TS Nguyễn Ngọc Chu: Tách nhập tỉnh phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, có luận cứ khoa học

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tách nhập tỉnh phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, được bảo vệ bởi những luận cứ có tính khoa học và được kiểm nghiệm bởi thực tiễn trong suốt chiều dài lịch sử.
TS Nguyễn Ngọc Chu (phải): Tách nhập tỉnh phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, được bảo vệ bởi những luận cứ có tính khoa học và được kiểm nghiệm bởi thực tiễn.
TS Nguyễn Ngọc Chu (phải): Tách nhập tỉnh phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, được bảo vệ bởi những luận cứ có tính khoa học và được kiểm nghiệm bởi thực tiễn.

LTS: Việc Bộ Nội vụ đề nghị sáp nhập điểm một số tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 đã gây sự chú ý của dư luận thời gian qua và hiện còn có những ý kiến khác nhau. Người đứng đầu Chính phủ – Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, Bộ Nội vụ cần phải thống nhất nhận thức và hành động, nghĩ phải “chín”, tư tưởng phải thông, quyết tâm chính trị phải cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả; tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Xuất phát từ tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, VietTimes xin trân trọng gửi đến bạn đọc bài đối thoại của nhà báo Xuân Ba với TS. Nguyễn Ngọc Chu về vấn đề này.

Nhà báo Xuân Ba: Gần 20 năm trước, tỉnh Thanh Hóa quê tôi suýt bị chia ra làm 2. Chuyện tưởng như đùa, nhưng đó lại là sáng kiến của một yếu nhân trong ban lãnh đạo tỉnh và cũng là người đã không mệt mỏi trong việc thỏa thuận (gần như thông đồng) với các cấp này khác.

Nhưng may mắn khi chuyện loang ra, cấp trên đã kịp thời chấn chỉnh. Nói ra chuyện ấy để cùng thấy rằng việc chia tách sáp nhập không thể do ý chí cá nhân hoặc nhóm nào đó quyết định hay chi phối.

Thưa Tiến sĩ (TS) Chu, thời điểm này đang rộ lên nhiều ý kiến sau Đề án của Bộ Nội vụ (BNV) về việc điều chỉnh địa giới hành chính (một kiểu nói khác của việc chia tách, sáp nhập), câu hỏi đầu tiên là tại sao có chuyện tách nhập tỉnh và có phải ở thời điểm này?

- TS Nguyễn Ngọc Chu: Tách nhập tỉnh phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, được bảo vệ bởi các luận cứ có tính khoa học và được kiểm nghiệm bởi thực tiễn trong suốt chiều dài lịch sử. Trong số các nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến vấn đề thay đổi địa giới hành chính như tách nhập tỉnh, huyện, xã có 3 nhân tố sau đây rất quan trọng:

Thứ nhất, là thay đổi lãnh thổ.

Không phải là thay đổi lãnh thổ, thay đổi biên giới quốc gia thì lúc nào cũng dẫn đến thay đổi địa giới hành chính nội quốc, nhưng nó rất liên quan.

Thử nhìn vào lịch sử. Các ông vua đi mở mang lãnh thổ, có thêm lãnh thổ mới thường dẫn đến việc sắp xếp lại địa giới hành chính nội quốc.

Thí dụ rất nhiều. Tần Thuỷ Hoàng khi tiêu diệt hết các nước thời chiến quốc (221 TCN) đã chia lại địa giới nội quốc, loại bỏ chế độ chư hầu, thực hành chế độ quản lý quận huyện, chia nước thành 36 quận, thống nhất đơn vị đo lường…thực thi phương thức quản trị quốc gia mới.

Ở nước ta, thời Vua Minh Mạng, biên giới quốc gia mở rộng gần gấp đôi bây giờ (575 000 km2), và đã có cuộc tách nhập tỉnh lớn nhất vào các năm 1831-1832. Vua Minh Mạng bỏ chế độ dinh trấn mà lập ra tỉnh.

Lấy thí dụ, trấn Nghệ An trước năm 1831 rất rộng, bao gồm một phần lãnh thổ Lào hiện nay, ở phía Tây Nghệ An và Hà Tĩnh. Hà Tĩnh ra đời do tách từ trấn Nghệ An vào năm 1831. Cùng với Hà Tĩnh là nhiều tỉnh mới xuất hiện. Cả nước có 31 tỉnh với diện tích khoảng 575 000 km2.

Thứ hai, thay đổi phương thức quản trị.

Hai thí dụ nêu trên về Tần Thuỷ Hoàng và vua Minh Mạng cho thấy việc tách nhập địa giới tỉnh, huyện, xã đều do viêc đưa ra phương thức quản trị mới. Nghĩa là thay đổi một cách căn bản và toàn diện phương thức quản trị.

Thứ 3 là thay đổi Hiến pháp.

Thay đổi Hiến pháp theo nghĩa có liên quan đến thay đổi hình thức tổ chức nhà nước. Chẳng hạn như, nếu thay đổi hình thức tổ chức nhà nước sang hình thức liên bang - thì sẽ kéo theo sự thay đổi địa giới, chức năng và quyền hạn các bang, cùng với thay đổi pháp luật tương ứng.

Chiểu theo các nhân tố quan trọng nêu trên đã được kiểm nghiệm bởi tiến trình lịch sử, thì ở Việt Nam hiện nay chưa xuất hiện các nhân tố dẫn đến việc tách nhập tỉnh.

Năm 1997, một số tỉnh được tách ra- nguồn Vietnamnet.

Năm 1997, một số tỉnh được tách ra- nguồn Vietnamnet.

Chúng ta đã từng rầm rộ thực hiện công cuộc điều chỉnh địa giới hành chính…

-Thực tiễn tách nhập tỉnh của ta từ năm 1945 đến nay đặt ra nhiều vấn đề phải suy nghĩ. Chưa có thời nào, lại có nhiều nhập rồi tách tỉnh như giai đoạn từ năm 1954 cho đến năm 2004. Thực tiễn cho thấy, hiệu quả ít, tốn kém, lãng phí nhiều.

Năm 1954 miền Bắc có 34 đơn vị hành chính. Sau vài đợt sáp nhập đến năm 1975 còn 25 tỉnh thành. Nhưng sau đó các tỉnh sáp nhập như Phú Thọ hợp Vĩnh Phúc thành Vĩnh Phú, Hưng Yên hợp Hải Dương thành Hải Hưng, Bắc Ninh hợp Bắc Giang thành Hà Bắc thì đều phải tách ra trả về như cũ.

Việc sáp nhập tỉnh toàn quốc năm 1975 - 1978 tuy có nguyên do từ thống nhất đất nước và có chủ ý biến 521 huyện thành các pháo đài – về mặt lý thuyết là xem nhẹ vai trò tỉnh, để quản lý trực tiếp đến cấp huyện – trên thực tế đã phá sản hoàn toàn.

Cả nước từ 69 tỉnh thành nhập lại chỉ còn 40 tỉnh thành. Đến năm 1989 - 1997 tất cả các tỉnh đã sáp nhập như Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Gia Lai - Kon Tum, Minh Hải … đều phải tách tỉnh, trả về tên cũ.

Năm 2003, 2004 lại đi vào vết xe đổ khi tách Lai Châu thành Lai Châu và Điện Biên, Đắk Lắk thành Đắk Lắk và Đắk Nông, Cần Thơ thành Cần Thơ và Hậu Giang. Đây là đợt tách tỉnh tuỳ tiện, phi khoa học, tuỳ hứng. Minh chứng là theo tiêu chí sáp nhập tỉnh mà BNV vừa công bố thì Lai Châu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Cần Thơ, Hậu Giang đều phải sáp nhập lại.

Tất cả các đợt tách nhập tỉnh của chúng ta gần đây hiệu quả đều rất kém nếu không muốn nói là thất bại! Có thể do không có chủ thuyết, do tuỳ tiện? Và thua xa cái thời Minh Mạng.

Cũng phải nói cho ngay bởi một vài ý kiến đã xa xôi rằng nữ đồng chí Bộ trưởng Bộ Nội vụ mới nhậm chức chưa lâu mà đã toan gánh vác sơn hà bằng đề án hoành tráng ấy? Không hẳn vậy! Mà đề án này đã dựa theo nếu không muốn nói là thực thi theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội (Số: 1211/2016/UBTVQH13) ban hành năm 2016 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính. Theo Nghị quyết ấy, khoảng 20 tỉnh sẽ phải bị xáo trộn vì sáp nhập hoặc mở rộng. Thưa TS, căn cứ vào đâu mà UBTVQH khóa trước có nghị quyết ấy? Ai là người đưa ra phương án tách nhập tỉnh?

-Công việc quan trọng nhập tách tỉnh thì phải được Quốc Hội thông qua. Nhưng ở đây cần bàn đến trong những mấu chốt quan trọng của tách nhập tỉnh là: Ai là người đề xuất tách nhập tỉnh?

Câu hỏi “Ai là người đề xuất tách nhập tỉnh” vô cùng quan trọng. Ở nước ta nhiều người đang nhầm lẫn về vấn đề này.

Nói về tự do nêu ý kiến, thì ai cũng có quyền đề xuất ý kiến tách nhập tỉnh. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ đề xuất đó xuất phát từ cơ sở nào?

Ở phần trên đã nêu ra 3 nhân tố quyết định tách nhập tỉnh. Hiện nay lãnh thổ Việt Nam không thay đổi. Hiến pháp chưa thay đổi. Vậy chỉ còn thay đổi phương thức quản trị.

Vậy ai sẽ quyết định thay đổi phương thức quản trị?

Hiện chưa thấy Tổng bí thư đề xuất thay đổi căn bản và toàn diện phương thức quản trị nhà nước. Thủ tướng là người chịu trách nhiệm điều hành Chính phủ cũng chưa đưa ra những ý tưởng thay đổi toàn diện phương thức quản trị nhà nước. Cũng chưa thấy Chủ tịch nước và Chủ tịch Quốc hội đề xuất thay đổi phương thức quản trị nhà nước một cách căn bản.

Nghĩa là những người có đủ thẩm quyền đưa ra ý tưởng thay đổi toàn diện phương thức quản lý nhà nước mà không chủ động đưa ra đề xuất, thì ai dám đưa ra đề xuất thay đổi toàn diện phương thức quản trị nhà nước mà hệ quả dẫn đến tách nhập tỉnh?

Từ đó suy ra đề xuất tách nhập tỉnh của ai đó, ngay cả trong Uỷ ban Thường vụ QH mà không phải từ đích danh Chủ tịch QH, hay từ Bộ Nội vụ đều là “ngồi không đúng ghế”. Vì “ngồi không đúng ghế”, không có luận cứ khoa học, không có chủ thuyết.

Cả nước hiện có 63 tỉnh, thành; trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng – nguồn Vietnamnet.

Cả nước hiện có 63 tỉnh, thành; trong đó có 5 thành phố trực thuộc Trung ương Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng – nguồn Vietnamnet.

Vậy để quyết phương án tách nhập tỉnh phải như thế nào và là ai?

-Người đưa ra phương án tách nhập tỉnh là người đề xuất tách nhập tỉnh.

Đề xuất tách nhập tỉnh phải là người đủ thẩm quyền, chỉ có thể là hoặc Tổng bí thư, hoặc Thủ tướng, hoặc Chủ tịch nước, hoặc Chủ tịch Quốc hội.

Nếu ai đó có ý tưởng tách nhập tỉnh, thì cũng phải thông qua những người đủ thầm quyền.

Người đề xuất tách nhập tỉnh đã phải có chủ thuyết tách nhập tỉnh nung nấu trong đầu dài ngày. Người đó phải đưa ra thuật toán tách nhập tỉnh như thế nào. Vì sao lại như vậy. Bộ Nội vụ chỉ là người chi tiết hoá phương án chia tách tỉnh của người đề xuất.

Vì người đề xuất tách nhập tỉnh biết mục đích và biết phương thức sẽ quản trị quốc gia. Những ý tưởng lớn cốt lõi phải xuất phát từ họ. Thuật toán tách nhập tỉnh phải là của họ.

Cho nên, nếu Thủ tướng đề xuất tách nhập tỉnh thì Thủ tướng phải có chủ thuyết và thuật toán tách nhập tỉnh. Thủ tướng có thể thảo luận với một hai “quân sư thân cận” của mình về chủ thuyết tách nhập tỉnh, về thuật toán tách nhập tỉnh, sau đó lệnh cho các ban ngành triển khai về mặt kỹ thuật.

Tiến sĩ có thể diễn dịch cụ thể khái niệm thuật toán này được không?

-Rất đơn giản. Đớ là việc phải “nghĩ thật” trong tách nhập tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có yêu cầu “nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật”. Làm sao lại có thế có “nghĩ giả” mà không phải “nghĩ thật”? Vậy “nghĩ thật” nên hiểu như thế nào?

Không chịu nghĩ. Lười nghĩ, hoặc không biết nghĩ gì – là biểu hiện của “nghĩ giả”. Tiếc thay các trường hợp “nghĩ giả” rất nhiều.

Lấy thí dụ. Cán bộ cấp trung ương xuống cấp tỉnh làm việc và vung tay chém gió. Nào là phải nghĩ trồng cây gì nuôi con gì. Phải tự lực sáng tạo. Phải phát huy trí tuệ tập thể. Phải dựa vào quần chúng. Phải cố gắng hơn nữa vân vân và mây mây… Tất cả các chỉ đạo dạng này đều là “nghĩ giả”.

“Nghĩ giả” vì nói những điều hiển nhiên. “Nghĩ giả” vì lười suy nghĩ. “Nghĩ giả” vì trong đầu không có gì để chỉ đạo. Cho nên vừa rồi Thủ tướng Phạm Minh Chính mới yêu cầu quyết liệt ngay và luôn cái việc “nghĩ thật”.

“Nghĩ thật” trong tách nhập tỉnh cho ta những kết quả rất khác nhau.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh địa giới hành chính là cú hích của sự nghiệp giảm biên chế và cả chống tham nhũng nữa? Ý kiến của TS?

-Nhiều người ủng hộ nhập tỉnh là vì giảm biên chế. Nhưng ở đây có 2 điều phải lưu ý.

Một, là nếu giải bài toán giảm biên chế, thì nhiều lĩnh vực khác mới cần giảm biên chế trước. Cụ thể là việc nhập các cơ quan đoàn thể vào một cơ cấu tinh giản khoa học thống nhất sẽ giảm được biên chế nhiều lần hơn so với nhập tỉnh. Đó mới là vấn đề cần làm trước. Chứ không phải nhập tỉnh.

Hai là có cách giảm biên chế một cách ngoạn mục với giá trị tuyệt đối lớn mà không phải nhập tỉnh, huyện, xã.

Chỉ nêu ra một cấu hình thuật toán. Thay vì phải nhập hai xã làm một thì giảm biên chế ở mỗi xã xuống còn dưới 50%. Cụ thể nhập bí thư và chủ tịch xã vào 1 người. Không có các phó chủ tịch xã.

Trong điều kiện công nghệ số ngày nay, một người thừa khả năng đảm nhận công việc của bí thư, chủ tịch, và các phó chủ tịch xã. Không tin thì cứ thử nghiệm. Sẽ tìm được người thừa khả năng thực thi chức năng của bí thư xã, chủ tịch xã và các phó bí thư xã.

Tương tự như vậy là các ban khác trong UBND xã. Chỉ cần bằng cách này, biên chế chính quyền mỗi xã sẽ giảm xuống còn ở mức dưới 20%. Đó một con số giảm biên chế rất khả thi. Chỉ cần “nghĩ thật” là đạt được. Chính thời đại công nghệ số cho phép giảm biên chế ở chính quyền xã, huyện, tỉnh xuống mức 20 - 30% mà không cần sáp nhập.

Thứ ba, là thực tế việc nhập tỉnh trước đây đưa Hà Tây vào Hà Nội không đưa đến giảm biên chế đích thực, mà chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác cho đến tuổi về hưu.

Thứ tư, là việc nhập tỉnh không chống được tham nhũng, mà còn tạo ra cơ hội tham nhũng mới. Vì sẽ phải “chạy” để chưa phải nhập, để được nguyên chức.

Cũng có ý kiến cho rằng nên làm sớm làm nhanh cái việc điều chỉnh… và sáp nhập. Như nhìn sang bên nước láng giềng Trung Quốc, rộng và đông đến vậy nhưng chỉ có 34 tỉnh thành. Việt Nam mình đã manh mún và bộ máy lại cồng kềnh nên không phát triển được?

-Hãy nhìn nước Mỹ. Hoa Kỳ có 50 bang, dân số năm 2020 là 331. 449. 281 người, và diện tích khoảng 9. 834. 000 km2. Về bang, đơn cử như bang California có diện tích 423.967 km2, dân số 39 557 000 người. Trong suốt lịch sử hơn 200 năm của Hoa Kỳ có bao giờ họ phải chia bang vì các bang quá lớn, quá đông dân?

Còn Trung Quốc với 1, 4 tỉ dân và diện tích 9,6 triệu km2 có 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 thành phố trực thuộc và 2 đặc khu. Chỉ riêng tỉnh Quảng Đông gần sát Việt Nam có dân số 113 triệu người. Nhưng sao Trung Quốc không chia tỉnh cho nhỏ? Trong khi Đắk Lắk chỉ 19 600 km2, chưa đến 2 triệu dân vào năm 2004, lại phải tách thành Đắk Lắk và Đắk Nông? và Lai Châu cũng vậy? Vấn đề không chỉ ở dân số và diện tích.

Hiển nhiên, nếu ít tỉnh thì bộ máy có thể bớt đi về biên chế. Nhưng ít là bao nhiêu tỉnh? Ai chứng minh được con số bao nhiêu tỉnh là hợp lý? Lấy gì để đảm bảo như một số người cho rằng khoảng 30 tỉnh là hợp lý? Lại có người cho chỉ khoảng 20 tỉnh?

Chúng ta từng có 40 tỉnh thành sau hợp nhất năm 1975-1978. Nhưng rồi phải tách tỉnh để bung ra 63 tỉnh thành.

Nếu muốn giảm biên chế sao không nhập thành chỉ còn 7 tỉnh theo mỗi vùng kinh tế là 1 tỉnh?

Tóm lại, việc nhập tách tỉnh phải có nguyên do liên quan đến 3 nhân tố quan trọng nêu trên: thay đổi lãnh thổ, thay đổi căn bản và toàn diện phương thức quản trị quốc gia, thay đổi Hiến pháp.

Còn con số cụ thể bao nhiêu tỉnh là một bài toán khoa học phụ thuộc vào chủ thuyết. Chủ thuyết phải được đề xuất từ người cầm quyền cao nhất. Nếu người cầm quyền cao nhất là bậc cái thế có trí tuệ sáng láng thì đó là hồng phúc. Nếu người cầm quyền cao nhất “nghĩ giả” thì đó là tai hoạ.

Cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi thẳng thắn này!