Người dân lấy thuốc tại bệnh viện (Ảnh - Minh Thuý) |
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thường trực 4 cấp gồm: trực lãnh đạo, xử lý đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính – hậu cần; trực bảo vệ - tự vệ; có kế hoạch phòng chống cháy nổ, thảm họa, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; các đơn vị tuyến trên sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới.
Các đơn vị cần chủ động ứng phó với dịch COVID-19, đặc biệt là biến chủng Omicron, có kế hoạch cụ thể về dự trữ thuốc, dịch truyền, oxy, vật tư, hóa chất, giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt công tác cấp cứu, khám, chữa bệnh cho người dân, bảo đảm người bệnh cấp cứu được khám, điều trị kịp thời, không được từ chối/xử trí chậm trễ. Trong trường hợp trái tuyến, trái chuyên khoa thì cơ sở y tế phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định mới chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế khác. Từng đơn vị chuẩn bị thuốc, máu, dịch truyền, trang thiết bị và nguồn nhân lực để cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.
Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo hàng ngày và kịp thời báo cáo mọi diễn biến bất thường về Sở Y tế để có phương án chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Theo CDC Hà Nội, trong ngày 25/1, thành phố ghi nhận 2.957 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 696 ca cộng đồng và 2.261 ca đã được cách ly.
Các quận, huyện có nhiều ca mắc trong ngày gồm: Gia Lâm 184; Hoàng Mai 146; Đông Anh 128; Đống Đa 107; Nam Từ Liêm 104; Thanh Trì 84,…
Tính trong đợt dịch lần thứ 4 từ ngày 29/4/2021 đến nay, Thủ đô ghi nhận 117.535 ca dương tính với SARS-CoV-2 (không tính ca ghi nhận tại các bệnh viện trước ngày 30/9/2021 và các ca nhập cảnh), trong đó có 31.930 ca cộng đồng và 85.605 ca khu cách ly.