Nhà giáo Trần Trung Hiếu: Tra Google chỉ là cách học sử theo kiểu "ăn sẵn"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Lịch sử là môn học không thể thiếu trong chương trình phổ thông và bất cứ ai cũng phải có kiến thức về lịch sử. Dưới đây là những tâm sự của nhà giáo Trần Trung Hiếu – Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).
Nhà giáo Trần Trung Hiếu - Giáo viên lịch sử tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An)
Nhà giáo Trần Trung Hiếu - Giáo viên lịch sử tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An)

PV: Trước hết, xin hỏi ông nghĩ gì về nghiên cứu, giảng dạy môn lịch sử trong thời đại công nghệ thông tin?

Nhà giáo Trần Trung Hiếu: Về bản chất thì mọi sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử luôn chứa đựng hai mặt tích cực và hạn chế. Vấn đề là phải nhận ra được đâu là tích cực để kế thừa, phát huy và phát hiện ra cái gì là tiêu cực, bất ổn để chỉnh sửa và chế ngự.

Cá nhân tôi nghĩ rằng, sự bùng nổ của cách mạng khoa học trong thời đại 4.0 sẽ giúp cho những người học sử, dạy sử có thêm rất nhiều thông tin mà trước đó họ không có cơ hội được nghe, được đọc, được xem. Đó là điều tích cực nhất và quan trọng nhất

Tất nhiên, khi vào mạng, mỗi giáo viên luôn cần phải có độ tinh và tỉnh. Tinh về đôi mắt và tỉnh về cái đầu để không rơi vào tình trạng fake news, cái bẫy câu “like”, câu “view” của rất nhiều trang nhảm nhí. Internet là lợi thế cung cấp cho người dạy, người học sử có sự tiếp cận những thông tin rất nhanh chóng, có những cái nhìn khá đa diện hơn, đầy đủ hơn, khách quan hơn và trung thực hơn. Vấn đề là mọi người phải tận dụng được điều đó để biến Internet thành một phương tiện khai thác nguồn tài nguyên tri thức, xem đó là một lợi thế để học hỏi, tìm tòi, tra cứu, khảo cứu, nghiên cứu.

Còn bất lợi ư? Đúng là bất lợi nếu như ai đó không chịu đọc thì sẽ bị tụt hậu. Bị lỗi về mặt kiến thức và hạn chế về mặt nhận thức lịch sử. Thậm chí là không cập nhật được những cái mới từng giờ, từng ngày trong thời đại bùng nổ thông tin. Cho nên tôi nghĩ, chính Internet giúp các nhà giáo dạy sử cùng những người viết sử có động lực để không bị lỗi thời về thông tin. Và đương nhiên, những thông tin mà họ biết cách khai thác được sẽ có lợi cho công việc, cho chuyên môn và cuộc sống.

Tuy nhiên, trung thực là điều nhiều người muốn đón nhận của một thông tin trên các phương tiện truyền thông. Trung thực, chính xác, kịp thời là giá trị của thông tin. Đương nhiên, không phải tất cả mọi thông tin được công bố trên các phương tiện truyền thông chính thống đều đẩy đủ. Có những thời điểm lịch sử chưa phù hợp để công bố hoặc công bố chưa đầy đủ. Trong đời sống chính trị xã hội cũng như trong cuộc sống, có khi nói dối mà có lợi thì vẫn phải nói.

Và không có nghĩa rằng tất cả thông tin cần phải thật. Vì có những thông tin lịch sử thuộc về bí mật quân sự, bí mật quốc gia liên quan đến an ninh quốc gia mà cá nhân hay tổ cức nào đó bung ra những thông tin đó thì đương nhiên là phạm luật. Mọi sự vật, hiện tượng bao giờ cũng có hai mặt. Kiến thức trên Internet cũng thế thôi. Vấn đề là phải nhận ra mặt tích cực để phát huy và chỉ ra mặt tiêu cực để lọc, để đọc, để học.

Nói một cách khác, cuộc đời và mạng xã hội cũng luôn cần có sự thanh lọc. Đó là chọn bạn mà chơi, chọn tin mà đọc, chọn hình mà xem. Chứ nếu không chọn được thì sẽ rơi vào tình trạng hoang mang về mặt tư tưởng hoặc nhiễu loạn về thông tin.

Nhà giáo Trần Trung Hiếu (bên trái) nhận Giải thưởng Báo chí vì Sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2021

Nhà giáo Trần Trung Hiếu (bên trái) nhận Giải thưởng Báo chí vì Sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2021

PV: Thực tế là học sinh tốt nghiệp phổ thông rất ít em chọn ngành lịch sử khi vào đại học. Ông nghĩ gì về thực tế đó và nếu không chọn lịch sử thì các em cần ý thức về nó như thế nào?

Nhà giáo Trần Trung Hiếu: Việc học sinh không chọn sử sẽ khác với việc học sinh không yêu sử. Nhiều em có thể rất yêu thích môn sử nhưng không chọn Lịch sử là môn thi, không chọn Lịch sử là nghề nghiệp cho tương lai của mình. Là một giáo sử lâu năm, tôi không ngạc nhiên vì điều đó bởi vì nó gắn liền với quyền lợi, với cuộc sống, với sự lựa chọn nghề nghiệp của các em.

Nguyên nhân vì trình đô phát triển của Việt Nam còn thấp nên những người đi theo ngành sử thì khi vào đời sẽ có mức thu nhập hạn chế. Trong khi đó, ở các nước phát triển thì những người theo học về khoa học xã hội trong đó có lịch sử lại có thu nhập khá hơn.

Ở những nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, xu hướng học sinh lựa chọn các ngành khoa học tự nhiên đang là xu thế phổ biến cũng là bình thường . Đó là sự lựa chọn mang tính thực dụng như kiểu “ứng thi” hiện nay là thi kiểu gì, học kiểu đó. Chúng ta không thể trách các em. Họ yêu sử nhưng không thể yêu bằng nước bọt mà phải sống, sồng bằng nghề sau khi ra trường. Vì thế, chúng ta phải dũng cảm nhìn vào thực tế đó. Nếu như nói học sinh Việt Nam không yêu sử thì đó là cách nói không có cơ sở. Nhưng nhiều học sinh không chọn sử cho nghề tương lai của mình là đúng. Tôi chỉ thấy có một điều rất tiếc nuối bởi chúng ta đang bị lãng phí tiềm năng và tài năng. Rất nhiều học sinh đã đạt danh hiệu Học sinh giỏi quốc gia, thậm chí Học sinh giỏi quốc tế khi đang học phổ thông, nhưng khi vào đại học lại chọn chuyên môn khác, ngành khác để học.

Và chúng ta cũng phải nhìn thực tế với những người đã lựa chọn các ngành kinh tế, kỹ thuật. Không thể nói là họ không biết gì về lịch sử. Thậm chí có những người rất giỏi về lịch sử. Rất nhiều học trò của tôi tuy chọn những ngành học khác nhưng nắm rất cơ bản nhiều kiến thức lịch sử, thuộc sử vanh vách nhiều sự kiện lịch sử. Có nghĩa là họ rất yêu sử nhưng không chọn sử làm nghề nghiệp của mình. Dù học tập và làm việc khác chuyên ngành, lĩnh vực nhưng những kiến thức về lịch sử phổ thông đã có ích cho họ nhiều trong công việc và cuộc sống.

Bằng kinh nghiệm và tâm huyết của một giáo viên Sử đã công tác gần 30 năm qua, tôi phải thẳng thắn điều này : Nếu đến giờ học môn Lịch sử mà học chán học, không tập trung chú ý học thì thầy cô khoan hãy trách học trò. Các thầy cô cần phải xem lại mình dạy như vậy đã thuyết phục chưa, lôi cuốn chưa, đã tận tâm chưa? Sách giáo khoa đã có rồi mà người thầy chỉ biết đọc lại, nói lại tất cả những gì sách thì rõ ràng học sinh sẽ chán học là đương nhiên.

Tôi cho rằng, người thầy phải biết dạy những gì học trò cần chứ không phải là nói những cái mình có. Kiến thức lịch sử đương nhiên là rất cần trong cuộc sống và thực tế là rất nhiều chương trình truyền hình như “Ai là triệu phú”, “Đường lên đỉnh Olympia”... rất đòi hỏi người chơi muốn giành điểm cao thì phải am tường ngay cả những kiến thức sơ đẳng của lịch sử dân tộc và thế giới.

Tôi chỉ sẻ chia với các đồng nghiệp môn Sử của tôi rằng, trách nhiệm của một giáo viên không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ kiến thức mà cần phải bồi bổ nhận thức về lịch sử. Giá trị lớn nhất của những kiến thức lịch sử là phải rút ra bài học lịch sử, dù là thành công hay thất bại. Có thể sai sót một số kiến thức lịch sử nào đó mới chỉ dừng ở mức độ nguy hại, nhưng sai lầm về mặt nhận thức lịch sử mới nguy hiểm. Điều quan trọng nhất khi dạy sử là biết khơi đam mê, truyền cảm hứng và tạo động lực cho học sinh khi học sử.

PV: Ông nghĩ gì về câu ngạn ngữ mới của thời đại 4.0: “Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Google”?

Nhà giáo Trần Trung Hiếu: Câu ngạn ngữ này xuất phát từ lời Bác Hồ từng nói năm 1942: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Xét về mục đích, bất cứ một học sinh ở bất cứ quốc gia, dân tộc nào thì môn toán có thể không giỏi, ngoại ngữ chưa thể xuất sắc nhưng không thể nói rằng môn sử không biết gì.

Ngay từ thuở ấu thơ, hầu như nhiều em trước khi được đến trường, học chữ đã được ông bà, cha mẹ ru bằng những làn điệu dân ca, kể các truyện cổ tích, truyền thuyết, thần thoại như Lạc Long Quân – Âu Cơ, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thánh Gióng, Chiếc nỏ thần. Các em đã được học sử từ những câu chuyện lịch sử của tổ tiên ta dựng nước và giữ nước. Không biết cội nguồn thì sẽ không bao giờ thấy được mối quan hệ giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là vế thứ nhất: “Dân ta phải biết sử ta”.

Nhưng ở vế thứ hai: “Cái gì không biết thì tra Google” thì trước hết có thể coi “Google” là một bách khoa toàn thư về kiến thức. Tuy nhiên, không phải tất cả các kiến thức tra được trên Google đều đủ, đúng, chính xác. Và sự chuẩn xác về mặt kiến thức ở mức độ như thế nào không phải chỉ do người kiểm duyệt mà do năng lực người cung cấp thông tin hoặc cũng có thể do dụng ý của người đẩy thông tin.

Cho nên, tra Google về cơ bản là đúng nhưng không phải là tất cả. Đó chỉ là cách để nhiều người học sử một cách đối phó để chờ “của ăn sẵn”. Mà trong Google thì không phải tất cả kiến thức đều chính xác. Đây là thực tế của nhiều người, trong đó có cả các nhà báo, nhà khoa học đã sử dụng Google như một “chìa khóa vạn năng”để tìm tư liệu cho mình mà không kiểm chứng, tra cứu, khảo cứu thêm nhiều nguồn sử liệu khác nên họ đã sai theo.

Vì thế, tôi muốn nhắc lại vế thứ nhất theo nghĩa: Trước khi biết về lịch sử đất nước thì phải yêu quê hương mình. Trước khi yêu quê hương thì phải yêu chính họ tộc mình, gia đình mình. Giáo dục con người luôn cần tính hướng thiện và nhân văn. Đừng nên vong ơn bội nghĩa với những người có công với đất nước.

Còn vế thứ hai là một thực tế với những người thích ăn sẵn, không chịu tư duy, không chịu đọc và họ đã biến Google thành bách khoa toàn thư, thành cẩm nang lịch sử cho mình. Chính vì thế, không ít người đã phải nếm “trái đắng” từ Google khi thông tin tra được không chuẩn. Ngay cả định vị đường đi, bản đồ số trên điện thoại thông minh của Google nhiều lúc cũng sai chứ!

PV: Có một thực tế là lịch sử ở bất cứ quốc gia nào cũng đều bị chính trị chi phối. Ông nghĩ gì về mối quan hệ giữa chính trị và lịch sử?

Nhà giáo Trần Trung Hiếu: Đó là chân lý luôn đúng ở mọi thời đại, mọi quốc gia, dân tộc, mọi thể chế. Và nhiều người cũng đừng quá ngây thơ nghĩ rằng ở các nước văn minh Mỹ, Anh, Pháp... vốn được mệnh danh là thế giới tự do, dân chủ thì không phải tất cả các kiến thức lịch sử được viết ra là thật cả. Lịch sử ở bất cứ một thể chế nào cũng đều phải phục vụ nhiệm vụ chính trị và bộ máy nhà nước đó.

Thời phong kiến, quan chép sử phải tuân thủ ý vua. Nếu trái ý vua có thể bị chém đầu. Tội giết người chưa phải là nặng nhất. Tội phản quốc cũng chưa phải là to nhất. Mà tội phải chịu mức án kinh khủng nhất là tội khi quân. Nếu nhẹ là chém đầu, còn nặng ra là tru di cả mấy họ.

Vì thế, lịch sử bao giờ cũng phải phục vụ thể chế. Ở thể chế nào thì lịch sử là môn học để phục vụ cho thể chế đó. Điều này đúng cả với các nước được mệnh danh là “thế giới tự do”. Trong lịch sử Việt Nam hàng ngàn năm dựng nước, cũng đã có nhiều bí ẩn lịch sử mà trong các bộ sử thời phong kiến cũng như khoa học lịch sử ngày nay vẫn chưa thể tìm ra những nguồn sử liệu, minh chứng thuyết phục để giải mã và tường minh. Hai triều đại Tây Sơn và Vương triều Nguyễn thì họ đều xem nhau là “nguỵ”, là “giặc” khi viết sử và hành xử. Vì thế, quan điểm viết sử của họ là không giống nhau khi đánh giá, nhận xét nhiều nhân vật lịch sử trong một thời kỳ lịch sử đó. Một nhân vật lịch sử thường là con người của công và tội. Công của triều đại này nhưng là tội của triều đại khác, dòng họ này thì tôn vinh nhưng dòng họ khác lại lên án.

PV: Như nhà văn Alexandre Duma – tác giả tiểu thuyết “Ba chàng ngự lâm” từng nói lịch sử chỉ là cái đinh để treo hoặc để đóng lên tác phẩm nghệ thuật. Ông nghĩ gì về quan điểm này?

Nhà giáo Trần Trung Hiếu: Khi nói “lịch sử chỉ là cái đinh của văn học”, ta phải hiểu theo nghĩa đen trước đã. Rõ ràng, văn học là cái ván mà lịch sử là cái đinh, cái đinh để đóng vào ván. Như thế, văn học mà đặc biệt là văn học sử thường dựa trên những yếu tố có thật của lịch sử. Nhưng các nhà văn đều có quyền hưu cấu một số tình tiết lịch sử để trở thành tác phẩm văn học. Cho nên lịch sử là cái đinh của văn học là xét về góc độ hẹp. Và nếu không có lịch sử thì cũng không có tác phẩm văn học. Bởi vì tác phẩm văn học là phản ánh sự thật lịch sử dưới lăng kính của nhà văn. Còn người viết sử thì lại viết sự kiện đó dưới góc nhìn của sử gia, nghĩa là phải chính xác, rõ ràng về sự kiện, nhân vật, không gian, thời gian. Nhưng với nhà văn thì trên cơ sở của các sự kiện có thật đó, họ có quyền “gia công lại”, thi vị hoá… để làm cho tác phẩm của mình trở nên mềm mại hơn. Đó là những tác phẩm văn học sử từ các sự kiện có thật.

Lịch sử chỉ là cái đinh để treo tác phẩm "Ba chàng ngự lâm" của nhà văn Alexandre Duma

Lịch sử chỉ là cái đinh để treo tác phẩm "Ba chàng ngự lâm" của nhà văn Alexandre Duma

Lịch sử là cái đinh của văn học. Tuy nhiên, cũng phải nhìn vào tính khắc nghiệt của lịch sử mà với các nhà viết sử thì nhiệm vụ của họ là chép sử của nhiều triều đại. Nếu trung thực với lịch sử thì thậm chí có người bị tù dầy, bị giết hại vì không làm theo chỉ đạo của vương triều. Cái đinh của văn học đúng là như thế. Lịch sử chỉ diễn ra một lần nhưng dưới ngòi bút và lăng kính của nhà văn thì nó có thể thiên biến vạn hoá và điều đó lại lệ thuộc vào tài năng của từng nhà văn.

PV: Xin cám ơn ông!