Thái sư Lưu Cơ là một vị khai quốc công thần của nhà Đinh. Quê ông ở xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Theo Đại Việt sử lược, cuốn sử đời Trần duy nhất ghi rằng Lưu Cơ sinh ngày 3/1/940. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, tức là Đinh Tiên Hoàng. Lưu Cơ được phong làm Đô hộ phủ sĩ sư vào năm 971. Theo Đại Việt sử lược thì chức vụ Đô hộ phủ sĩ sư của Lưu Cơ chính là Thái sư ở Đô hộ phủ Đại La (chức quan đầu triều trông coi hình án, kiêm chức Thái sư, cai quản phủ đô hộ cũ và đóng phủ đường ở thành Đại La).
Ngày nay, gia tộc họ Lưu của ông rất đông đảo và có nhiều người con ưu tú ở khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, trước hội thảo này thì không ít người biết đến Thái sư Lưu Cơ. Thậm chí rất nhiều người dân của làng gốm Bát Tràng ở ngoại ô Hà Nội không hề biết rằng ông được thờ làm Thành Hoàng Làng từ xưa.
Theo TS Vũ Thị Dơn – Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hoá Thăng Long – Hà Nội, xuất phát từ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn các bậc tiền nhân có cống hiến lớn lao cho dân tộc, Hội Di sản Văn hoá Thăng Long – Hà Nội mong muốn và hy vọng Thành phố Hà Nội sớm nghiên cứu, xem xét và xây dựng hồ sơ cho một đường phố xứng tầm của Thủ đô được mang tên Thái sư Lưu Cơ – một trong 4 vị khai quốc công thần của triều đình nhà Đinh. Nhờ các đường phố mang tên người như vậy mà các danh nhân lịch sử sẽ sống mãi trong tâm thức của người Việt Nam.
Tượng đồng Thái sư Lưu Cơ tại đình Đại Từ, xã Đại Đồng (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) |
GS TS Trương Quốc Bình – nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn Bảo tàng, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - cho biết, Thái sư Lưu Cơ có đóng góp to lớn trong việc cải tạo, xây dựng thành Đại La. Từ thời nhà Đinh, ông là người cai quản thành Đại La trong vòng 40 năm (971 – 1010). Ông đã tu sửa thành Đại La của An Nam đô hộ phủ thời nhà Đường trở nên một toà thành của nước Đại Cồ Việt độc lập và chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở hạ tầng cho cuộc dời đô của nhà vua Lý Thái Tổ có thể di chuyển từ Hoa Lư ra Thăng Long trong một thời gian rất ngắn. Ông đã cải tạo An Nam đô hộ phủ (thành Đại La) theo hướng vọng về phía Bắc (hướng về thành Tràng An của nhà Đường) thành một toà thành hướng về phía Nam (hướng về thành Hoa Lư của nhà Đinh và Tiền Lê).
Tại trung tâm thành phố Ninh Bình, hiện đã có đường Lưu Cơ và tại quảng trường Đinh Tiên Hoàng cũng đang tiến hành dựng tượng Lưu Cơ cùng với Nguyễn Bặc, Đinh Điền và Trịnh Tú ở 4 góc xung quanh tượng Đinh Bộ Lĩnh ở giữa.
GS TS Trương Quốc Bình kiến nghị cần dựng tượng đài Lưu Cơ trong khuôn viên Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và đưa rõ thông tin về ông trong những thuyết trình về quá trình xây dựng kinh đô Thăng Long trên trang web chính thức của Hoàng thành Thăng Long. Cùng với việc đó, không chỉ có tên đường mà cần đặt tên Thái sư Lưu Cơ cho một trường học của Hà Nội.
Là một người con của dòng họ Lưu, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội đánh giá, qua hội thảo này, chúng ta đã xoá được phần nào “lớp bụi thời gian” để tiếp cận với “báu vật” của lịch sử mà cụ thể là về Thái sư Lưu Cơ cùng sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm để không chỉ hậu duệ của Thái sư Lưu Cơ mà là với đông đảo người dân cùng nhớ về và tự hào về nhân vật lịch sử này.
Kết luận hội thảo, GS TSKH Vũ Minh Giang – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - cho biết, bên cạnh rất nhiều việc phải làm thì tên tuổi và sự nghiệp của Thái sư Lưu Cơ cần phải được bổ sung một cách xứng đáng vào nội dung của bộ Quốc sử Việt Nam để ông được sống mãi trong các trang sử và trong lòng dân.
Cảm ơn các nhà khoa học và các đại biểu đến tham dự hội thảo, TS Lưu Văn Thành – Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam cho biết, nếu thành phố Hà Nội chính thức có một con đường mang tên Thái sư Lưu Cơ thì sẽ là một vinh dự lớn cho dòng họ của mình. Các thành viên của họ tộc chắc chắn sẽ còn phải làm rất nhiều việc không chỉ cho riêng mình và tin rằng luôn nhận được sự ủng hộ của chính quyền, đoàn thể và đông đảo nhân dân.