Ngày 9/12 vừa qua, tại Lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được vinh danh ở hạng mục Doanh nghiệp Chuyển đổi số xuất sắc. Đây là sự ghi nhận cho những nỗ lực của BIDV trong việc áp dụng công nghệ số trong hoạt động nội tại của ngân hàng cũng như các dịch vụ dành cho khách hàng.
Bên lề sự kiện, VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số của BIDV về những sản phẩm dịch vụ nổi bật của ngân hàng cũng như chiến lược phát triển trong thời gian tiếp theo.
PV: Xin chúc mừng BIDV khi vừa được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021. Xin ông chia sẻ về những thành tựu trong quá trình chuyển đổi số của BIDV thời gian qua?
Ông Nguyễn Chiến Thắng: Về thành tựu, đối với hoạt động dịch vụ khách hàng trong năm 2021, chúng tôi đã ghi nhận những kết quả đột phá nhờ áp dụng chuyển đổi số. Chẳng hạn tỷ trọng trong giao dịch thông qua các kênh số của BIDV năm 2021 đã lên trên 91%, tức là chỉ còn 9% là giao dịch tại các điểm quầy, còn phần lớn giao dịch là online.
Đối với khách hàng cá nhân, trong năm 2021 chúng tôi đã thực hiện mô hình Omni Channel (tiếp cận đa kênh để tiếp thị, bán hàng và phục vụ khách hàng theo cách tạo ra những trải nghiệm tích hợp, bất kể khách hàng đang ở đâu, lúc nào và sử dụng kênh nào - PV). Các giao dịch khách hàng được thực hiện liền mạch qua một nền tảng duy nhất là SmartBanking
Trong quý 4, chúng tôi ghi nhận số lượng giao dịch tăng trưởng trên 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nền tảng SmartBanking, chúng tôi đã triển khai trên 2.400 loại hình dịch vụ thanh toán, giúp khách hàng có thể thực hiện đầy đủ các khoản thanh toán trong cuộc sống hàng ngày của mình. Trong Smartbanking chúng tôi cũng đồng bộ tất cả các loại kênh từ các loại dịch vụ thẻ đến các dịch vụ thương mại điện tử online, đồng thời bổ sung thêm hình thức giúp khách hàng có thể giao dịch trực tiếp tại kênh offline. Chẳng hạn như khách hàng có thể sử dụng nền tảng SmartBanking để thanh toán ở bất kỳ điểm giao dịch vật lý nào. Với công cụ QR Pay, khách hàng không cần sử dụng thẻ vật lý nữa mà sử dụng ngay ứng dụng SmartBanking tại bất kỳ một điểm ATM nào để rút tiền. Đây chính là hình thức mà chúng tôi tạo ra sự liền mạch và liên thông cho dịch vụ khách hàng từ online đến offline.
ông Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ về các giải pháp và dịch vụ khách hàng của BIDV |
Trong SmartBanking chúng tôi cũng bổ sung một dịch vụ quan trọng là eKYC (định danh điện tử khách hàng -PV). Khách hàng không nhất thiết phải ra chi nhánh hay quầy giao dịch để mở tài khoản hoặc đăng ký một dịch vụ ngân hàng số. Khách hàng có thể sử dụng phương thức xác thực sinh trắc học mà chúng tôi đã cung cấp trên nền tảng công nghệ rất hiện đại, trong đó có cả kết hợp Trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận diện khuôn mặt khách hàng. Các khách hàng hoàn toàn không cần khai báo quá nhiều thủ tục phức tạp mà chỉ vài nút cơ bản trên ứng dụng SmartBanking là có thể đăng ký một tài khoản thanh toán thẻ ATM và một tài khoản ngân hàng số rất thuận tiện.
Một bước tiến nữa trong eKYC là vừa rồi chúng tôi đã ký kết với Bộ Công an là sẽ ứng dụng công nghệ này trên Căn cước Công dân gắn chíp, tức là chúng tôi có thể tích hợp tất cả những công nghệ đã được gắn trên con chíp của Căn cước Công dân để xác thực khách hàng đó một cách chính xác và có tính pháp lý cao hơn.
PV: Đó là với khách hàng cá nhân, còn khách hàng doanh nghiệp thì sao?
Ông Nguyễn Chiến Thắng: Về khách hàng doanh nghiệp, trong năm 2021 chúng tôi ghi nhận khá nhiều thành công. Chúng tôi đã đưa ra một kênh gọi là iBank cũng là một kênh dịch vụ liền mạch dành cho khách hàng doanh nghiệp.
Người dùng doanh nghiệp như các kế toán viên, các anh chị giám đốc hay người chịu trách nhiệm pháp nhân của doanh nghiệp có thể sử dụng toàn bộ dịch vụ của khách hàng doanh nghiệp ngay trên ứng dụng mobile.
Trong năm 2021 chúng tôi ghi nhận số lượng giao dịch của khách hàng doanh nghiệp tăng đột biến, cụ thể là 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tại có khoảng gần 150.000 doanh nghiệp đang sử dụng các kênh ngân hàng số của BIDV. Trên đó, BIDV cung cấp cho khách hàng doanh nghiệp rất nhiều tính năng mới.
Đặc biệt trong năm 2021 chúng tôi đã tiếp cận khuynh hướng mới gọi là ngân hàng mở, hay còn gọi là OpenBank. Chúng tôi đã cung cấp cho doanh nghiệp những dịch vụ của ngân hàng thông qua các API, tức là doanh nghiệp chỉ cần dùng các ứng dụng của mình (kết nối qua API với ngân hàng - PV) để thực thi tất cả các dịch vụ tài chính mà không nhất thiết phải sử dụng các kênh của ngân hàng. Đó là một khuynh hướng mới mà chúng tôi đã tiếp cận và trong năm 2021 chúng tôi ghi nhận kết quả cực kỳ khả quan - lượng giao dịch thông qua ngân hàng mở với các doanh nghiệp tăng đột biến trên 300%.
ông Nguyễn Chiến Thắng đại diện cho BIDV nhận cúp Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 |
Trên các kênh của chúng tôi cho khách hàng doanh nghiệp, BIDV liên tục cập nhật và bổ sung tiện ích mới, đặc biệt là những tiện ích mà trước đây chưa doanh nghiệp nào có thể nghĩ đến - ví dụ như kinh doanh tiền tệ, chuyển tiền quốc tế, mua bán ngoại tệ, tài trợ thương mại và đặc biệt là chúng tôi có cơ chế quản trị dòng tiền của khách hàng một các thuận tiện và đồng bộ nhất.
Trong mọi dịch vụ mà BIDV cung cấp thì chúng tôi hướng tới phục vụ khách hàng, lấy khách hàng làm trọng tâm. Hoạt động của BIDV từ việc phát triển sản phẩm, các công cụ quản trị nội bộ đến các cơ chế cung ứng các sản phẩm dịch vụ ra bên ngoài, BIDV đều hướng tới khách hàng và lấy khách hàng là trọng tâm.
PV: Trong số các giải pháp của BIDV được Hội đồng Chung khảo Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 đánh giá cao là BIDV Home. Xin ông nói rõ về giải pháp này?
Ông Nguyễn Chiến Thắng: Đó là một định hướng chiến lược của BIDV. Bên cạnh việc cung cấp dịch vụ cốt lõi cho khách hàng thông qua các kênh như SmartBanking, iBank, tiện ích như eKYC hay các giao dịch mà tôi nói ở trên, thì BIDV cũng có một định hướng nữa, đó là xây dựng Marketplace, hay còn gọi là một chợ giao dịch tập trung.
Trên Marketplace đó, chúng tôi cố gắng cung cấp cho khách hàng một công cụ tham chiếu. Đó là nơi khách hàng có thể khai thác tất cả các loại hình dịch vụ được BIDV hỗ trợ hay được kiểm chứng thay vì họ phải đi tìm kiếm ở các nền tảng khác nhau.
Với những hàng hoá, dịch vụ mà khách hàng chưa kiểm chứng được nhiều hoặc chưa có thời gian để đánh giá chất lượng, thì thông qua BIDV chúng tôi hỗ trợ khách hàng tiếp cận trên chợ. Khách hàng BIDV sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích thông qua Marketplace. Các đối tác doanh nghiệp - những người cung ứng sản phẩm dịch vụ thì cũng thông qua Marketplace của BIDV để cung ứng sản phẩm hàng hóa của mình trên cái chợ đó cho tệp khách hàng của BIDV. Tất cả các bên tham gia Marketplace đều được hưởng lợi và có một nền tảng để cùng nhau phát triển và chia sẻ.
PV: Tầm nhìn chiến lược của BIDV thời gian tới là gì?
Ông Nguyễn Chiến Thắng: Ban lãnh đạo BIDV đã định hướng tầm nhìn chiến lược, với mục tiêu đến năm 2030 BIDV sẽ là một trong những ngân hàng số tốt nhất Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2021, chúng tôi đã có những giải pháp đồng bộ rất quyết liệt và mạnh mẽ, đã có những thành tựu đáng kể và được ghi nhận bởi các tổ chức đánh giá xếp hạng trong đó có Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021. Đây là giải thưởng có tính khích lệ và tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục trên con đường hành trình chuyển đổi số giai đoạn 2025 tầm nhìn đến 2030.
Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV chia sẻ về 4 trụ cột chuyển đổi số trong tầm nhìn của ngân hàng đến năm 2030 |
Trong chiến lược phát triển của BIDV đến 2025 tầm nhìn 2030, ngân hàng xác định rõ chuyển đổi số là 1 trong 3 trụ cột chính trong chiến lược phát triển của mình.
Trong chiến lược Chuyển đổi số, chúng tôi cũng có chiến lược thành phần, trong đó chúng tôi tập trung vào bốn trụ cột chính: Thứ nhất là số hóa 360 độ, tức là toàn bộ quy trình vận hành từ trong quản trị nội bộ đến các kênh phân phối sản phẩm, cung ứng cho khách hàng đều được chuyển đổi, lấy nền tảng công nghệ làm mũi nhọn. Trụ cột thứ hai là chúng tôi sẽ xây dựng hệ sinh thái số xung quanh các dịch vụ của BIDV. Thứ ba là chúng tôi sẽ xây dựng một nền văn hóa số, năng lực số phát triển nguồn nhân lực. Thứ tư, chúng tôi sẽ là một trong những đơn vị đồng hành với chính phủ để thí điểm dẫn dắt thị trường chuyển đổi số, bởi vì trong chuyển đổi số các công nghệ luôn đi trước thời đại nên nếu chính sách pháp lý không thể bắt kịp ngay thì chính phủ và ngân hàng sẽ có những thí điểm và thực hiện theo cơ chế có kiểm soát.