Giữa lúc căng thẳng, Trung Quốc tung phim mô phỏng tấn công Guam, Mỹ đưa video tập trận chiếm đảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào lúc quan hệ Trung – Mỹ đang cực kỳ căng thẳng xung quanh cuộc chiến công nghệ và vấn đề Đài Loan, Biển Đông; cả hai bên đã tung ra các video chiến tranh nhằm mục đích đe dọa nhau.
Hình ảnh phi công chiếc H-6K khóa mục tiêu sân bay đối phương chuẩn bị tấn công trong phim "Tên tôi là Chiến Thần" (Ảnh: Đa Chiều).
Hình ảnh phi công chiếc H-6K khóa mục tiêu sân bay đối phương chuẩn bị tấn công trong phim "Tên tôi là Chiến Thần" (Ảnh: Đa Chiều).

Ngày 19/9, tài khoản weibo của Không quân Trung Quốc đã công bố đoạn video mô phỏng về vụ máy bay ném bom H-6K có thể mang vũ khí hạt nhân tiến hành oanh tạc một căn cứ. Hãng tin Reuters chỉ ra rằng hình ảnh vệ tinh về căn cứ được hiển thị trong video là Căn cứ Không quân Anderson của Mỹ ở Guam. Trước đó, Phân đội tác chiến của Lữ đoàn 4 thuộc Sư đoàn bộ binh 25 của Mỹ ngày 16/9 đã công bố đoạn video về cuộc tập trận của lực lượng nhảy dù tại thao trường Donnelly, Alaska ngày 14/9. Cuộc tập trận này nằm trong khuôn khổ cuộc tập trận đánh chiếm đảo quy mô lớn “Người bảo vệ Thái Bình Dương 2020” của quân đội Mỹ.

00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Phim "Tên tôi là Chiến Thần" do Không quân Trung Quốc phát hành

Trang tin Deutsche Welle ngày 21/9 cho biết, hôm 19/9, Không quân Trung Quốc đã phát hành một đoạn phim ngắn có độ dài 2 phút 15 giây do Trung tâm Tuyên truyền và Văn hóa Cục Chính trị Không quân sản xuất trên trang Weibo chính thức “Air Force Online”. Bộ phim có tên “Tên tôi là Thần Chiến tranh”, sử dụng các phân đoạn cảnh thật kết hợp với công nghệ hoạt hình 3D mô phỏng để tái hiện trực quan toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ tấn công của chiếc H-6K – loại máy bay được truyền thông Trung Quốc gọi là “Chiến Thần” (Thần Chiến tranh).

Sau khi cất cánh từ căn cứ, chiếc H-6K đã bay qua sa mạc và đồng cỏ, trên đường bay, phi công nhấn nút, một tên lửa bay ngang bầu trời và lao xuống một căn cứ bên bờ biển. Trong phút chốc, cả căn cứ biến thành biển lửa, khói đặc cuồn cuộn bốc lên. Sau khi oanh kích, chiếc H-6K quay trở về và hạ cánh thuận lợi dưới sự hộ tống của nhiều chiếc J-11. Phim được lồng thêm nền nhạc hoành tráng và hiệu ứng âm thanh rất kịch tính, chẳng khác gì bối cảnh phim bom tấn Hollywood. Điều đặc biệt nổi bật gây chú ý là một cảnh quay trong phim hiển thị hình ảnh vệ tinh của căn cứ bị ném bom, cho thấy đó chính là Căn cứ Không quân Anderson của Mỹ trên đảo Guam.

Hình ảnh tên lửa do chiếc H-6K phóng tấn công căn cứ đối phương (Ảnh: Đa Chiều).
Hình ảnh tên lửa do chiếc H-6K phóng tấn công căn cứ đối phương (Ảnh: Đa Chiều).

Deutsche Welle nhận xét, thời điểm Trung Quốc công bố đoạn phim đúng vào lúc quan hệ Trung - Mỹ đang rất căng thẳng. Kể từ tháng trước, Bắc Kinh đã liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở các vùng biển Bột Hải, Hoàng Hải, Hoa Đông và Biển Đông. Từ ngày 18/9, Bắc Kinh lại huy động nhiều máy bay chiến đấu tới vùng trời xung quanh Đài Loan trong 3 ngày liên tiếp để thể hiện sự bất bình mạnh mẽ với chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach.

Phía Đài Loan cho biết, trong số các máy bay chiến đấu Trung Quốc xuất hiện xung quanh Đài Loan có cả loại H-6K. Căn cứ không quân Guam Anderson là căn cứ chiến lược tiền duyên quan trọng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương. Không quân Mỹ triển khai ở đây các máy bay ném bom B-52, máy bay ném bom siêu thanh B-1B và máy bay ném bom tàng hình B-2A. Hầu hết các máy bay ném bom của Mỹ thường hoạt động ở biển Hoa Đông và Biển Đông đều cất cánh từ đây.

Đảu Guam với căn cứ Anderson (Ảnh: Reuters).
Đảu Guam với căn cứ Anderson (Ảnh: Reuters).

Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng của Singapore, cho rằng Không quân Trung Quốc phát hành video này nhằm làm nổi bật uy lực ngày càng tăng của Trung Quốc về sức mạnh tầm xa và cảnh báo người Mỹ rằng “nếu xảy ra xung đột khu vực ở Đài Loan hay Biển Đông thì các căn cứ của họ ở phía sau như Guam tưởng như an toàn cũng sẽ bị đe dọa”.

Tuy nhiên, sau khi đoạn video được phát tán rộng rãi trên mạng Sina Weibo, các cư dân mạng đã lập tức lên tiếng chê bai, chế giễu vì một số người đã chỉ ra rằng những cảnh quay về vụ oanh kích bằng tên lửa trong video đã được “cọp” từ ba bộ phim Hollywood nổi tiếng là “Transformers 2”, “The Rock” và “The Hurt Locker”.

Hình ảnh lửa bao trùm căn cứ sau khi trúng tên lửa bị cho là lấy từ phim Hollyood (Ảnh: Đa Chiều).
Hình ảnh lửa bao trùm căn cứ sau khi trúng tên lửa bị cho là lấy từ phim Hollyood (Ảnh: Đa Chiều).

Trước đó, vào ngày 16/9, Phân đội tác chiến Lữ đoàn 4 thuộc Sư đoàn bộ binh 25 của Mỹ đã đăng lên Facebook một đoạn video được ghi là cuộc tập trận ngày 14/9. Đoạn video đầu tiên cho thấy những người lính đang huấn luyện tại căn cứ không quân Elmendorf AFB, Alaska, nhận súng và lên máy bay quân sự trong màn đêm. Tại địa điểm được đánh dấu là thao trường Donnelly, Alaska, các binh sĩ lần lượt nhảy dù từ máy bay quân sự với cảnh tượng hoành tráng. Sau khi tiếp đất, các binh sĩ sắp xếp lại trang bị và lên đạn chuẩn bị chiến đấu... Tin cho biết, cuộc diễn tập này là một phần trong cuộc tập trận thường niên của quân đội Mỹ mang tên “Người bảo vệ Thái Bình Dương”.

Trang web chính thức của quân đội Mỹ cho biết cuộc tập trận được tổ chức ở Hawaii và Alaska, cách nhau 8.000 km. Lục quân Mỹ đóng tại Hawaii đã hợp tác với Không quân để thực hiện chiến dịch chung tiến vào quần đảo Aleutian. Các lực lượng liên quân đầu tiên được triển khai đến Guam, sau đó đến Palau và sau đó là Alaska. Cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả năng quân đội Mỹ có thể nhanh chóng triển khai tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong khoảng thời gian ngắn.

Hình ảnh lính Mỹ diễn tập nhảy dù chiếm đảo trong video của Mỹ (Ảnh: news.creaders)
Hình ảnh lính Mỹ diễn tập nhảy dù chiếm đảo trong video của Mỹ (Ảnh: news.creaders)

Phóng viên quân đội Mỹ David Axe viết trên Forbes rằng cuộc tập trận “Người bảo vệ Thái Bình Dương” tiêu tốn khoảng 300 triệu USD mỗi năm có hàng chục nghìn người tham gia. Theo David Axe, cuộc tập trận này của quân đội Mỹ rõ ràng là nhằm vào việc mở rộng quân sự của Trung Quốc trên các đảo và bãi đá ngầm ở Biển Đông. Ông viết, “Sau Đài Loan, Biển Đông có thể là nơi có nhiều khả năng kích hoạt các cuộc chiến tranh khu vực quy mô lớn. Do đó, chiến lược quân sự của Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương ngày càng tập trung vào việc đánh chiếm và kiểm soát các đảo nhỏ và bãi đá ngầm để chống lại quân đội Trung Quốc có thể đông người hơn nữa”.

00:00
/
Có lỗi xảy ra!.
Error code: 4
Video quân đội Mỹ nhảy dù chiếm đảo

Bài báo cũng tiết lộ rằng trong hai cuộc tập trận kéo dài trong hai tuần và cách nhau hàng ngàn dặm này, quân đội Mỹ đã thể hiện việc làm thế nào để đánh chiếm thành công và kiểm soát các đảo thông qua các trận chiến trên không và trên biển. Trong khi diễn tập, Mỹ đã huy động các chiến đấu cơ tàng hình F-22 và máy bay vận tải C-17 của Không quân.