các hoạt động nâng cao sức khoẻ

Trong khi đó, kinh phí cho hoạt động PCTHTL còn rất khó khăn. Vì thế, bà Diễm đề nghị sửa Luật BHYT, Luật PCTHTL, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm và bổ sung các nội dung được BHYT chi trả, gồm: Tư vấn sức khỏe, tư vấn dinh dưỡng, vận động, phát hiện sớm người nguy cơ cao và người mắc bệnh; xây dựng gói dịch vụ cơ bản về bệnh không lây nhiễm được BHYT chi trả; thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Đại diện Quỹ PCTHTL, Ths. Nguyễn Thị Thu Hương đề xuất: Để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong do sử dụng thuốc lá gây, cần lồng ghép trong xây dựng chính sách, pháp luật, trong công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp liên ngành; Lồng ghép trong công tác truyền thông và nâng cao sức khỏe để giảm thiểu các hành vi nguy cơ, dự phòng mắc bệnh không lây nhiễm; Lồng ghép trong hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm.

Bà Vũ Thị Minh Hạnh - nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế nhấn mạnh vai trò của truyền thông giáo dục sức khoẻ về PCTHTL với những nội dung trọng tâm là các hạn chế, bất cập về PCTHTL ở Việt Nam: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá chưa đạt được theo mục tiêu mong đợi; tuân thủ thực hiện quy định về không hút thuốc lá nơi công cộng chưa nghiêm minh và thiếu chế tài giám sát, xử phạt; thuốc lá nhập lậu; tình trạng gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh - sinh viên; thuế thuốc lá và giá thuốc lá thấp, cần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá và lợi ích mang lại…

Bà Hạnh cho rằng cần điều chỉnh chính sách vĩ mô về KT- XH có liên quan, để góp phần vào việc PCTHTL: Quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, quy hoạch sản xuất, kiểm soát phân phối lưu thông, trong đó có cấm lưu hành sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, thuế và giá …

Các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến để có nguồn lực nâng cao sức khoẻ cho người dân.

Từ những ý kiến đóng góp của đại diện các ngành, đơn vị, bà Trần Thị Trang kết luận: Vai trò lồng ghép nguồn lực là rất quan trọng, vì hiện thuốc chi cho các bệnh không lây nhiễm cao và rất đắt tiền; thuốc điều trị các bệnh có nguyên nhân từ thuốc lá chiếm tỉ trọng lớn trong quỹ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, lồng ghép nhưng PCTHTL vẫn phải được tiếp tục đầu tư và quan tâm, không phải dùng Quỹ PCTHTL chi cho các mục đích khác.

“Cơ chế chính sách cho PCTHTL còn nhiều thách thức, nhưng chúng ta sẽ kiên trì sửa đổi để có nguồn lực cho công tác này. Chúng ta cũng đặt mục tiêu có Quỹ nâng cao sức khoẻ và theo kinh nghiệm của Health Bridge thì PCTHTL vẫn là chủ yếu. Đây là bước khởi đầu cho nhiều năm tới nên cần nỗ lực để xây dựng các chính sách tốt cho hoạt động PCTHTL”- Bà Trang nhấn mạnh.