Trang tin sina Trung Quốc dẫn báo Nga cho hay căn cứ vào các tài liệu công khai, ngành đóng tàu Trung Quốc có 48 doanh nghiệp, phân bố ở 20 tỉnh, tổng cộng có 95.000 người. Lượng công việc chủ yếu được triển khai ở các nhà máy đóng tàu tại Đại Liên, Sơn Hải Quan, Vũ Hán, Trạm Giang.
Tốc độ chế tạo các loại tàu chiến mặt nước của Trung Quốc gây chú ý cho dư luận. 8 năm gần đây đã bàn giao 21 tàu hộ vệ Type 054A, 10 tàu khu trục (Type 052C và 052D), 4 tàu đổ bộ trực thăng (Type 071), 23 tàu hộ vệ hạng nhẹ (Type 056 và 056A) cho Hải quân Trung Quốc. Tổng lượng giãn nước của những tàu chiến trên đã lên tới 276.600 tấn.
Ngoài ra, Trung Quốc còn có kế hoạch cải tiến tàu đổ bộ trực thăng - tăng cường vũ khí, tăng sức chứa vật tư, lắp cần trục để tạo thuận lợi cho công tác bốc dỡ.
5 năm gần đây, khả năng bảo đảm cho các hành động ở biển xa của Hải quân Trung Quốc tăng mạnh. Đã trang bị 4 tàu tiếp tế thông dụng Type 903A, 2 tàu huấn luyện Type 904B; tàu vận tải chiến lược biển xa lớn nhất trong lịch sử Hải quân Trung Quốc (Type 901, lượng giãn nước là 45.000 - 50.000 tấn) đã bàn giao.
Hiện nay, doanh nghiệp Trung Quốc đang tiến hành cải tiến đối với tàu khu trục Type 051C và Type 956, công tác sửa chữa và bảo trì hàng ngày được nhà máy của Quân đội Trung Quốc phụ trách.
Ngành đóng tàu Trung Quốc có 60 viện nghiên cứu khoa học, cục thiết kế và doanh nghiệp đóng tàu, nhân công lên tới 140.000 người, chủ yếu làm nhiệm vụ thiết kế, chế tạo các loại tàu:
Tàu đo đạc Viễn Vọng (cung cấp bảo đảm cho kiểm soát các phương tiện hàng không vũ trụ, tiến hành theo dõi đối với việc phóng vệ tinh nhân tạo của nước ngoài);
Tàu vận tải tên lửa (đưa bộ kiện của tên lửa đẩy Trường Chinh-5/7 vận chuyển từ doanh nghiệp ở Thiên Tân đến bãi phóng hàng không vũ trụ Hải Nam);Tàu trinh sát Type 815 và Type 815A;
Tàu khảo sát thủy văn, địa lý Type 636A, 639, 639A; Tàu thử nghiệm tổng hợp vũ khí điện tử Type 909, 909A.
Về điện tử quân sự, Công ty công nghệ điện tử Trung Quốc có 100 doanh nghiệp và cơ quan, tổng cộng có 110.000 người. Các đơn vị tiến hành nghiên cứu chế tạo hệ thống chỉ huy và thông tin, hệ thống tác chiến điện tử, thiết bị dò tìm và cảnh báo sớm (radar, thiết bị quét trường vật lý, máy dò kim loại).
Cùng với việc theo đuổi Mỹ và Nhật Bản phát triển máy bay tiêm kích và máy bay ném bom tàng hình, các nhà thiết kế Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu phát triển các loại radar sóng ngắn có thể phát hiện được các máy bay chiến đấu F-22 và F-35 Mỹ.
Loại radar này bao gồm JL3D-91B, JL3D-90A và 440E, 843E. Chúng có thể phát hiện được các máy bay nói trên trong khoảng cách tới 500 km.
Khoảng cách dò tìm này làm cho lực lượng phòng không Trung Quốc ở tỉnh Sơn Đông có thể nắm được tình hình máy bay chiến đấu F-22 Raptor cất cánh từ căn cứ không quân của Hàn Quốc, tiến hành theo dõi ngày đêm đối với Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) biển Hoa Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc đang sản xuất radar dò tìm tầm xa (REL-4, REL-3), radar bờ biển (RES-1A, REL-2A, REX-1), dùng để dò tìm tên lửa chống bức xạ, các mục tiêu mặt nước bay thấp.
Hàng năm Triển lãm trang bị điện tử quốc phòng quốc tế được tổ chức một lần ở Bắc Kinh, đã cung cấp cơ hội cho tìm hiểu toàn diện về phạm vi sản phẩm của các doanh nghiệp Trung Quốc. Triển lãm năm nay được tổ chức từ ngày 11 - 13/5, đã xuất hiện một số sản phẩm mới, bao gồm:
- Hệ thống thông tin và chỉ huy người nhái chiến đấu;
- Radar bộ binh cơ giới hóa cá nhân;
- Máy thăm dò kim loại và máy thăm dò sinh học;
- Hệ thống rơ le, truyền số liệu vi ba và vệ tinh hiệu suất cao;
- Hệ thống phóng nhiễu mô đun hóa;
- Hệ thống chỉ huy hành động của phân đội cảnh sát và xử lý dữ liệu của hành động bảo đảm an ninh.