Thế nhưng, thay vì đối đầu với một cường quốc toàn cầu, Hải quân Mỹ hiện nay lại thấy mình bị khóa trong cuộc chiến với một nhóm nổi dậy được Iran hậu thuẫn tại Yemen.
Chiến dịch do Mỹ dẫn đầu chống lại phiến quân Houthi – ít được quan tâm hơn do dư luận quốc tế chú ý vào cuộc chiến Israel-Hamas ở Dải Gaza – đã trở thành trận chiến trên biển căng thẳng nhất mà Hải quân phải đối mặt kể từ Thế chiến II, các nhà lãnh đạo và chuyên gia hải quân nói với hãng thông tấn AP.
Cuộc chiến đặt ra sứ mệnh của Hải quân Mỹ là giữ cho các tuyến đường thủy quốc tế luôn mở. Để làm vậy, họ phải đối mặt với một nhóm phiến quân mà trước chỉ sở hữu súng trường và xe bán tải nhưng giờ phát triển thành một nơi cung cấp máy bay không người lái (UAV) và tên lửa gần như vô tận.
Các cuộc tấn công gần như diễn ra hàng ngày của Houthi kể từ tháng 11 năm ngoái đã khiến hơn 50 tàu biển trở thành mục tiêu, trong khi khối lượng vận chuyển đã giảm trên hành lang Biển Đỏ quan trọng, dẫn đến Kênh đào Suez và vào Địa Trung Hải.
Houthi nói rằng các cuộc tấn công của họ nhằm mục đích ngăn chặn chiến tranh ở Gaza và hỗ trợ người Palestine, tuy nhiên có ý kiến cho rằng nhóm này chỉ đang cố gắng củng cố vị thế của mình ở Yemen. Tất cả các dấu hiệu cho thấy chiến sự sẽ tăng nhiệt, và điều này khiến cho Hải quân Mỹ, các đồng minh và tàu thương mại của họ gặp nhiều rủi ro hơn.
“Tôi không nghĩ mọi người thực sự hiểu những gì chúng tôi đang làm nghiêm trọng đến mức nào và các con tàu tiếp tục bị đe dọa như thế nào”, Đô đốc Eric Blomberg nói với AP trong chuyến thăm chiến hạm USS Laboon trên Biển Đỏ. “Chỉ cần sai sót một lần thôi, Houthi sẽ thọc vào ngay”.
Chỉ có vài giây để hành động
Mức độ căng thẳng của cuộc chiến trên biển này có thể được thể hiện phần nào trên con tàu khu trục lớp Arleigh Burke, khi lớp sơn xung quanh cửa sập của bệ phóng tên lửa đã bị cháy sau nhiều lần phóng.
Các thủy thủ của tàu USS Laboon đôi khi chỉ có vài giây để xác nhận một đòn tấn công của Houthi. Trong trường hợp này, họ phải lập tức liên lạc với các tàu khác và nổ súng vào một loạt tên lửa đang lao tới có thể di chuyển gần hoặc vượt quá tốc độ âm thanh.
“Đó là công việc hàng ngày, và một số tàu của chúng tôi đã ở đây hơn 7 tháng để làm việc đó”, Đại úy David Wroe, người giám sát các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, cho biết.
Trong một cuộc đụng độ xảy ra vào ngày 9/1 năm nay, tàu USS Laboon, một số tàu khác và máy bay F/A-18 từ tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đã bắn hạ 18 UAV, 2 tên lửa hành trình chống hạm và 1 tên lửa đạn đạo do Houthi triển khai.
Gần như mỗi ngày – ngoại trừ tháng ăn chay Ramadan của người Hồi giáo - Houthi đều phóng tên lửa, điều UAV hoặc thực hiện một số kiểu tấn công khác trên Biển Đỏ, Vịnh Aden và eo biển Bab el-Mandeb hẹp nối liền các tuyến đường thủy và tách châu Phi khỏi bán đảo Arab.
Hải quân Mỹ đã từng trải qua các giai đoạn chiến đấu trong “Chiến tranh tàu chở dầu” những năm 1980 trên Vịnh Ba Tư, nhưng phần lớn liên quan đến việc tàu trúng mìn. Trong khi đó, Houthi lại tổ chức các đòn tấn công trực tiếp nhằm vào các tàu thương mại và chiến hạm.
“Đây là cuộc chiến kéo dài nhất mà Hải quân Mỹ từng chứng kiến kể từ Thế chiến II”, Bryan Clark, cựu thủy thủ tàu ngầm của Hải quân Mỹ và là thành viên cấp cao tại Viện Hudson, cho biết.
“Chúng ta có khả sắp chứng kiến Houthi thực hiện kiểu tấn công mà Mỹ không thể ngăn chặn được mọi lúc, và sau đó chúng ta sẽ bắt đầu thấy thiệt hại đáng kể...Nếu bạn để điều này tiếp diễn, Houthi sẽ trở thành một lực lượng có năng lực, sức mạnh và kinh nghiệm hơn nhiều”.
Nguy hiểm thường trực trên biển và trên không
Mặc dù tàu Eisenhower chủ yếu hoạt động ở khoảng cách xa, các tàu khu trục như Laboon dành 6 trên 7 ngày ở gần bờ biển Yemen - “khu vực giao chiến” theo Hải quân Mỹ gọi tên.
Chiến đấu trên vùng biển ở Trung Đông vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, và Hải quân Mỹ biết rõ điều này. Năm 1987, trong chiến tranh Iran-Iraq, một máy bay chiến đấu của Iraq đã phóng tên lửa đáp trúng tàu khu trục USS Stark đang tuần tra ở Vịnh Ba Tư, khiến 37 thủy thủ thiệt mạng và suýt đánh chìm con tàu này.
Ngoài ra còn có tàu USS Cole, bị những kẻ đánh bom tự sát bằng thuyền của al-Qaida tấn công vào năm 2000 khi đang dừng tiếp nhiên liệu ở thành phố cảng Aden của Yemen, khiến 17 người trên tàu thiệt mạng.
Các nhà báo của AP đã nhìn thấy tàu USS Cole tuần tra Biển Đỏ cùng với Laboon vào thứ Tư tuần trước, cùng ngày mà Houthi tiến hành một cuộc tấn công bằng thuyền không người lái nhằm vào một tàu thương mại ở đó, khiến tàu bị vô hiệu hóa. Trung tâm Điều hành Thương mại Hàng hải Vương quốc Anh, thuộc quân đội Anh cho biết, con tàu thương mại đó đã bị bỏ rơi sau đó 2 ngày, trôi dạt ở Biển Đỏ.
Chuẩn đô đốc Marc Miguez, chỉ huy Hải quân cho Nhóm tấn công tàu sân bay số 2, bao gồm tàu Eisenhower và các tàu hỗ trợ, cho biết Hải quân Mỹ đã hạ gục 1 phương tiện không người lái mang bom dưới nước do Houthi triển khai.
“Chúng tôi khá tin rằng Iran không chỉ cung cấp hỗ trợ tài chính mà còn cung cấp cả hỗ trợ tình báo”, ông Miguez nói. “Chúng tôi biết thực tế là Houthi cũng đã được huấn luyện để nhắm mục tiêu vào hoạt động vận chuyển hàng hải và nhắm vào các tàu chiến của Mỹ”.
Khi được hỏi liệu Hải quân Mỹ có tin rằng Iran chọn mục tiêu cho Houthi hay không, ông Miguez chỉ nói rằng có “sự hợp tác” giữa Tehran và nhóm phiến quân này. Ông cũng lưu ý rằng Iran vẫn tiếp tục trang bị vũ khí cho Houthi, bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.
Phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc nói với AP rằng Tehran "rất thành thạo trong việc ngăn cản chiến lược của Mỹ theo cách không chỉ củng cố sức mạnh (của Houthi) mà còn đảm bảo việc tuân thủ các nghị quyết thích hợp".
Rủi ro không chỉ ở trên mặt nước. Chiến dịch do Mỹ dẫn đầu đã thực hiện nhiều cuộc không kích nhắm vào các vị trí của Houthi bên trong Yemen, bao gồm cả những gì mà quân đội Mỹ mô tả là các trạm radar, bãi phóng, kho vũ khí và các địa điểm khác. Một đợt không kích của Mỹ và Anh vào ngày 30/5 đã tiêu diệt ít nhất 16 phiến quân, đây là cuộc tấn công nguy hiểm nhất mà phe Houthi thừa nhận.
Đại úy Marvin Scott, người giám sát tất cả các máy bay của nhóm không quân, cho biết các phi công của tàu Eisenhower đã thả hơn 350 quả bom và bắn 50 tên lửa vào các mục tiêu trong chiến dịch đó. Trong khi đó, Houthi rõ ràng đã bắn hạ nhiều UAV MQ-9 Reaper bằng hệ thống tên lửa đất đối không.
“Khả năng phòng không của Houthi đã bị chúng tôi làm suy giảm đáng kể, nhưng khả năng đó vẫn còn”, ông Scott nói. “Chúng tôi luôn chuẩn bị sẵn cho trường hợp bị Houthi tấn công”.
Cuộc chiến bế tắc
Các sĩ quan Mỹ cho hay các binh sĩ của họ có một số lời phàn nàn, thắc mắc tại sao Hải quân không đẩy mạnh tấn công vào lực lượng Houthi. Nhà Trắng chưa thảo luận về chiến dịch Houthi ở cấp độ tương tự như các cuộc thảo luận về cuộc chiến Israel-Hamas.
Có một số lý do giải thích cho điều này. Mỹ đang cố gắng giảm căng thẳng với Iran, đặc biệt sau khi Tehran tiến hành một cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa quy mô lớn nhằm vào Israel và hiện đang làm giàu uranium gần mức cấp độ vũ khí hơn bao giờ hết.
Một lý do khác chính là nằm ở Houthi. Nhóm nổi dậy từng chiến đấu với liên minh quân sự do Arab Saudi dẫn đầu trong một cuộc chiến diện rộng khiến hơn 150.000 người thiệt mạng, bao gồm cả dân thường và tạo ra một trong những thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Cuộc chiến này đã lâm vào thế bế tắc.
Việc Mỹ trực tiếp chiến đấu với Houthi là điều mà các nhà lãnh đạo của nhóm có thể mong muốn. Phương châm của nhóm này từ lâu đã là “Chúa trời vĩ đại nhất; cái chết đối với nước Mỹ; cái chết cho Israel; nguyền rủa người Do Thái; chiến thắng của đạo Hồi”. Chống lại Mỹ và công khai đứng về phía người Palestine khiến một số người ở Trung Đông ca ngợi phe nổi dậy này.
Trong khi các đối tác của Mỹ và châu Âu tuần tra các tuyến đường thủy, Arab Saudi phần lớn vẫn giữ im lặng và tìm kiếm một thỏa thuận hòa bình với Houthi. Các báo cáo cho thấy một số quốc gia Trung Đông đã yêu cầu Mỹ không tiến hành các cuộc tấn công vào Houthi từ lãnh thổ của họ, khiến sự hiện diện của tàu Eisenhower càng bị chỉ trích hơn. Tàu sân bay này đã được kéo dài thời gian triển khai, trong khi thủy thủ đoàn của nó chỉ mới một lần được cập cảng kể từ khi được triển khai – một tuần sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10/2023.
Trong khi đó, các cuộc tấn công của Houthi tiếp tục làm suy giảm hoạt động vận tải biển trong khu vực. Doanh thu của Ai Cập từ kênh đào Suez - nguồn cung cấp ngoại tệ chính cho nền kinh tế đang gặp khó khăn của nước này - đã giảm một nửa kể từ khi các cuộc tấn công bắt đầu.
“Nó gần như là một thị trấn ma”, ông Blomberg thừa nhận.
Mỹ cảnh báo Ukraine phải đánh bại Nga để gia nhập NATO
Mỹ tăng cường đòn trừng phạt, Nga cảnh báo "không để yên"
Thượng nghị sĩ Mỹ gọi Ukraine là "mỏ vàng" cần chiếm bằng được
Theo AP
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu