Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

Thư viện, khoảng trống lớn trong giáo dục Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Thư viện trong nhà trường Việt Nam đang bị "bỏ trống" khi mà hoạt động đọc chưa thật sự tham gia vào quá trình giáo dục. Đổi mới giáo dục phải đi cùng với việc chấn hưng thư viện.

Do nhiều yếu tố chi phối mà mảng thư viện trong các nhà trường phổ thông của nước ta đang là một khiếm khuyết lớn, lớn tới nỗi khó mà chấp nhận đối một nền giáo dục đã tự đặt ra những yêu cầu rất cao về sự tiến bộ.

Chúng tôi là những người trực tiếp giảng dạy trong môi trường chuyên biệt, một nơi có thể gọi là “giáo dục chất lượng cao”, là “mũi nhọn” trong hệ thống giáo dục quốc dân của đất nước; tuy nhiên xét về thực chất, việc đưa thư viện vào sự vận hành như một nhân tố hữu cơ trong hoạt động dạy học thì gần như đang bị bỏ trống, bỏ trắng.

Ở bậc đại học và trên đại học, cách đây hơn 10 năm, do "nếm trải" cung cách đào tạo ở trường sư phạm mà thấy ra được hoạt động của thư viện không có sự khác biệt nhiều về bản chất với phổ thông, bởi ở đó vẫn là một lối giáo-dục-trả-bài nặng tính đối phó; do vậy, việc đọc sách chưa trở thành một nhu cầu tự thân của sinh viên và học viên trên diện phổ biến. Đáng lo lắng là cho đến nay, trên đại thể lối giáo dục ấy vẫn còn được duy trì, vì vậy tình hình của thư viện cũng chưa được cải thiện nhiều, nhất là trong hệ thống đại học công lập. Thư viện nhỏ và sách ít đã đành nhưng ở đây phải đặc biệt nhấn mạnh vào phương pháp đào tạo, vì nó không thúc đẩy nhu cầu đọc. Đó là một sự lạc hậu quá xa và biểu hiện cho tính trì trệ kéo dài.

Thứ nhất, cách thiết kế chương trình với quan niệm “chuẩn kiến thức kỹ năng” và tính “pháp lệnh” của sách giáo khoa đã vô tình loại trừ sách vở “ngoại lai” khỏi yêu cầu và nhu cầu của cả người dạy lẫn người học. Khi bản thân vài đầu sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) biên soạn đã tự đầy đủ thì thư viện hoặc không được đầu tư hoặc sẽ tự động bị bỏ phí. Lúc này, mọi hoạt động đọc đều có xu hướng rơi vào miễn cưỡng, hình thức và không đóng vai trò đáng kể trong việc phát triển nhân cách cũng như bồi đắp tri thức cho người học.

Một khi mà cung cách kiểm tra đánh giá đã sa vào “tầm chương trích cú”, gói gọn lại trong một phạm vi hẹp là sách giáo khoa và những tài liệu “chính thống” thì cũng như thế, tất yếu dẫn tới một sự thải hồi gián tiếp đối với các loại sách vở khác vì một sự triệt tiêu nhu cầu từ bên trong người học. Cái cách thi cử này về bản chất không khác bao nhiêu so với lối học khoa cử thời phong kiến lấy tứ thư ngũ kinh làm kinh điển, ngàn năm không ra khỏi.

Lý do thứ ba của sự nhếch nhác mà thư viện trường học đang trưng ra, đó là học sinh không có thời gian đọc sách. Chưa bao giờ học sinh Việt Nam phải học nhiều và học một cách tối tăm mặt mày như bây giờ. Cái sự học ấy có thể gọi bằng một tên khác: “luyện thi”, học lấy thi làm mục đích đã biến sự đào luyện thành một sự đối phó điển hình. Bệnh thành tích, sính bằng cấp, nặng về danh hão đã biến những đứa trẻ đang tuổi cần vun đắp cho sự trưởng thành thành những nạn nhân không có nhiều cơ hội lớn lên.

Có những học sinh vì thiên tư ham thích sách vở và đam mê tìm hiểu nên đã nỗ lực thu vén thời gian để đọc. Tuy nhiên, oái oăm thay, thư viện lại không có nhiều thứ hay ho, ở đó sẽ chủ yếu là các loại sách Bộ đề, văn mẫu, để học tốt, cẩm nang v.v. Những sách vở “ngoài luồng” thì thường cũ kỹ, ít tính cập nhật và rất đơn điệu.

Tất cả những lý do trên đã dần giết chết văn hóa đọc trong nhà trường, biến cả người dạy lẫn người học trở thành những thợ dạy và thợ học với kiến thức bị đóng khung và nặng về kỹ năng làm bài hơn là một sự trưởng thành về văn hóa, nhân cách và phát triển tư duy.

Chúng tôi, vì chứng kiến tình trạng nhức nhối ấy nên đã nhiều lần đề xuất việc xây dựng thư viện cho xứng đáng với một môi trường đặc thù, là giáo dục, tuy nhiên thường thì thất bại. Lý do của những thất bại trong đòi hỏi và nỗ lực đối với thư viện thì có nhiều, trong đó rõ ràng và trực tiếp chính là 4 điểm đã nêu ở trên; nhưng cũng có những nguyên nhân tồi tệ hơn, đó là câu chuyện về tiền.

Như ở trường tôi, một ngôi trường nội trú mà mùa khô thường xuyên thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước máy chưa được đầu tư, dẫn đến học sinh phải về nhà khi đang học nửa chừng nhưng người ta sẵn sàng bỏ ra khoảng 10 tỉ đồng để xây hồ bơi; trong khi đó, một khoản tiền mua sách khoảng 50 triệu đồng thì lại không thể chi ra, mặc dù ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho học tập nâng cao trình độ và mua sắm sách vở hàng năm là lên đến cả tỉ đồng. Lý do vì sao? Rất khó giải thích nếu không liên hệ đến những “khoảng tối” tài chính trong đầu tư giáo dục. Tài chính trong giáo dục công là một mảng có rất nhiều chấm đen; người ta sẽ từ khước chuyện mua sách nếu nó không thật sự...hấp dẫn; hoặc chỉ nhiệt tình mua, và sẵn sàng mua những thứ không thật sự cần thiết khi “hoa hồng” rất “thơm”. Đồng phục, vở in hình và logo trường v.v. sẽ luôn được các vị hiệu trưởng sốt sắng tới mức ép buộc học sinh phải thực hiện; nhưng một khoản đầu tư trọng tâm và có ý nghĩa lâu dài, bền vững cho giáo dục như xây dựng thư viện thì lại không mấy được quan tâm.

Ví dụ trên chỉ là một điển hình có tính đại diện, còn nhìn chung thì thư viện trường học ở phổ thông là một bức tranh xám màu, thậm chí còn "xám" hơn cả ngôi trường vừa kể trên. Ở đây, thư viện của nhiều trường tư thục còn rơi vào tình trạng đóng băng và tê liệt do yếu tố thành tích là có tính quyết định đến sự tồn vong của nó. Việc dồn toàn bộ hoạt động dạy và học làm sao để đảm bảo điểm số đã đẩy nhu cầu đọc sách ra vùng ngoại vi gần như hoàn toàn.

Tình trạng các thư viện đầy bụi và mạng nhện chính là một sự báo động dữ dội về tính lạc hậu của giáo dục nước ta. Một phương pháp giáo dục tiến bộ chỉ được biểu hiện ra khi thư viện trở thành trung tâm của trường học. Việc học không thể tách rời đọc và thực hành. Chừng nào mà thư viện còn là một căn phòng khép nép trong xó, nhỏ thó và im lìm thì chừng đó những chuyển biến trong giáo dục mới chỉ dừng lại ở những dự án và văn bản mà chưa thực sự trở thành hiện thực.

Đầu tư cho giáo dục không phải chỉ có xây cổng trưởng tiền tỉ, mua cây cảnh tiền trăm mà hơn hết cần biến thư viện thành “đầu não” của trường học với tất cả những ý nghĩa nghiêm túc nhất của 2 chữ này.

Khi mà giáo dục đã chính thức bước vào một giai đoạn mới với chương trình đổi mới căn bản toàn diện thì một sự chuyển biến thực chất về tổ chức hoạt động học lấy thư viện làm trung tâm phải được đặt ra một cách nghiêm túc, và khẩn trương tiến hành.

Dạy chay, học chay đã diễn ra suốt nhiều thập kỷ qua, và đây là lúc tình trạng ấy phải được chấm dứt. Với sự tăng tốc của chuyển đổi số, việc xây dựng và sử dụng thư viện phục vụ cho giáo dục đã có thêm được một sự trợ giúp tuyệt vời mà các thế hệ trước có nằm mơ cũng không hình dung ra được.

Mọi thứ cần phải được bắt đầu, tiếp tục trì hoãn là vô tình đe dọa đến sự thành bại của Đổi mới giáo dục.