Ngay sau ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc cần có cơ chế trả lại chi phí cho người bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) khi phải tự mua thuốc, vật tư y tế do các bệnh viện (BV) không cung cấp được, chiều tối 7/11, Bộ Y tế lập tức tổ chức toạ đàm xây dựng thông tư “Quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trong khám, chữa (KCB) BHYT với những trường hợp đặc biệt”, nhằm lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cùng nhiều bộ, ngành khác để sớm triển khai.
Thông tư này sẽ chấm dứt cảnh “quýt làm cam chịu” khi BV thiếu thuốc, vật tư khiến người bệnh phải tự đi mua những thứ mà đúng ra họ được BHYT chi trả - điều đã kéo dài hơn một năm qua, , gây bức xúc dư luận, trở thành vấn đề nóng của xã hội và của cả nghị trường Quốc hội.
Vấn đề nóng của xã hội
Sau dịch COVID-19, nhiều cơ sở y tế thiếu trầm trọng thuốc, vật tư y tế và trang thiết bị, do vướng mắc trong thủ tục hướng dẫn đấu thầu, tâm lý ngại mua sắm khi cơ chế còn vướng; nguồn cung đứt gãy; thuốc hiếm, lợi nhuận không cao nên doanh nghiệp không nhập về… Người dân tham gia BHYT khi đi KCB đã phải mua thuốc, vật tư bên ngoài, quyền lợi chính đáng bị ảnh hưởng.
Tại buổi toạ đàm, bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT Bộ Y tế - cho biết: Tình trạng người bệnh BHYT phải mua thuốc ngoài, khi cơ sở KCB không cung ứng được, đã trở thành vấn đề nóng từ kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023.
Trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số đại biểu đề nghị cần có cơ chế trả lại chi phí cho người dân khi phải tự mua bên ngoài những loại có trong danh mục BHYT, vì lỗi do cơ quan nhà nước.
Tại phiên chất vấn chiều 7/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện chưa có quy định về việc trực tiếp thanh toán cho bệnh nhân khi mua thuốc bên ngoài. Vì thế, Bộ Y tế đã giao cho Vụ BHYT xây dựng Thông tư Quy định thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trong KCB BHYT với những trường hợp đặc biệt và đang lấy ý kiến các bộ, ban, ngành, địa phương để hoàn thiện.
“Việc Bộ Y tế tổ chức toạ đàm về vấn đề thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi cơ sở KCB thiếu thuốc, vật tư ngay sau buổi chất vấn là sự tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội rất nhanh chóng. Mặc dù là vấn đề khó, nhưng với tinh thần đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân, Bộ Y tế đang nỗ lực xây dựng Thông tư để sớm đưa vào thực hiện với nguyên tắc cố gắng tối đa để người bệnh không phải thiếu thuốc và quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo” - Bà Trang chia sẻ.
Dự thảo Thông tư quy định cụ thể về giá, về hình thức thanh toán, quy trình thủ tục... đảm bảo đúng, đủ, chặt chẽ và khả thi, đồng thời, cũng phòng ngừa việc cơ sở KCB lạm dụng các quy định này để không đảm bảo cung ứng thuốc cho người bệnh.
“Thông tư này chỉ áp dụng trong trường hợp bất khả kháng, giải quyết 1 số hệ lụy sau 3 năm chống dịch và những khó khăn trong giai đoạn hiện nay. Còn biện pháp lâu dài vẫn là tổ chức mua sắm, bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vật tư cho người bệnh BHYT, để không phải sử dụng quy định này.
Không thanh toán trực tiếp đại trà
Bà Trang nhấn mạnh: Việc thanh toán chi phí thuốc, vật tư y tế trong trường hợp đặc biệt (sau đây gọi tắt là thanh toán trực tiếp) có cơ sở pháp lý, dựa trên Luật BHYT và một số văn bản của Bộ Y tế trước đây. Tuy nhiên, theo Thông tư này, không phải bệnh nhân nào cũng được thanh toán trực tiếp, mà phải đáp ứng ba điều kiện:
Người bệnh được chẩn đoán và kê đơn thuốc, vật tư y tế trong phạm vi được hưởng tại cơ sở KCB nhưng tại thời điểm đó, cơ sở KCB này không có thuốc, vật tư y tế.
Thuốc, vật tư y tế mà người bệnh được kê đơn đã được thanh toán hoặc chưa được thanh toán BHYT trước đó tại cơ sở KCB.
Cơ sở KCB không có sẵn thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh, vì lý do khách quan: Đã đấu thầu thuốc, vật tư y tế đó nhưng không có đơn vị trúng thầu; Có kết quả thầu nhưng tại thời điểm chỉ định thuốc, vật tư y tế cho người bệnh, nhà cung ứng không cung cấp được; Trường hợp chậm có kết quả đấu thầu tập trung cấp quốc gia, cấp địa phương và đàm phán giá mà cơ sở KCB chưa tổ chức đấu thầu được.
Không chỉ chặt chẽ về điều kiện thanh toán, mà để hạn chế việc tiêu cực không mong muốn, Vụ BHYT cũng đề xuất các mức thanh toán:
Với các loại thuốc, vật tư y tế đã thanh toán BHYT trước đó tại cơ sở KCB, thì mức giá thanh toán là giá thanh toán BHYT tại thời điểm gần nhất so với thời điểm mà cơ sở y tế hoặc người bệnh phải mua thuốc.
Với các thuốc, vật tư y tế chưa thanh toán BHYT trước đó tại cơ sở KCB thì mức giá thanh toán là giá trúng thầu thấp nhất tại thời điểm người bệnh mua thuốc.
Giá trúng thầu được tra cứu trên trang Thông tin điện tử của Bộ Y tế và của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, theo các nguyên tắc được quy định rõ.
Để giám sát các trường hợp thanh toán trực tiếp, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ ban hành quy trình giám định các trường hợp thanh toán trực tiếp từ quỹ BHYT.
Tại buổi toạ đàm, các đại biểu đều thống nhất là việc thiếu thuốc, vật tư chủ yếu do vướng mắc trong thủ tục đấu thầu, vì thế, từ tháng 1/2024, Luật đấu thầu sửa đổi chính thức có hiệu lực, nhiều vướng mắc sẽ được tháo gỡ. Do đó, yêu cầu đặt ra là các cơ sở KCB vẫn phải chủ động đấu thầu mua sắm để cung ứng thuốc đầy đủ kịp thời cho người bệnh.
Với nguyên tắc đó, dự thảo Thông tư đã “khoá chặt” việc cơ sở y tế lạm dụng việc thanh toán trực tiếp để không tổ chức đấu thầu mua sắm bằng quy định: Nếu vì lý do khách quan, cơ sở KCB không có sẵn thuốc, vật tư y tế để điều trị cho người bệnh thì phải giải trình và mua sắm thuốc vật tư y tế cho người bệnh. Nếu cơ sở KCB không chuyển người bệnh và không có đủ thuốc cung ứng cho người bệnh vì lý do chủ quan, thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB đánh giá nhiều giải pháp Thông tư mà Vụ BHYT đưa ra mang tính đột phá, khi vấn đề thanh toán trực tiếp là rất khó khăn. Tuy nhiên, giải pháp người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế nên hạn chế tối đa. Vì khi bệnh nhân không theo hướng dẫn của cơ sở y tế sẽ không đảm bảo chất lượng thuốc và vật tư tiêu hao, còn bác sĩ hướng dẫn thì không được phép.
Ông Nguyễn Trí Dũng - Vụ phó Vụ BHYT - góp ý: Giải pháp đầu tiên là các BV phải mua sắm để cung ứng đủ thuốc, vật tư, còn các giải pháp thanh toán trực tiếp là tình thế.
Nhiều đại biểu đều đồng tính với các giải pháp của Bộ Y tế về thanh toán trực tiếp chỉ để đảm bảo quyền lợi của người bệnh và lưu ý thêm về vấn đề để BV mua sắm không qua đấu thầu là đáng ngại vì Luật đấu thầu đã quy định cụ thể 6 hình thức; Không thanh toán trực tiếp cho cơ sở KCB mà thanh toán cho người bệnh với các điều kiện cụ thể để hạn chế việc này.
Các đại biểu cũng bàn về mức giá sẽ thanh toán trực tiếp, các quy định thanh toán trong trường hợp bệnh nhân mang thuốc, vật tư từ nước ngoài về có đủ hoá đơn; thời hạn của Thông tư vv…