Khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach thăm Đài Loan vào tuần trước, các máy bay chiến đấu của PLA đã liên tục “vượt qua đường trung tâm eo biển” trong mấy ngày. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng đây là “lời đe dọa chiến tranh” của Đại Lục đối với Đài Loan và kêu gọi Trung Quốc tự kiềm chế. Phía Trung Quốc thì nói, Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc không thể chia cắt và “không tồn tại cái gọi là đường trung tâm eo biển”.
Máy bay quân sự Trung Quốc “vượt qua đường trung tâm eo biển”
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đến Đài Bắc vào tối ngày 17/9. Ông là quan chức đương chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ đến thăm Đài Loan trong 41 năm qua kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa Đài Loan và Mỹ bị cắt đứt năm 1979. Chiến khu Miền Đông PLA đã lập tức tiến hành các cuộc diễn tập thực chiến tại eo biển Đài Loan bắt đầu từ ngày 18/9.
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc bay vào không phận Tây Nam Đài Loan (Ảnh: BBC).
|
Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo, sáng thứ Sáu (18/9), 2 chiếc máy bay H-6, 8 chiếc J-16, 4 chiếc J-11 và 4 chiếc J-10 của PLA đã vượt qua đường phân chia giữa eo biển và đi vào vùng trời phía tây nam Đài Loan. Đài Loan đã cho lực lượng tuần tra trên không cất cánh khẩn cấp và báo động các lực lượng khác, phát thanh để xua đuổi và theo dõi, giám sát bằng tên lửa phòng không.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng nói, sáng thứ Bảy (19/9), 12 chiếc J-16, 2 chiếc J-10, 2 chiếc J-11, 2 chiếc H-6 và 1 chiếc máy bay chống ngầm Y-8 của Trung Quốc lại vượt qua giữa eo biển và tiến vào không phận tây nam Đài Loan. Đài Loan đã huy động các máy bay tuần tra trên không và báo động khẩn cấp để ứng phó, phát thanh xua đuổi và theo dõi, giám sát bằng tên lửa phòng không.
Tờ China Times của Đài Loan dẫn nguồn tin quân đội cho biết, khi máy bay PLA vượt qua đường trung tâm eo biển hôm 18/9, phía Đài Loan đã cảnh cáo: “Các ông đã vượt qua đường trung tâm eo biển, lập tức phải quay đầu rời đi”, phi công PLA đã đáp lại “không có cái gọi là đường trung tâm eo biển nào cả”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm thứ Hai (21/9) nhấn mạnh, “Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc không thể chia cắt và không tồn tại cái gọi là đường trung tâm eo biển”.
Máy bay chiến đấu J-10 của Trung Quốc (Ảnh: BBC).
|
Đài Truyền hình Đài Loan đưa tin, khi máy bay quân sự Trung Quốc vượt qua giữa eo biển vào hôm thứ Bảy, Đài Loan đã điều các máy bay chiến đấu IDF đến phát thanh để xua đuổi. Một tốp 2 chiếc trong số này đã bị 6 máy bay J-16 Trung Quốc “kẹp nách”. Tuy nhiên, tin tức về vụ việc này sau đó đã bị quân đội Đài Loan phủ nhận.
Bộ Tư lệnh Không quân Đài Loan hôm Chủ nhật (20/9) tuyên bố rằng máy bay J-16 và J-11 của Đại Lục đã bị phát hiện vào sáng thứ Bảy, nhiều chiếc đã vượt qua giữa eo biển và tiến vào không phận phía Tây Nam của Đài Loan; Đài Loan tích cực sử dụng lực lượng tuần tra trên không và các lực lượng khác theo dõi chặt chẽ và ứng phó hiệu quả.
Bộ Tư lệnh Không quân Đài Loan cũng nhấn mạnh, trước việc phía Trung Quốc phá hoại hòa bình và ổn định khu vực, họ đã sử dụng các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát chung để kịp thời nắm bắt tình hình địch và thực hiện đúng các quy định sẵn sàng chiến đấu, ứng phó thỏa đáng, kêu gọi nhân dân yên tâm.
Hiện Không quân Đài Loan có hơn 400 máy bay chiến đấu gồm 130 chiếc IDF (Kinh Quốc), 150 chiếc F-16S, 60 chiếc Mirage-2000.
Sau cuộc diễn tập thực chiến, PLA từ thứ Hai (21/9) đến thứ Tư (23/9) sẽ tiến hành bắn đạn thật ở khu vực phía nam của Hoàng Hải và tiến hành cấm biển ở một số khu vực.
Máy bay chiến đấu J-16 của Trung Quốc được chế tạo theo mẫu SU-30 MKK của Nga (Ảnh: Đa Chiều).
|
Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan
Khi quan hệ Trung-Mỹ đang xuống đến đáy, một số cơ quan truyền thông trước đó đã đưa tin rằng Mỹ dự định bán 7 hệ thống vũ khí chủ yếu cho Đài Loan, điều này có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Trung Quốc, Mỹ và Đài Loan.
Hãng Reuters ngày 16/9 dẫn các nguồn tin cho biết, những vũ khí này bao gồm thủy lôi, tên lửa hành trình, máy bay không người lái... Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần trước đã báo cáo với Tổng thống Trump về kế hoạch này. Một số trong những giao dịch này đã được Đài Loan đề xuất hơn một năm trước, nhưng bây giờ mới được phê duyệt.
Về sự va chạm liên tục trên không phận biển Đài Loan, ông Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, cho rằng việc PLA tiếp cận đảo Đài Loan ồ ạt trong hai ngày liên tiếp cho thấy “Đại lục không còn có thể chịu đựng được việc “tăng cường liên kết” giữa Mỹ và Đài Loan”.
Ông nói: “Máy bay của quân đội Đại Lục đang áp sát đảo Đài Loan với quy mô lớn như vậy và chúng chỉ còn một bước nữa là bay đến đảo Đài Loan. Nếu Mỹ và Đài Loan tiếp tục nâng cấp quan hệ chính thức, chúng tôi tin rằng PLA sẽ có đủ ý chí để thử nghiệm tên lửa hành trình bay qua đảo Đài Loan và đưa máy bay tới bay thực thi chủ quyền trên vùng trời đảo Đài Loan và tiến hành các cuộc tập trận; như thế sẽ tạo thành một cục diện quân sự hoàn toàn mới ở khu vực eo biển Đài Loan”.
Không quân Đài Loan hiện có 130 chiếc IDF (Kinh Quốc) được chế tạo trên cơ sở F-16 của Mỹ (Ảnh: BBC).
|
Đại lục và Đài Loan tiếp tục đấu khẩu
Liên quan đến việc Chiến khu Miền Đông PLA tổ chức các cuộc tập trận thực chiến gần eo biển Đài Loan, Nhậm Quốc Cường, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm thứ Sáu (18/9) tuyên bố đây là hành động chính đáng và cần thiết nhằm ứng phó với tình hình hiện nay ở eo biển Đài Loan và bảo vệ chủ quyền quốc gia cùng toàn vẹn lãnh thổ.
Đáp lại cuộc tập trận của Trung Quốc, hôm Chủ nhật (20/9), nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nói rằng những hành động này không giúp ích gì cho hình ảnh của Trung Quốc và khiến người dân Đài Loan và các nước láng giềng cảnh giác hơn, nhận thức rõ hơn về bản chất của chính quyền Trung Quốc. “Thực ra, những gì chúng ta thường nói đến là “văn công vũ hách” (đe nẹt bằng lời và hăm dọa vũ lực), đây không phải là “vũ hách” đó sao?”.
Bà kêu gọi Trung Quốc đại lục tự kiềm chế và nói, Đài Loan sẽ tiếp tục thực hiện tự chủ quốc phòng, nắm bắt đầy đủ và ứng phó với tình thế, nỗ lực bảo vệ hòa bình khu vực.
Ông John Supple, quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ khi trả lời phỏng vấn Hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) về vụ việc, nói rằng “các hành động có tính xâm lược và gây bất ổn của PLA phản ánh những nỗ lực liên tục của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng và viết lại lịch sử”. Ông cũng nói: “An ninh của Đài Loan và khả năng của người dân Đài Loan trong việc tự chủ quyết định tương lai mà không bị ép buộc vô cùng quan trọng đối với lợi ích của nước Mỹ và cũng rất quan trọng đối với an ninh khu vực”.
Ngoài ra, ông Uông Dương, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, cũng đề cập đến các vấn đề xuyên eo biển trong một bài phát biểu qua truyền hình tại Diễn đàn Eo biển lần thứ 12 diễn ra hôm Chủ nhật (20/9). Ông nói, một số người ở Đài Loan đang ý đồ thu hẹp trao đổi và hợp tác xuyên eo biển, nhằm cố gắng “tách rời” về kinh tế và “cắt đứt” văn hóa với Đại Lục. Điều đó sẽ chỉ gây hại mà không có chút lợi cho Đài Loan.
Đài Loan hiện sở hữu 60 chiếc Mirage-2000 mua của Pháp (Ảnh: BBC).
|
Ông Uông Dương nói: “Đài Loan độc lập là ngõ cụt, dựa vào nước ngoài và chấp nhận mạo hiểm sẽ chỉ mang lại nguy cơ không thể gánh chịu được cho Đài Loan. Trong mắt một số thế lực bên ngoài, Đài Loan chẳng qua chỉ là “quân cờ” trong ván cờ với Trung Quốc đại lục. Trung Quốc đại lục khi ở trong thời kỳ nghèo nàn đã kiên cường chống chọi. Ngày nay càng không thể dung thứ cho bất kỳ thiệt hại nào đối với chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển!”.
Ủy ban các vấn đề Đại lục của Đài Loan đã đưa ra một tuyên bố đáp trả rằng chính quyền Trung Quốc chủ trương một cách phiến diện “nguyên tắc một Trung Quốc” và thủ đoạn “văn công vũ hách” để gây áp lực buộc Đài Loan phải khuất phục chấp nhận, thể hiện rõ sự bất lực của Đại lục trong việc đối phó với những khác biệt chính trị giữa hai bên eo biển. Đây mới là nguyên nhân căn bản dẫn đến gia tăng tình hình nguy hiểm ở hai bên eo biển.
(Theo BBC tiếng Trung, 21/9)
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu