Reuters sau khi thử kiểm tra cũng phát hiện ra rằng người dùng sau khi tải xuống và cài đặt WeCom có thể liên kết tài khoản WeChat của mình với tài khoản các địa chỉ WeChat có liên hệ. Hơn nữa, người dùng WeCom có thể gửi tin nhắn, tạo nhóm trò chuyện và thậm chí chuyển tiền với những người bạn WeChat mà không cần bạn bè trong nhóm WeChat của họ tải xuống và cài đặt WeCom. Có nghĩa là tuy tên gọi ứng dụng mới ở Mỹ là WeCom, nhưng thực chất nó vẫn là WeChat. Hiện các cửa hàng ứng dụng App Store và Google Play ở Mỹ đều đã có các App WeCom.
Vào ngày 18/9 theo giờ địa phương, Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo họ sẽ cấm các “giao dịch” (transactions) liên quan của hai phần mềm ứng dụng TikTok và WeChat, có liên quan đến nhiều nội dung. Trong đó, bao gồm từ Chủ nhật (20/9) cấm các cửa hàng ứng dụng App Store và Google Play ở Mỹ cung cấp trình tự và bản cập nhật hai ứng dụng TikTok và WeChat; đồng thời WeChat bị cấm cung cấp mọi dịch vụ chuyển tiền hoặc xử lý thanh toán tại Mỹ.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ nói rằng động thái này được thực hiện nhằm “bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ” và đáp lại hai lệnh hành pháp được Tổng thống Trump ký ngày 6/8.
WeCom đã được Tencent đăng ký nhãn hiệu ở Mỹ từ ngày 19/8 (Ảnh: Sina).
|
Vào ngày 6 tháng 8, Tổng thống Donald Trump đã ký hai lệnh hành chính liên tiếp chống lại TikTok và WeChat. Nội dung về cơ bản giống nhau, đó là cấm bất kỳ cá nhân và tổ chức nào thuộc thẩm quyền tư pháp của Mỹ thực hiện mọi giao dịch nào liên quan đến WeChat của Tencent và TikTok cùng công ty mẹ ByteDance. Lệnh cấm giao dịch này sẽ có hiệu lực sau 45 ngày (tức là từ ngày 20/9).
Tuy nhiên, lệnh cấm “giao dịch” cũng khiến nhiều người hoang mang. Phóng viên Emily Rauhala của Washington Post đã đặt câu hỏi trên mạng xã hội: “Giao dịch có nghĩa là gì? Ai đó ở Hoa Kỳ có thể gửi tiền cho các thành viên gia đình họ ở Trung Quốc không? Tôi có thể gửi tiền cho giáo viên dạy tiếng Trung của tôi ở Bắc Kinh không? Tôi có thể gửi trả 50 Nhân dân tệ mà tôi nợ bạn bè được không?”.
Hãng Reuters đưa tin nói, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross sẽ ban hành các quy định quản lý cụ thể trước giờ địa phương ngày Chủ nhật để làm rõ những giao dịch nào liên quan đến WeChat sẽ bị cấm.
Bản tin trên cũng trích dẫn hai nguồn tin từ Tencent cho biết WeCom không nằm trong phạm vi lệnh cấm của Mỹ đối với các giao dịch liên quan đến WeChat.
Úng dụng WeCom hiện đã xuất hiện trên các cửa hàng ứng dụng App Store và Google Play ở Mỹ (Ảnh: RFI).
|
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố vào ngày 16/9, ông Ross không có ý định nhắm mục tiêu vào các cá nhân hoặc tổ chức chỉ đơn giản tải xuống hoặc sử dụng WeChat để trao đổi thông tin cá nhân hoặc thương mại. Người dùng WeChat của Hoa Kỳ có thể tiếp tục tải xuống và sử dụng WeChat mà sẽ không chịu trách nhiệm dân sự và hình sự vì vi phạm Nghị định của Tổng thống.
Hiện tại, Tencent chưa có bình luận gì về việc này.
Đáp lại lệnh cấm của Mỹ, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 19/9 đã tuyên bố: “Chúng tôi chú ý đến các hành động liên quan của Mỹ. Mỹ đã với lý do 'an ninh quốc gia' để cấm giao dịch với các ứng dụng di động WeChat và TikTok, gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của các công ty liên quan, làm rối loạn trật tự thị trường bình thường. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều này”.
Người phát ngôn chỉ rõ: “Mỹ đã nhiều lần sử dụng sức mạnh quốc gia để “săn lùng” và trấn áp hai công ty nói trên vì những lý do vu vơ không chính đáng, làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động kinh doanh bình thường của các công ty và gây tổn hại cho lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế vào môi trường đầu tư của Mỹ, phá vỡ trật tự kinh tế và thương mại quốc tế bình thường. Trung Quốc kêu gọi Mỹ từ bỏ hành vi bắt nạt, chấm dứt ngay cách làm sai trái, thiết thực bảo vệ các quy tắc và trật tự quốc tế công bằng, minh bạch. Nếu Mỹ cứ tùy tiện hành động theo ý mình, Trung Quốc sẽ áp dụng biện pháp cần thiết, kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc”.
Trang web VOA ngày 20/9 đưa tin, theo hồ sơ của Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ, việc đăng ký nhãn hiệu của Tencent cho việc đổi tên WeChat xảy ra vào ngày 19/8. Tencent cho biết WeCom không nằm trong phạm vi lệnh cấm của Mỹ đối với các giao dịch liên quan đến WeChat. Tuy nhiên, Tencent dường như không tích cực quảng bá WeCom và lượt tải xuống cũng không tăng đột biến. Tencent muốn bình luận về các vấn đề liên quan mà các phóng viên đưa ra.
WeChat là phần mềm nhắn tin nhanh hỗ trợ các hệ điều hành di động Android và iOS được Tencent của Trung Quốc ra mắt vào ngày 21/1/2011. Nó đồng thời có các dịch vụ như nhắn tin văn bản, mạng xã hội và chức năng thanh toán, được gọi là siêu ứng dụng, bao gồm tất cả các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày của cư dân mạng Trung Quốc. Người dùng WeChat được cho là có hơn 1 tỷ.
Tencent đổi tên WeChat được cho là nước đi có tính toán nhằm tránh sự trừng phạt của Mỹ (Ảnh:HK01).
|
Tại Mỹ, WeChat được cộng đồng người Hoa sử dụng rộng rãi và là một trong những nền tảng mạng xã hội chính để họ giao tiếp với người thân và bạn bè. Theo dữ liệu từ công ty phân tích Apptopia, WeChat có trung bình 19 triệu người sử dụng hàng ngày ở Mỹ.
VOA viết, một số cư dân mạng Twitter không đồng tình với viêc Tencent đăng ký phần mềm mới WeCom. Họ cho rằng dù Tencent có thay đổi WeChat bằng cái tên nào đi nữa thì chắc chắn cũng sẽ bị xử phạt! Một số cư dân mạng còn đặt câu hỏi với Tencent: “Các ông nghĩ rằng nếu thay áo vest thì tôi không nhận ra ông sao?”.