Quở, phạt trong giáo dục: không dùng sức mạnh, uy quyền ép buộc con trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Toàn bộ tinh thần của "xử phạt" trong "kỷ luật tích cực" là nỗ lực tìm kiếm giải pháp chứ không phải chỉ đơn thuần ngăn chặn hành vi.
Ảnh Kiemsat.vn
Ảnh Kiemsat.vn

LTS: Khi trẻ em, học sinh phạm lỗi thì cha mẹ, thầy cô làm gì để giúp các em sửa sai, nhanh chóng vươn lên? 'Quở, phạt' hay 'khuyên giải, động viên, giúp tìm giải pháp'? Hay kết hợp cả hai? VietTimes trân trọng giới thiệu bài viết của nhà giáo Minh Tuấn tiếp tục luận bàn chủ đề này.

Trong giáo dục tiến bộ, không những không có “phạt”, mà còn không có cả “thưởng” nữa; nói cách khác, là chỉ “phạt” bằng “kỷ luật tích cực”.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương trong bài trả lời phong vấn thứ hai đăng trên CafeF nhằm đáp trả những phản ứng của một bộ phận dư luận khi họ phản đối quan điểm về giáo dục trừng phạt của cô đã nêu một ví dụ để thấy sự cần thiết và hữu ích của sự trừng phạt ấy. Tuy nhiên, chúng tôi thấy cách phạt này thật sự “có vấn đề”. Ví dụ đó như sau:

Hồi mới về Việt Nam, con tôi rất thích trò gọt bút chì. Mỗi ngày bạn ấy gọt hết 12 cái bút chì dài 15cm thành cái bút ngắn cũn chỉ 1-2 cm, đầu chì mảnh đến nỗi không thể viết. Ngày thứ nhất, tôi nói nếu con còn gọt bút như vậy sẽ bị phạt. Ngày thứ hai con vẫn gọt nhưng tôi chưa phạt được. Đến ngày thứ 3 tôi phạt con. Một lần và mãi mãi con tôi không bao giờ tái phạm nữa.

Vì con tôi rất thích đi đám cưới, khi đón con đi học về, tôi liên tục ca ngợi đám cưới mình sắp đi khiến con rất thích thú. Bạn ấy bảo: “Mẹ con mình về thay quần áo rồi đi đám cưới đi”. Nhưng tôi nói: “Không, mẹ sẽ đi một mình. Vì con không ngoan, con lại gọt bút chì nên con sẽ phải ở nhà”. Bạn ấy bật khóc.

Và đó là lần đầu tiên con tôi khóc không ngừng nghỉ suốt 2 tiếng vì quá đau đớn.

Khi tôi về, con hỏi: “Đám cưới có vui không mẹ?”. Tôi tiếp tục ca ngợi đám cưới, kể rằng bữa tiệc có rất nhiều tôm rất ngon - món mà con tôi rất thích nhưng hôm nay chỉ vì không ngoan nên bạn ấy đã không được ăn. Và thế là con gái tôi lại ngồi khóc thêm 1 tiếng nữa.

Một năm sau, tôi tư vấn việc đó cho một bạn khác thì con tôi nghe được. Bạn ấy lại khóc. Tôi hỏi vì sao thì nó bảo đến bây giờ vẫn rất đau vì chuyện đó. Giờ bạn ấy đã 21 tuổi. Chuyện trôi qua lâu như thế nhưng con tôi vẫn nói đó là một ấn tượng rất sâu sắc. Mỗi khi nhắc lại, bạn ấy vẫn còn đau.

Nhìn bằng quan điểm và giải pháp của kỷ luật tích cực thì cách “phạt” của TS Vũ Thu Hương là không chấp nhận được. Kỷ luật tích cực thực chất cũng có thể gọi là “phạt”, nhưng là một cách “phạt tích cực”, dựa trên các cơ sở khoa học của của ngành tâm lý và giáo dục học. Hình phạt phải đảm bảo 4 yếu tố sau đây:

1. Liên quan: Hình thức phạt phải liên quan với hành động của người mắc lỗi. Chuyện gọt bút chì và đi đám cưới tuyệt đối không có quan hệ gì với nhau để có thể dùng cái này nhằm trừng phạt cái kia cả, làm như thế (không cho đi đám cưới) là “trả đũa” chứ không phải là “phạt”. Khi em bé làm hỏng những chiếc bút chì thì nó sẽ không được nhận những chiếc bút chì mới nữa, hoặc phải tiếp tục sử dụng những chiếc bút chì xấu xí mà chúng đã làm ra, như thế mới là liên quan.

2. Tôn trọng: dù là thi hành việc phạt nhưng luôn phải giữ sự tôn trọng với em bé. Tôn trọng đầu tiên là việc thông báo cho đứa bé biết trước đó rằng việc gọt bút chì như thế là sai, là không đúng và nếu vi phạm thì sẽ bị phạt. Nếu người mẹ chưa từng có giao ước ấy trước đó thì việc em bé gọt bút chì sẽ là lỗi của mẹ chứ không phải của bé. Trong ví dụ trên, sau khi phát hiện ra con gái gọt hỏng những chiếc bút chì, người mẹ không hề hướng dẫn hay dạy dỗ gì mà lập tức đưa ra lời đe dọa – như thế là phản giáo dục. Việc gây đau đớn cho con bằng cách đánh vào “sở thích” của bé, rồi còn “bồi” thêm những miêu tả để gây thèm muốn cho đứa bé sau khi mẹ đi đám cười về lại càng không thể hiện sự tôn trọng đó như một nguyên tắc. Thêm nữa, người mẹ còn mang chuyện này ra kể cho người khác trước mặt con vào một năm sau đó, một lần nữa, người mẹ không thể hiện sự tôn trọng con mình.

3. Hợp lý: không tăng thêm mức phạt. Sai ở mức độ nào thì phạt ở mức độ đó, không được gia tăng thêm. Khi con bạn làm hỏng 12 cây bút chì thì bạn có thể gợi ý giải pháp cho con (ví dụ) là con hãy dùng tiền tiêu vặt được cho hàng ngày của mình để mua lại 12 cây bút chì khác, chứ không phải là 24 cây! Còn phạt vạ sang việc không cho đi đám cưới là vừa vi phạm nguyên tắc đầu tiên, vừa phạm vào nguyên tắc thứ ba này.

4. Hữu ích: việc phạt (giải pháp) phải giúp học sinh cải thiện tốt hơn, ở ví dụ này là để con biết giữ gìn những cây bút chì lẫn việc biết cách gọt bút chì sao cho đúng nhất. Trong ví dụ trên, việc trừng phạt bằng cách không cho con đi đám cưới chỉ giúp đứa bé bỏ tật gọt bút chì một cách không tự giác mà hơn thế, còn không cho bé cơ hội biết cách gọt bút chì sao cho đúng. Thậm chí, với cách trừng phạt ấy, em bé có thể không những không yêu thích những cây bút chì nữa mà còn có thể trở nên căm ghét chúng.

Toàn bộ tinh thần của việc phạt trong kỷ luật tích cực chính là nỗ lực tìm kiếm giải pháp chứ không phải chỉ đơn thuần là ngăn chặn. Chúng ta hãy xem kỷ luật tích cực dạy về “Xin lỗi” ra sao.

Đầu tiên, cho học sinh tiếp xúc với những “lời xin lỗi giả tạo”, đó là cách người ta nói “xin lỗi” nhưng không nhận ra sai lầm của mình hoặc chỉ nói cho qua chuyện chứ không hề thật lòng. Sau đó, đề nghị các em nói lên cảm nhận của chúng khi nghe những lời xin lỗi như thế; tiếp theo sẽ chỉ cho các em biết cách nói một lời xin lỗi chân thành là như thế nào. Nó gồm ba thành phần: Nhìn thấy, Nói ra, Giải quyết.

Ví dụ với trường hợp em bé gọt hư những chiếc bút chì trên kia: “Con đã gọt hỏng những chiếc bút chì này.” (Nhìn thấy), “Con xin lỗi.” (Nói ra), “Con sẽ dùng tiền tiêu vặt của mình trong một tuần để mua lại những cây bút khác.” (Giải quyết). Trong nhiều trường hợp thì thành phần thứ ba có thể không thực hiện được, nhưng hai thành phần đầu dứt khoát phải hiện diện trong lời xin lỗi vì chỉ có như thế nó mới chứng tỏ em bé đã nhận ra cái sai của mình và chân thành, dũng cảm thừa nhận cái sai ấy.

Người mẹ trong ví dụ trên đã không những không tuân thủ 4 quy tắc trong xử phạt mà còn không dạy con những điều cơ bản nhất (xin lỗi) để giúp con nhận ra lỗi lầm rồi trợ giúp con tìm giải pháp.

Việc xin lỗi là vô cùng quan trọng, vì ai cũng có thể mắc sai lầm; phạm lỗi không quan trọng bằng thái độ đối với lỗi lầm của mình. Nói ra lời xin lỗi (chân thành) là đã bước một chân lên bậc thang của sự sửa lỗi và hoàn thiện bản thân. “Xin lỗi” là một thái độ trách nhiệm, nó tránh cho con người ta việc hình thành thói quen đổ lỗi.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương đã phê phán rất nặng nề những sách vở được dịch từ giáo dục của nước ngoài vào Việt Nam là “tam sao thất bản”, là “chỉ giống như viên gạch”; rồi phê phán sự tiếp nhận giáo dục thế giới ở Việt Nam là “chắp vá”, là “không có hệ thống”, là “lệch lạc”, là “bóp méo” v.v. Không ai phản đối việc phạt học sinh hay phạt con cái cả. Nhưng không thể cổ vũ cho “giáo dục trừng phạt” bằng cái gọi là “nghệ thuật phạt” với cách thức và phương pháp như ví dụ “kinh điển” trên kia được. Nó vừa không khoa học, vừa không có tác dụng giáo dục. Có lẽ nên gọi đó là sự lạm dụng uy quyền để ép con trẻ tuân theo người lớn?

Nền giáo dục nào cũng có hình thức kỷ luật, vấn đề là kỷ luật ra sao và kết quả là gì, chứ không thể thi hành một cái kỷ luật mà khiến một em bé khóc suốt 3 tiếng đồng hồ, năm sau nghe nhắc đến còn khóc, thậm chí đến 21 tuổi còn thấy đau đớn! Không thể tự hào rồi cổ vũ và phổ biến một lối giáo dục như vậy được. Vì điều ấy gần với một cách thức bạo hành tinh thần nhiều hơn là một hình thức giáo dục đúng đắn.

Cái mà một nền giáo dục cần mang đến cho con người là năng lực nhìn nhận, năng lực giải quyết vấn đề bằng tinh thần tự do lựa chọn và ý thức chịu trách nhiệm chứ không phải chỉ là sự nghe lời bằng những cấm đoán dựa trên quyền uy và bạo lực. Một lối giáo dục như thế (bạo lực) cần bị ngăn chặn, thay thế trên con đường kiến tạo một xã hội tráng kiện mà những thành viên trong đó đều là những con người có phẩm chất và năng lực tự thân, biết chung sống hòa ái, biết cùng nhau, và biết vì nhau.