Grab - dịch vụ đặt xe công nghệ cao ở Đông Nam Á đang đàm phán với Uber để mua lại bộ phận kinh doanh của Uber tại khu vực này. Động thái của Grab nhằm tăng cường sức mạnh hơn nữa đối với thị trường vận tải đang phát triển nhanh tại khu vực này.
Uber đã chuyển các hoạt động tại Trung Quốc của mình sang cho hãng Didi Chuxing vào năm 2016 nhằm kết thúc cuộc chiến tốn kém với Didi và định vị lại các nguồn lực để giành chiến thắng tại thị trường Đông Nam Á. Là thị trường Internet lớn thứ tư thế giới, khu vực Đông Nam Á cũng là nơi mà người dân đang có mức thu nhập ngày một tốt hơn và họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ cá nhân.
Theo Kr-Asia, với tương lai tương sáng của dịch vụ đặt xe công nghệ cao, thị trường Đông Nam Á đang có sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ. Uber đã gặp phải nhiều thách thức kể từ khi họ đặt chân vào thị trường này, trong đó có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ hãng Go-Jek ở Indonesia và Grab ở các quốc gia Đông Nam Á.
Đáp ứng nhu cầu địa phương
Năm ngoái, Grab tuyên bố rằng hãng đã chiếm được 95% thị phần vận chuyển bằng taxi liên kết và 71% thị phần xe tư nhân. Hãng đã hoàn thành hơn 1 tỷ cuốc xe tại Đông Nam Á.
Uber đã không công bố thị phần của mình tại Đông Nam Á, nhưng tháng 6 năm ngoái hãng này đã tuyên bố rằng đã vượt qua mốc 5 tỷ cuốc xe trên toàn thế giới. Uber hiện đang hoạt động tại hơn 80 quốc gia.
Grab khởi nghiệp tại Malaysia và hiện đang cung cấp dịch vụ tại hơn 160 thành phố thuộc các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Myanmar và Campuchia, trong khi Uber chỉ hoạt động tại 60 thành phố.
Sự phát triển nhảy vọt của Grab ở Singapore có thể một phần do sự hiểu biết tốt hơn và sự điều chỉnh nhanh nhạy hơn đối với nhu cầu của địa phương. Ví dụ Grab linh hoạt hơn trong các lựa chọn thanh toán, hãng chấp nhận cả thẻ và tiền mặt. Đây là một động lực tăng trưởng quan trọng bởi người tiêu dùng khu vực này rất thích sử dụng tiền mặt. Đến giờ thì Uber cũng đã chấp thuận cho khách hàng thanh toán bằng tiền mặt.
Ngoài việc thỏa mãn nhu cầu khách hàng, Grab cũng chú ý nhiều hơn đến nhu cầu của đối tác lái xe. Grab đã làm việc với một số nhà sản xuất điện thoại để cung cấp smartphone cho các tài xế nghèo, và dạy họ cách sử dụng những chiếc smartphone này.
Nhà đầu tư SoftBank
Việc sáp nhập hoạt động của Grab và Uber tại thị trường Đông Nam Á không phải là một ý tưởng mới mẻ.
Ngân hàng SoftBank của Nhật đã bơm hàng tỷ USD vào Uber năm ngoái. Điều này khiến nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán rằng SoftBank có thể gây sức ép để sáp nhập hoạt động của Uber và Grab, khi SoftBank là cổ đông chính trong ban quản trị của cả hai công ty.
“SoftBank sẽ đóng vai trò là người hợp nhất”, một nguồn tin thân cận với Grab cho biết. Nguồn tin này nói thêm rằng khi SoftBank là thành viên hội đồng quản trị ở cả hai công ty, cuộc đàm phán giữa hai đối thủ sẽ thay đổi về cơ bản. SoftBank không muốn Uber cạnh tranh với các công ty mà mình cũng đang bỏ vốn đầu tư tại thị trường Đông Nam Á là Grab và Didi.