Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an về việc tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shish; đề nghị kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, khuyến mại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo một điều tra năm 2022 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử của học sinh ở độ tuổi từ 13-15 là 3,5%. Đây là con số rất đáng báo động bởi năm 2015 tỷ lệ này chỉ là 0,2%.
Cũng theo WHO, hiện nay có khoảng 20.000 loại hương liệu được sử dụng trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, trong đó, rất nhiều loại hương liệu độc hại và chưa được đánh giá toàn diện về mức độ gây hại đối với sức khỏe.
Thuốc lá điện tử có chứa nicotine là chất gây nghiện, gây các bệnh về tim mạch, hô hấp, tiêu hóa. Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol, có thể tạo thành chất propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.
Nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm này. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
VTV ngày 11/4/2023 đưa tin 2 vụ bán tinh dầu chứa ma túy vừa được công an Hà Nội phát hiện. Đối tượng bán tinh dầu ngay tại cổng trường cấp 2, cấp 3 ở Hà Nội.
Trước đó, gần 100 máy hút thuốc lá điện tử cũng đã bị cơ quan công an thu giữ tại nhà của một đối tượng bán ma túy ở xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Qua giám định cho thấy, 100% số thuốc lá điện tử này có chứa ADB Butinaca - một loại ma túy mới.
Để ngăn ngừa tác hại của thuốc lá điện tử cũng như ngăn chặn các tệ nạn xã hội phát sinh từ thuốc lá điện tử, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh/thành phố, đề nghị phối hợp thực hiện 5 nội dung, bao gồm:
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị tăng cường phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn.
- Kịp thời ban hành các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá điện tử tại các cơ quan, công sở, các cơ sở giáo dục đào tạo. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hoạt động mua bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
- Chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể và cơ quan thông tin đại chúng, để phổ biến thông tin về tác hại của thuốc lá điện tử.
- Chỉ đạo Sở Giáo dục Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, phổ biến về tác hại của thuốc lá điện tử tới học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên
- Chỉ đạo Sở Công thương, Cục quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, kinh doanh thuốc lá điện tử.
Bộ Y tế cũng có công văn đề nghị Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường truyền thông và ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử thông qua việc kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá điện tử.
Trước đó, ngày 24/4, Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trung ương với nội dung đề nghị phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.
Nguồn tin từ VOV cho biết Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử tại Việt Nam, đồng thời xử lý hình sự các đối tượng vi phạm.