Mười năm trước, HTC đã có 1 cơ hội không thể tốt hơn để thống lĩnh thị trường smartphone, khi Google quyết định hợp tác cùng nhà gia công thiết bị Windows Mobile nổi tiếng để ra mắt thiết bị Android thương mại đầu tiên HTC Dream (T-Mobile G1), và sau đó là Nexus One. Tuy nhiên, chặng đường tiếp theo của HTC không hề bằng phẳng. Hai năm cuối cùng làm việc cùng Google để sản xuất Google Pixel, tình hình của công ty Đài Loan trở nên vô cùng bấp bênh.
Chẳng một ai có thể lạc quan về tương lai của HTC khi nhìn vào bản báo cáo tài chính hàng tháng được công bố. Đó là một câu chuyện đầy nước mắt của giới công nghệ, có lẽ khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn lại quá trình bắt đầu từ năm 2010 khi Google bắt đầu hợp tác cùng HTC để sản xuất Nexus One.
AppleInsider: “Google đang bỏ đói các công ty trong chuỗi cung ứng”
HTC từng là nhà sản xuất, gia công thiết bị theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Cùng với sự thành công của iPhone, HTC đã đạt được thành công nhất định nhờ mối quan hệ ban đầu với Google. Thời điểm đó, các sản phẩm từ LG, Sony hay Samsung đều không thể có sức hút bằng HTC.
HTC Dream (T-Mobile G1) là mẫu Android thương mại được bán ra rộng rãi. Ảnh: Android Central
|
Năm 2011, HTC lọt vào Top 100 thương hiệu nổi bật, doanh thu tăng trưởng vượt bậc 67%. Nhưng sau ánh hào quang, HTC đã sa sút dần trong những năm tiếp theo. Tín hiệu đáng ngại khiến AppleInsider tin rằng “Chiến lược Pixel của Google đang giết chết các công ty trong chuỗi cung ứng của mình”.
HTC bị ảnh hưởng lớn khi đối tác lâu dài của họ bất ngờ quay lưng lại và tìm đến các nhà sản xuất khác như Samsung, LG, Motorola để gia công các thiết bị Nexus tiếp theo. Thực tế, Google đã kết nối lại với HTC để ra mắt mẫu tablet Google Nexus 9 được cho là không thành công. Mặc dù, Google đã quay lại với HTC để sản xuất Google Pixel và Pixel 2 nhưng vẫn không thể đưa HTC ra khỏi khủng hoảng.
Theo AppleInsider, Google đã theo đuổi một chiến lược bắt đầu từ phần mềm, quảng bá các tính năng độc quyền, đặc biệt là khả năng chụp ảnh. Tuy nhiên, ngược lại với Apple, Google đang bỏ đói các công ty chuỗi cung ứng. Sự thành công của “Táo khuyết” trong vòng hơn 1 thập kỷ qua đã chứng minh mức độ hiệu quả trong chiến lược sản xuất phần cứng.
Thực tế, Google chưa từng bị đề cập đến việc lần lượt “bỏ đói” đối tác gia công thiết bị cho mình. Trong khi nếu Apple chuyển đổi nhà cung ứng sẽ đối mặt với những chỉ trích vì khiến lượng công nhân lớn mất đi kế sinh nhai. Và giờ đây, khi các đối tác của Google đang trên đà suy thoái thì có thể cho rằng chiến lược của Google thực sự không phù hợp.
Báo cáo tài chính hàng tháng được HTC công bố. Nguồn: AppleInsider
|
Mặc dù nhận được sự trợ giúp trực tiếp của Google nhưng doanh thu của HTC trong nửa đầu năm 2018 vẫn giảm hơn 49,25% so với cùng kỳ năm ngoái. Khủng hoảng của HTC bộc lộ rõ qua báo cáo tài chính hàng tháng. Tính tới tháng 6, HTC cho biết doanh thu của công ty đã sụt giảm kỷ lục 67,64%. Năm 2017, công ty cũng đã đề cập đến doanh số báo động nhưng không thể xoay chuyển cục diện trong năm nay.
AppleInsider nhận định Google không thể thành công rộng rãi trong mảng sản xuất phần cứng và HTC không phải là nạn nhân duy nhất. Google đã tiếp quản Motorola vào năm 2012 và tung ra Moto X với hy vọng nó sẽ “là sản phẩm đầu tiên trong loạt sản phẩn phần cứng mà Google hy vọng sẽ tăng cường phần mềm và dịch vụ cho công ty mẹ” (theo Wired) và chỉ một năm sau đã chấp nhận bán đi biểu tượng của ngành công nghệ Mỹ cho một công ty Trung Quốc.
Sự nhầm lẫn khó tin
AppInsider đang đổ lỗi cho Google về sự sụp đổ của HTC, cũng như Motorola. Họ cho rằng các sản phẩm của Google như Pixel và Nexus không hề tốt như lời của các phương tiện truyền thông và hủy hoại hệ sinh thái Android.
Tuy nhiên thật vô lý khi tin rằng khủng hoảng của HTC là do chiến lược Pixel của Google. Đúng là Google đã không thành công với Motorola nhưng đó là hai trường hợp hoàn toàn khác nhau, bởi lý do chính của vụ thâu tóm này là đầu tư vào nhân lực và bằng sáng chế. Chưa kể từ khi về tay Lenovo, Motorola đã giới thiệu những mẫu smartphone tốt tới đáng ngạc nhiên trong phân khúc bình dân và trung cấp. Có thể đó không phải là Motorola mà chúng ta từng biết nhưng không thể khẳng định Motorola đã chết.
HTC Sooner, mẫu điện thoại Android đầu tiên. Ảnh: Android Central
|
Quay lại với HTC, Sooner thực tế mới là mẫu Android đầu tiên được sản xuất (thử nghiệm), sau đó là HTC Dream. Năm 2010, mối quan hệ hợp tác để ra mắt Nexus One (mẫu smartphone đầu tiên mang thương hiệu Google) đã nâng tầm HTC, từ một công ty chuyên gia công thiết thiết bị như Foxconn (chủ yếu là Windows Mobile đang dần tới hồi kết) thành một nhà sản xuất điện thoại Android hàng đầu.
Khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2014, nhắc tới HTC là chúng ta nghĩ ngay tới Android. Tiếp nối thành công của Nexus One, HTC đã gây tiếng vang với nhiều mẫu Android khác nhau, từ loạt sản phẩm Desire, tới mẫu Droid DNA gia công cho nhà mạng Mỹ, Verizon. Công ty Đài Loan đã tạm ngừng hợp tác với Google từ năm 2010 và vươn lên đỉnh cao trong vòng 4 năm trước khi bắt đầu suy thoái.
Trong 2 năm (từ 2014 đến 2016), HTC cho biết đã gặp khó khăn để cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường smartphone. Doanh thu sụt giảm nhiều quý liên tiếp phản ánh đúng thực trạng kể từ sau One M8, HTC không thể tung ra một mẫu smartphone nào đáng chú ý.
Tháng 2/2016, 8 tháng trước khi Pixel ra mắt, Google lại đem tới tín hiệu tích cực khi quyết định chọn HTC làm đối tác. Mặc dù hiểu rõ tình trạng tài chính của HTC nhưng Google vẫn không ngừng dành sự ưu ái cho công ty Đài Loan. Hai năm gần đây, ngoài hợp đồng gia công Pixel và Pixel 2, công ty đã đầu tư 1,1 tỷ USD để mua lại một phần bộ phận sản xuất di đông mà có lẽ nếu không nhận được nguồn tài trợ khổng lồ đó thì khó có thể tưởng tượng số phận của HTC sẽ ra sao.
Nếu cho rằng Google đang giết chết các công ty trong chuỗi cung ứng thì hãy nhìn sang Samsung và LG. Mối quan hệ hợp tác với Samsung để ra mắt Nexus S (2010) và Galaxy Nexus (2011) là khởi đầu cho sự thống trị của Samsung trên thị trường smartphone. Kể từ sau Galaxy S2, Samsung đã vươn lên thành đối thủ lớn nhất của Apple.
Không phải đối tác nào của Google cũng rơi vào tình cảnh bi đát như HTC. Ảnh: Android Central
|
Đối vói LG, Nexus 4 khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác kéo dài 6 năm với Google trên 4 mẫu thiết bị khác nhau: Nexus 4, Nexus 5, Nexus 5X và Pixel 2 XL. LG không thành công như Samsung, không bất hạnh như HTC, nhưng công ty Hàn Quốc vẫn đang tồn tại và duy trì vị trí vững chắc.
Điểm thú vị trong bài viết của AppleInsider chỉ dựa trên lý do là Pixel không phổ biến rộng rãi như iPhone. Doanh số của các thế hệ Nexus và Pixel không thể so sánh với iPhone đơn giản bởi chiến lược của Google chỉ hợp tác với 1 công ty duy nhất gia công thiết bị và không bán ra với số lượng lớn. Google có thể chưa thành công trong lĩnh vực bán lẻ nhưng điều đó không có nghĩa họ phải chịu trách nhiệm cho kết thúc bi đát của bất kỳ đối tác nào. Đáng tiếc là AppleInsider đã cố tình không hiểu về điều này.