Gốm Chi giản dị mà sang trọng. |
Rock, Jazz trên gốm
Đối với gốm Chi họa tiết là điểm nhấn quan trọng, là yếu tố tạo nên sự độc đáo, hài hòa cho sản phẩm. Gốm Chi hiện đại có sự phá cách ngay trong họa tiết trang trí. Vẫn “dáng Chi, men Chi’ đấy nhưng các họa tiết không còn là họa tiết là hoa văn tĩnh vật truyền thống nữa, mà là những nguệch ngoạc đầy ngẫu hững.
Chút dữ dội của Rock, chút ngẫu hững của nhạc Jazz luôn phảng phất trong các nét vẽ, trong những mảng màu lập dị và những “nét vẩy” men độc đáo. Những sản phẩm được ra lò từ cách đây hơn chục năm là sự hòa quyện giữa hội họa và âm nhạc, tạo cho người thưởng thức cảm giác như bị kích động, thôi thúc trí tò mò, muốn chạm tay vào lớp vỏ xù xì kia, muốn nhìn sâu vào màu men lạ lùng ấy…
Cảm nhận vẻ đẹp hiện đại của gốm Chi quả không dễ dàng bởi nó là sự bộc lộ thăng hoa của cảm xúc cá nhân
|
Đôi khi như một bản Rock lên đến cao trào, người ta còn muốn đập vỡ xem trong cái bí ẩn đầy cá tính kia chứa đựng bên trong điều gì!
Hơn chục năm trước những mới mẻ mà gốm Chi có được là nhờ vào những người bạn là fans của nhạc Jazz, nhạc Rock đã tốt nghiệp Đại học Mỹ Thuật, đã có vài năm thâm niên thực tế ‘lang thang” kiếm sống bằng đủ nghề, từ vẽ quảng cáo, chép tranh… rồi tìm về xưởng gốm Chi “khởi nghiệp” làm bạn với đất – lửa.
Cảm nhận vẻ đẹp hiện đại của gốm Chi quả không dễ dàng bởi nó là sự bộc lộ thăng hoa của cảm xúc cá nhân. Như anh bạn trẻ ngồi vẽ ở góc vườn nói: “Phải có ở trong lòng một chút nồng nàn của đất, cảm giác phiêu của một bản Jazz, một chút dữ dội của Rock mới cảm nhận được nhịp đập của gốm, của tâm hồn người làm ra nó.”
Không gian gợi cảm hứng sáng tạo
Đến xưởng gốm Chi ở 43 Nguyễn Xiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội chúng tôi có cảm giác gần gũi thân thiết như đến nhà một người bạn không phải chỉ ở sự mến khách của người chủ trẻ tuổi.
Không gian dân dã tràn ngập gốm mà lại gợi mở… Người ta như lạc vào một thế giới khác, bỏ lại phía sau cái ồn ào tấp nập phố xá của cuộc sống hiện đại để đắm mình vào cảm giác bình yên thanh thản, sâu lắng đến lạ lùng.
Chỉ còn tiếng chuông gió leng keng trong cái không tĩnh lặng như vào giữa buổi trưa trong vườn một ngôi chùa cổ kính.
Anh Nguyễn Hồng Tân, chủ xưởng Gốm Chi.
|
Những nghệ nhân trẻ tuổi miệt mài làm việc, thỉnh thoảng trên gương mặt suy tư của họ lại nở một nụ cười khó cắt nghĩa được là dành cho ai. Không gian ở đây luôn tạo cho con người muốn làm một vật gì đó từ đống đất vô tri vô giác kia.
“Nếu giây phút ấy chợt đến với bạn thì bạn cứ tự nhiên như ở nhà mà nặn cho mình cái mà mình thích, trang trí nó theo cách nghĩ của bạn, rồi bạn tự chọn màu men nào tùy ý. Và nếu bạn muốn có cái passport (hộ chiếu) vào làng gốm bạn hãy in vân tay của mình lên nó. Chỉ vài ngày sau mẻ gốm ra lò bạn sẽ có một tác phẩm… để làm kỷ niệm một lần đến với gốm” - Họa sỹ Nguyễn Hồng Tân, chủ xưởng gốm bảo thế.
Cô bạn cùng đi với tôi đã làm cho mình một cái bình kỳ lạ nhất, một cách thích thú nhất như cô ấy đang là một đứa trẻ!
Từ chiếc tẩu đến gốm trang sức…
Vào những năm 1970, có một người thợ gốm tên là Nguyễn Văn Chi tự mình lập một lò gốm và làm ra những sản phẩm gốm lạ biệt so với những các mẫu gốm từ các làng nghề truyền thống ở miền Bắc. Thời đấy, đất nước khó khăn, nhà nhà đều chỉ lo đủ ăn đã khó, còn nghĩ chi đến nghệ thuật. Nhưng người thợ gốm ấy, với vốn nghề tự học từ nhỏ cùng với sự am hiểu nghệ thuật, vẫn miệt mài sáng tạo ra những chiếc chén đĩa, bình lọ phá cách, nhưng mộc mạc, tự nhiên và có một nét duyên ngầm có thể gọi là sự tinh tế. Dòng Gốm Chi cũng được tạo dựng từ đó.
Đất và lửa cộng với cái tâm cái hồn cái phiêu du của hội họa âm nhạc đã tạo nên một phong cách mới cho gốm Chi truyền thống.
|
Trải theo năm tháng cho đến nay, nằm lặng lẽ trong một góc nhỏ của con phố Vạn Kiếp, Gốm Chi vẫn giữ nguyên được phong cách đẹp mộc mạc cùng tạo hình lạ mắt mà không bị trộn lẫn, dù thị trường gốm giờ sôi động và đa dạng hơn nhiều. Ấy là nhờ có sự tiếp nối của thế hệ kế tiếp – Nguyễn Hồng Tân và các anh, em trai (những người con của ông Chi).
Tân nở nụ cười rất hiền và kể, năm 1997 khi còn là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, từ thói quen hút thuốc lá anh đã làm một chiếc tẩu bằng gốm tiện dụng đeo vào tay để có thể vừa làm vừa nhả khói.
Trải nghiệm của du khách tại xưởng gốm
|
Thấy hay hay anh lại làm thêm một cái mặt tròn tròn “vẽ vời’ lên nó mà chính anh cũng không thể lý giải được nó là cái gì, rồi đeo cùng chiếc tẩu thành một cặp.
Nào ngờ cứ xuất hiện ở đám đông là bị chị em chú ý. Từ ấy anh nảy ra ý tưởng làm gốm cho phái đẹp.
Rồi anh bảo, mọi người đừng hút thuốc lá nhé nó rất có hại cho sức khỏe. Nên tạo ra cảm giác thư giãn nhờ hội họa, âm nhạc, du lịch… và những thứ thời trang, vật dụng ngay chính trong nhà của mình. Chỉ cần có một căn phòng trang trí đẹp đẽ đã là đủ cho con người cái cảm giác thân thương bình an thư giãn sau một ngày làm việc vất vả… Người Hà Nội bây giờ rất thích đồ gốm!
Hình ảnh những con sứa trong một chuyến đi biển, hay ấn tượng về một gương mặt cô gái anh tình cờ gặp trên phố cũng tạo cho anh cảm hứng làm ra những vòng, những nhẫn, những khuyên tai… đủ mọi hình thù, màu sắc, cái nào cũng lạ mắt và gây được ấn tượng ngay lần đầu với người tiếp xúc. Rồi kết hợp cũng cô bạn cũng là dân mỹ thuật xâu chuỗi chúng lại thành những dây lưng, kiềng đeo cổ, dây đeo chân…
Nếu bạn muốn có cái passport (hộ chiếu) vào làng gốm bạn hãy in vân tay của mình lên nó. Chỉ vài ngày sau mẻ gốm ra lò bạn sẽ có một tác phẩm… để làm kỷ niệm một lần đến với gốm.
|
Gốm trang sức của Tân đã tạo ra một cơn sốt nho nhỏ ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Rồi nó bước vào làng thời trang để cùng những nam thanh nữ tú xuất hiện trong những buổi trình diễn thời trang trong nước và quốc tế. Đất và lửa cộng với cái tâm cái hồn cái phiêu du của hội họa âm nhạc đã tạo nên một phong cách mới cho gốm Chi truyền thống đất ngàn năm văn vật thêm ngời sáng và thân thiện với cuộc sống đang chuyển mình cùng sự phát triển của Thủ đô ngàn năm văn hiến.