Ngày 13/5, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện Hòa Vang và Cẩm Lệ - Đà Nẵng.
Theo thông tin trên VnExpress, tại cuộc gặp gỡ này, nhiều cử tri đã bày tỏ sự lo lắng trước thông tin môn Lịch sử bị đưa ra khỏi chương trình học bắt buộc ở cấp THPT.
Cử tri Nguyễn Đình Hùng (huyện Hòa Vang) nói rằng mình từng là giáo viên Ngữ văn, Lịch sử và quản lý giáo dục trong 38 năm. Ông đã nêu ra những câu chuyện mình gặp phải khi học sinh thiếu kiến thức về môn Lịch sử. Trong một bài kiểm tra Lịch sử, khi học sinh được yêu cầu bình luận về bài "Hịch tướng sĩ" của Trần Quốc Tuấn, có học sinh viết gần 2 trang giấy về thân thế, sự nghiệp của "ông Hịch tướng sĩ" - nói rằng ông này hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đứng lên cầm súng chống giặc, khi mất được chôn tại nghĩa trang Gò Cà (huyện Hòa Vang).
Hồi đáp cử tri, ông Võ Văn Thưởng nói rằng một số người dùng từ "bỏ môn Lịch sử" là cách diễn đạt chưa đúng, khiến cho nhiều lãnh đạo cấp cao cũng tỏ ra băn khoăn.
"Cách nói, cách diễn đạt là bỏ môn Lịch sử ra ngoài môn học bắt buộc, hay môn học Lịch sử không còn là môn học bắt buộc thì tôi nghe cũng không đồng tình. Ở đây không chỉ cử tri bức xúc đâu, nhiều lãnh đạo cấp cao cũng quan tâm về chuyện này" - Tiền Phong trích lời ông Võ Văn Thưởng.
Ông Võ Văn Thưởng cũng nói thêm rằng cấp THCS đã cung cấp kiến thức cơ bản môn Lịch sử. Ở cấp THPT có bắt buộc môn này hay không thì nội dung về lịch sử trong các môn khác cũng tương đối nhiều. Chẳng hạn học sinh học về các môn quốc phòng, an ninh, bảo vệ tổ quốc, lịch sử địa phương thì cũng đều liên quan đến lịch sử.
"Tôi có đề nghị Uỷ ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội hệ thống lại số tiết, thời gian, số trang sách học Sử theo chương trình cũ và mới để xem chênh lệch như thế nào. Kết quả là nếu không chọn Lịch sử là môn bắt buộc ở THPT thì chương trình mới vẫn nhiều hơn chương trình cũ 71 tiết Sử. Còn nếu chọn môn Lịch sử, tức là học sinh đi theo hướng ngành khoa học xã hội nhân văn, thì học nhiều hơn 176 tiết" - VnExpress trích lời ông Võ Văn Thưởng.
Thông tin trên Tiền Phong cho biết ông Võ Văn Thưởng đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban cán sự Đảng bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội nghiên cứu, đánh giá thật kỹ và công bố số liệu để nhân dân cả nước được biết. Trung ương cũng đang rà soát, xem xét lại vấn đề này.